VKSND tối cao vừa xây dựng dự thảo Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành KSND gửi thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng các VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến đóng góp.

Theo dự thảo Quy chế, sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (giải pháp) được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 8 của Quy chế này.

Giải pháp kỹ thuật là việc áp dụng kỹ thuật để giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) đã được xác định, bao gồm: Sản phẩm, quy trình, cách thức tiến hành một quy trình.

Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc trong các lĩnh vực hoạt động như: Phương pháp tổ chức công việc; phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.

Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc các lĩnh vực hoạt động như: Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính; phương pháp thu thập thông tin, thẩm định, nghiên cứu tổng hợp, đánh giá; phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy…

Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn mang lại hiệu quả trong công tác.

Tác giả sáng kiến là người trực tiếp tạo ra sáng kiến. Đồng tác giả sáng kiến là những người cùng nhau tạo ra sáng kiến.

Xét, đề nghị công nhận sáng kiến là hoạt động của Hội đồng sáng kiến nhằm thẩm định, đánh giá sáng kiến và đề nghị người có thẩm quyền công nhận sáng kiến.

Công nhận sáng kiến là việc người có thẩm quyền căn cứ vào đề nghị của Hội đồng sáng kiến quyết định công nhận hoặc không công nhận sáng kiến.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị tại Hội nghị triển khai công tác của ngành KSND năm 2018

Về nội dung, hình thức của sáng kiến, theo dự thảo Quy chế, nội dung sáng kiến bao gồm các giải pháp liên quan đến: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành; công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật; các hoạt động khác của ngành KSND.

Hình thức của sáng kiến, gồm: Giải pháp; đề án, đề tài; chuyên đề; kiến nghị, kháng nghị. Sáng kiến gồm: Sáng kiến cấp cơ sở và sáng kiến cấp ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Thanh tra VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác của ngành KSND năm 2019

Về nguyên tắc xét, đề nghị công nhận sáng kiến, dự thảo Quy chế quy định, việc xét, đề nghị công nhận sáng kiến phải chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công bằng và đúng thực chất. Đồng thời, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người có sáng kiến yêu cầu được công nhận sáng kiến nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng kiến trong ngành KSND.

Mặt khác, dự thảo Quy chế cũng yêu cầu: Văn phòng VKSND tối cao, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền các hoạt động sáng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ngành, của địa phương, đơn vị mình nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia hoạt động sáng kiến. 

Đồng thời, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm công bố, phổ biến, áp dụng rộng rãi trong hệ thống đơn vị trực thuộc đối với các sáng kiến là giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp đã được áp dụng, mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, dự thảo Quy chế còn quy định về các nội dung khác, như: Điều kiện xét, đề nghị công nhận sáng kiến; Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến; chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của Hội đồng; Hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến; trình tự, thủ tục xét, đề nghị công nhận sáng kiến; tiêu chí chấm điểm sáng kiến; hủy bỏ việc công nhận sáng kiến; gửi quyết định công nhận sáng kiến...

Dự thảo Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành KSND gồm 6 chương, 27 điều, quy định về sáng kiến, nội dung sáng kiến, phân loại sáng kiến; nguyên tắc và điều kiện xét, đề nghị công nhận sáng kiến; Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến các cấp (Hội đồng); hồ sơ xét, đề nghị công nhận sáng kiến, trình tự, thủ tục xét, công nhận sáng kiến. Quy chế này áp dụng đối với công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND, không áp dụng đối với hệ thống VKS quân sự.

 

P.V