Thụ lý án hình sự là khâu công tác quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác hàng năm của mỗi đơn vị. Việc phân công công tác cho bộ phận thụ lý hình sự của mỗi đơn vị VKSND cấp huyện còn có sự khác biệt, nhưng thông thường bao gồm một số công việc cơ bản như: Tiếp nhận, thụ lý hồ sơ án hình sự để kiểm sát điều tra, truy tố; cập nhật hệ thống sổ, phần mềm quản lý nghiệp vụ; công tác báo cáo tổng hợp (bao gồm cả báo cáo thống kê định kỳ và báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất; nhập phần mềm quản lý án hình sự...) ...

Trong công tác thụ lý và theo dõi việc giải quyết hồ sơ án hình sự, cán bộ thụ lý cần lưu ý một số nội dung như:

* Thụ lý hồ sơ ở giai đoạn kiểm sát điều tra

Cán bộ thụ lý khi tiếp nhận hồ sơ khởi tố từ Cơ quan điều tra cần kiểm tra một số nội dung liên quan đến tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có), Quyết định phân công Phó thủ trưởng, Điều tra viên, các biên bản kiểm tra, biên bản bắt, biện pháp ngăn chặn...; cần lưu ý về thời gian của các biên bản, quyết định, thời hạn gửi các biên bản, quyết định đến Viện kiểm sát để kịp thời báo cáo Lãnh đạo hoặc tích lũy vi phạm đối với các trường hợp vi phạm tố tụng của Cơ quan điều tra để tổng hợp kiến nghị chung.

leftcenterrightdel
 Cán bộ VKSND huyện Mù Căng Chải - Yên Bái trao đổi nghiệp vụ. Ảnh  báo Yên Bái

Về nội dung vụ án:

Xem xét về thẩm quyền giải quyết để thụ lý, nắm được nội dung cơ bản của vụ án để báo cáo Lãnh đạo Viện. Ngoài ra, đối với mỗi loại tội phạm nhất định cũng cần chú ý một số căn cứ khởi tố vụ án như: Kết luận giám định ma tuý, kết luận định giá tài sản, kết luận giám định thương tích... Việc đánh giá các tài liệu này sẽ do Kiểm sát viên kiểm sát điều tra xem xét, nhưng cán bộ thụ lý ban đầu phải đảm bảo có đầy đủ các tài liệu này khi thụ lý.

Sau khi kiểm tra hồ sơ, nếu chưa đầy đủ tài liệu thì cán bộ thụ lý phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung, khắc phục. Nếu hồ sơ đã đầy đủ thì lập biên bản bàn giao hồ sơ vụ án, ghi rõ ngày, giờ bàn giao và thống kê các tài liệu bàn giao theo quy định tại Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015; báo cáo Lãnh đạo Viện để phân công Kiểm sát viên thụ lý giải quyết; cập nhật vào sổ nghiệp vụ đúng quy định. Khi cập nhật sổ nghiệp vụ, cán bộ thụ lý cần chú ý phân loại nguồn hồ sơ để ghi chú và phục vụ công tác tổng hợp báo cáo như: hồ sơ khởi tố mới, phục hồi điều tra, di lý đến, khởi tố từ tin báo ...

Trong giai đoạn kiểm sát điều tra, cán bộ thụ lý thường xuyên rà soát, kiểm tra thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, lập danh sách theo dõi, cập nhật hàng tuần để tham mưu cho Lãnh đạo Viện để nhắc nhở Kiểm sát viên đối với các trường hợp sắp hết thời hạn, tránh trường hợp quá hạn.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ của đơn vị, song song với việc theo dõi tiến độ giải quyết vụ án, cán bộ thụ lý thông qua sổ sách cần thường xuyên kiểm tra để báo cáo Lãnh đạo nhắc nhở đối với các hồ sơ nếu Kiểm sát viên còn thiếu sót như: Ban hành yêu cầu điều tra (100% các vụ án), chuyển tài liệu điều tra đúng hạn..

* Thụ lý hồ sơ ở giai đoạn kết thúc điều tra, truy tố

Đối với các hồ sơ kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, cán bộ thụ lý cần kiểm tra: Biên bản đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên, trao đổi quan điểm về việc kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 31 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS; ngày ban hành Kết luận điều tra (trong thời hạn 02 ngày phải chuyển đến VKS theo quy định tại Khoản 4 Điều 232 BLTTHS 2015); các Quyết định tách, nhập vụ án, các quyết định tố tụng khác trong quá trình điều tra; thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can; các biên bản giao nhận các quyết định tố tụng ...

Ngoài các văn bản về tố tụng, cán bộ thụ lý phải kiểm tra số bút lục của hồ sơ vụ án, dấu, chữ ký trong các biên bản, tài liệu; kiểm tra việc chuyển giao tài liệu điều tra có được lập biên bản đúng quy định tại Khoản 5 Điều 88 BLTTHS hay không ...

Cán bộ thụ lý phải thường xuyên rà soát các vụ án đang trong giai đoạn truy tố cùng với biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng, lập danh sách theo dõi giúp cho Lãnh đạo kịp thời chỉ đạo, tránh trường hợp để quá hạn hồ sơ tại Viện kiểm sát.

Đối với các hồ sơ truy tố, trước khi chuyển đến Toà án để xét xử, cán bộ thụ lý cần lưu ý thời hạn tạm giam, thời hạn truy tố, các thông báo về việc truy tố đúng quy định tại Điều 244 BLTTHS 2015, vào sổ theo dõi nghiệp vụ và lập biên bản giao nhận hồ sơ với Toà án.

Đối với các hồ sơ đã được Toà án thụ lý, đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cán bộ thụ lý phải thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách vụ án đã chuyển Tòa án chưa xét xử và biện pháp ngăn chặn để báo cáo Lãnh đạo, kịp thời nhắc nhở đối với các trường hợp sắp hết hạn theo quy định của BLTTHS.

leftcenterrightdel
Cán bộ VKSND tỉnh Đồng Nai thụ lý hồ sơ vụ việc. Ảnh báo Đồng Nai.

* Một số giải pháp để nâng cao chất lượng của công tác thụ lý, theo dõi việc giải quyết hồ sơ án hình sự

Để công tác thụ lý, theo dõi việc giải quyết hồ sơ án hình sự nói chung đạt kết quả cao, phục vụ được mục đích quản lý, tham mưu cho Lãnh đạo, đòi hỏi cần có sự sắp xếp công việc hợp lý trong bộ phận thụ lý tổng hợp nói chung, ngoài ra tuỳ theo điều kiện của các đơn vị có thể áp dụng thêm một số biện pháp như:

- Phân công cán bộ thụ lý nhận hồ sơ chuyên trách, có thể phân chia công việc thụ lý theo giai đoạn giải quyết như: thụ lý kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; cùng với đó là quản lý sổ, cập nhật phần mềm quản lý nghiệp vụ tương ứng với giai đoạn phụ trách để phục vụ việc theo dõi và báo cáo khi cần thiết;

- Lập, quản lý danh sách hồ sơ qua các giai đoạn, theo dõi thời hạn, cập nhật đầy đủ. Duy trì việc báo cáo danh sách với Lãnh đạo hàng tuần để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc giải quyết án khi cần thiết. Thường xuyên trao đổi với Cơ quan điều tra, Toà án để giải quyết các vướng mắc trong quá trình giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan.

- Đảm bảo việc giao nhận tài liệu, hồ sơ được thống kê, lập biên bản đầy đủ, đặc biệt đối với các trường hợp quá hạn theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, để đảm bảo tài liệu, căn cứ kiến nghị khắc phục đối với các trường hợp vi phạm.

- Mọi hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án đều phải được thông qua bộ phận thụ lý như: Giao nhận hồ sơ với Cơ quan điều tra (cập nhật theo sổ giao nhận tài liệu theo Khoản 5 Điều 88), các Quyết định tố tụng về việc giải quyết vụ án như: Tạm đình chỉ, đình chỉ, trả hồ sơ điều tra bổ sung… để đảm bảo công tác theo dõi, cập nhật, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo và báo cáo thống kê.

- Trên cơ sở danh sách các vụ án đang thụ lý, cán bộ thụ lý trao đổi với Kiểm sát viên rà soát, đăng ký các vụ án có thể kết thúc trước thời hạn để gửi công văn đề nghị Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án của đơn vị.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về công tác của bộ phận thụ lý theo dõi việc giải quyết hồ sơ án hình sự, mong nhận được sự trao đổi và bổ sung của các đồng nghiệp.

Dương Thị Cẩm Vân - VKSND quận Bắc Từ Liêm