Liên quan đến việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Điều 14 Quy định nêu rõ: Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Việc trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Luật Tố tụng hành chính và Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2016.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải xem xét việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và của những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án; kiểm tra việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ để lập hồ sơ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 132 Luật Tố tụng hành chính.
Khi phát hiện Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị theo Mẫu số 15/HC.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng Tờ trình báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án. Người nghiên cứu hồ sơ ký nháy vào cuối mỗi trang và ký, ghi rõ họ tên vào cuối tờ trình. Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện kiểm sát phải có ý kiến vào Tờ trình. Tờ trình theo Mẫu số 11/HC và được lưu vào hồ sơ kiểm sát.
Đối với nội dung dự thảo đề cương hỏi và văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa, theo Quy định thì sau khi báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng dự thảo đề cương hỏi, dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa.
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên chuẩn bị đề cương để tham gia hỏi tại phiên toà. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải chuẩn bị câu hỏi cho từng đương sự, từng vấn đề còn đang có mâu thuẫn, tranh chấp; có câu hỏi nhằm xác định giá trị chứng minh của tài liệu, có câu hỏi nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tập trung vào vấn đề cần làm sáng tỏ và phù hợp với từng đối tượng được hỏi.
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng dự thảo văn bản phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát để trình bày tại phiên toà theo quy định tại Điều 190 Luật Tố tụng hành chính. Văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa gồm 2 nội dung chính: Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Văn bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa sơ thẩm được xây dựng theo Mẫu số 19/HC và được lưu hồ sơ kiểm sát.
Ngoài các nội dung trên, Quy định còn đề cập đến các nội dung khác như: Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện và thực hiện quyền kiến nghị; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện; lập hồ sơ kiểm sát; kiểm sát việc thụ lý vụ án; kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án.
Yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; kiểm sát việc tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án; kiểm sát Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án; kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa sơ thẩm; báo cáo kết quả xét xử sơ thẩm; kiểm sát bản án của Tòa án cấp sơ thẩm; kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm, theo thủ tục rút gọn, theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; kiểm sát việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao theo thủ tục đặc biệt…
Theo VKSND tối cao, Quy định này được áp dụng trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kể cả vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài. Quy định áp dụng đối với các đối tượng, gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác của VKSND các cấp được giao thực hiện nhiệm vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính. |