Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt trong hay ngoài Tòa án, trực tiếp làm công tác pháp luật hay không làm công tác pháp luật… đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho TAND tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi cho TAND tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên tòa. Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, thực tiễn công tác phát triển án lệ cho thấy, chỉ có một số ít các Tòa án, đơn vị gửi đề xuất án lệ. Số lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn gửi bản án, quyết định để đề xuất phát triển án lệ còn rất hạn chế; đặc biệt là giới Luật sư dù rất quan tâm nghiên cứu án lệ nhưng chưa thực sự tham gia vào công tác đề xuất án lệ. Các Thẩm phán khi soạn thảo bản án, quyết định đã phân tích, lập luận về tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý nhưng chủ yếu tập trung giải quyết tình huống pháp lý cụ thể trong vụ án đó mà chưa hướng đến việc khái quát tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý có thể áp dụng cho các vụ việc có tính chất tương tự. 

Từ thực tiễn nêu trên, Nhóm nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động đề xuất án lệ, tăng cường viện dẫn án lệ. Cụ thể, TAND tối cao quán triệt TAND các cấp, các đơn vị thuộc TAND tối cao có liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ rà soát, phát hiện bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ. Hàng năm, các TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, các đơn vị thuộc TAND tối cao có liên quan phải đề xuất ít nhất 1 bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ. 

Trước mỗi đợt triển khai công tác phát triển án lệ, TAND tối cao có thể gửi văn bản thông báo tới các cơ quan, bộ, ngành có liên quan như: VKSND tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… để các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm đến công tác phát triển án lệ có thể gửi các bản án, quyết định đáp ứng tiêu chí lựa chọn án lệ cho TAND tối cao xem xét, phát triển thành án lệ.

Đề nghị TAND tối cao đưa nội dung về đề xuất phát triển án lệ thành một nội dung thi đua trong toàn hệ thống Tòa án; kịp thời khen thưởng các Thẩm phán có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án có nhiều đề xuất bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ. Công tác tổ chức tập huấn về viết bản án cần lồng ghép nội dung hướng dẫn cách viết bản án, quyết định có chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng được tiêu chí lựa chọn án lệ, nhằm nâng cao chất lượng các án lệ được lựa chọn; hướng dẫn cách viện dẫn án lệ. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu, bình luận án lệ; tạo các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về viện dẫn, áp dụng án lệ, thảo luận về các vấn đề pháp lý cần nghiên cứu, phát triển án lệ thu hút các chủ thể trong và ngoài hệ thống Tòa án cùng tham gia.

Tính đến nay, 29 án lệ do TAND tối cao ban hành tương đối đa dạng về lĩnh vực, bao gồm: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hình sự, hành chính... Tuy nhiên, trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện đến Tòa án ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình tranh chấp, trong khi thực trạng pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, một số vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể, yêu cầu đặt ra đối với công tác phát triển án lệ càng trở nên cấp thiết. Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn xét xử cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhưng chưa có án lệ để áp dụng. 

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng pháp luật, thực tiễn xét xử và công tác lựa chọn án lệ của Tòa án, Nhóm nghiên cứu đề xuất TAND tối cao nghiên cứu, phát triển án lệ đối với các vấn đề pháp lý, cụ thể như: Trong lĩnh vực hình sự cần nghiên cứu, phát triển án lệ về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà các Thẩm phán còn hiểu chưa thống nhất như phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn; vấn đề pháp lý trong các tội phạm về ma túy, tội phạm về kinh tế, tội phạm về môi trường; quy định về xử lý vật chứng… Trong lĩnh vực dân sự đề xuất nghiên cứu, phát triển án lệ đối với các vấn đề pháp lý về giao dịch giữa cha, mẹ và con chưa thành niên, về di chúc chung của vợ chồng, về tài sản hình thành trong tương lai, về quyền tài sản, về chi phí hợp lý, thời hạn hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu,… Trong lĩnh vực hành chính cần tăng cường án lệ đối với các loại án liên quan đến các quyết định thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư…

P.V