Để xử lý các vụ án có bị can đang trốn lệnh truy nã, một trong những biện pháp mà cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng là tuyên truyền, vận động đối tượng ra đầu thú. Điều này không chỉ thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tính nhân đạo của pháp luật đối với những người đã trót phạm tội mà đây còn là niềm tin để những người phạm tội quay về nẻo thiện. 

 


Đầu thú để chuộc lỗi

Đối tượng đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập là Lìu Hảo Phú (SN 1993, ngụ huyện Dầu Tiếng) bị truy nã về tội trộm cắp tài sản. Sau khi gây án, Phú đã bỏ trốn xuống TP.Hồ Chí Minh làm thuê. Sau một thời gian được thuyết phục, Phú chủ động đến Công an tỉnh đầu thú sau gần 1 năm bị truy nã. Chia sẻ với chúng tôi, Phú cho biết: “Em đã trót phạm tội, nhưng sau một thời gian dài lẩn trốn em cảm thấy việc sống chui nhủi, lén lút thật khổ sở và chẳng khác nào đang khép lại tương lai của chính mình. Chính vì thế, được sự vận động của các anh trinh sát, em đã ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật, sớm cải tạo tốt để trở về làm lại cuộc đời, sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn”.

Tại PC52 chúng tôi cũng gặp được Trần Văn Quyết (SN 1991, quê Nghệ An) phạm tội trộm cắp tài sản. Sau thời gian lẩn trốn, được sự vận động của gia đình, người thân và các trinh sát, Quyết đã được gia đình đưa đến cơ quan công an đầu thú mong được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Phú và Quyết là 2 trong số 150 đối tượng do PC52 bắt và vận động đầu thú từ đầu năm đến nay, trong đó có 91 đối tượng bị bắt, 59 đối tượng ra đầu thú. Con số này tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng phần nào cho thấy được hiệu quả của công tác vận động đối tượng ra đầu thú.

Không ai đánh người chạy lại!

Để làm tốt công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, theo lãnh đạo PC52, những người trực tiếp đi “dân vận” phải hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, từng đối tượng, người có ảnh hưởng đến đối tượng để vận động, thuyết phục. Để tiếp cận được với gia đình, để họ có thể cởi mở, lắng nghe, hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật là điều không dễ, công việc này mất thời gian, phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi cán bộ làm công tác truy nã phải tạo được lòng tin đối với gia đình đối tượng nhằm tạo mối quan hệ thân thiết, từng bước chia sẻ, giải thích cho họ hiểu được cái lợi của việc đưa con em ra đầu thú.

Cố nén những giọt nước mắt xót xa đang lăn dài trên khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, ông Trần Văn Thắng, cha của Trần Văn Quyết chia sẻ: “Khi nhận được thư kêu gọi đầu thú của Công an tỉnh Bình Dương, gia đình chúng tôi vô cùng bất ngờ, đau xót khi biết tin con em mình phạm tội. Thế nhưng trong bức thư kêu gọi có một dòng chữ khiến chúng tôi vô cùng thấm thía và xúc động là: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Chính vì thế, mặc dù không muốn con em mình phải vào cảnh tù tội, nhưng trước sự khoan hồng của pháp luật, chúng tôi đã vận động cháu Quyết đi đầu thú, để trả giá cho sai lầm của mình, để sớm có ngày trở lại với gia đình”.

Rõ ràng, phạm tội không đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của người gây án và tự thú, đầu thú là con đường ngắn nhất để trở lại đời thường. Bù lại những giọt nước mắt vì lỗi lầm của con trẻ, những bậc cha mẹ lại được nở nụ cười vì con họ lại trở về sau thời gian trả giá cho sự sai lầm nhất thời.

Để làm tốt công tác này, những trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh (PC52) đã phải miệt mài hàng ngày, hàng giờ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thuyết phục, kêu gọi sự phối hợp của đương sự cũng như gia đình họ.

 

Theo Báo Bình Dương

.