1. Về nguyên tắc hỏi cung bị can:

Khi hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, Người có thẩm quyền hỏi cung cần phải quán triệt các nguyên tắc chủ yếu sau đây theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015:

Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Điều 414): nguyên tắc này đòi hỏi Người có thẩm quyền hỏi cung phải tôn trọng quyền trình bày ý kiến, bảo đảm giữ bí mật cá nhân, bảo đảm quyền tham gia của người đại diện của bị can là người dưới 18 tuổi…

Nguyên tắc “Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 7): nguyên tắc này trước hết yêu cầu Người có thẩm quyền hỏi cung phải tuân theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

Nguyên tắc “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể” (Điều 10): nguyên tắc này đòi hỏi Người có thẩm quyền hỏi cung không được tra tấn, bức cung, dùng nhục hình với bị can. bức cung, nhục hình là xâm phạm tới các quyền cơ bản của họ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải quyết vụ án oan sai.

Nguyên tắc “Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân” (Điều 11): yêu cầu của nguyên tắc này là Người có thẩm quyền hỏi cung không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bị can.

Nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” (Điều 16): thực hiện nguyên tắc này, Người có thẩm quyền hỏi cung có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho bị can thực hiện đầy đủ các quyền của họ theo quy định của BLTTHS.

Nguyên tắc “Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự” (Điều 29): tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Trường hợp bị can là người dân tộc ít người, người nước ngoài không sử dụng được tiếng việt, thì Người có thẩm quyền hỏi cung phải mời người phiên dịch cho họ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

2. Về chủ thể triệu tập và hỏi cung bị can:

Theo quy định tại Điều 415 BLTTHS năm 2015 thì chủ thể hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.

Qua nghiên cứu các quy định của BLTTHS năm 2015, chúng tôi thấy chủ thể triệu tập và hỏi cung bị can phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (người tiến hành tố tụng, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) và có thể phân loại như sau:

(i) Chủ thể có quyền hạn triệu tập và hỏi cung bị can: Điều tra viên (điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015); Kiểm sát viên (điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015); Cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm đ khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015).

(ii) Chủ thể chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn hỏi cung bị can mà không có quyền hạn triệu tập bị can: cán bộ điều tra của các Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm c khoản 4 Điều 39 BLTTHS năm 2015).

(iii) chủ thể hỗ trợ việc hỏi cung bị can: Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra, Kiểm tra viên thuộc Viện kiểm sát là người tiến hành tố tụng nhưng họ không có quyền hạn triệu tập và hỏi cung bị can. Họ chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn giao, chuyển, gửi giấy triệu tập; ghi biên bản hỏi cung bị can…khi được Điều tra viên, Kiểm sát viên phân công (Điều 40, 43 BLTTHS năm 2015).

Cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền triệu tập và hỏi cung bị can (Điều 38 BLTTHS năm 2015).

3. Trình tự, thủ tục hỏi cung bị can:

BLTTHS năm 2015 tại Chương 28 phần thứ 7 đã quy định thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó bao gồm bị can là người dưới 18 tuổi. Theo quy định tại Điều 413 Bộ luật này, thì khi tham gia tố tụng, bị can là người dưới 18 được áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm bảo đảm các lợi ích tốt nhất của họ, đồng thời họ còn được áp dụng những quy định khác của BLTTHS năm 2015 không trái với quy định tại chương 28 Bộ luật này.

Với quy định trên, thì trong hoạt động hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, người có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại các điều 413, 414, 420, 421 và các điều 127, 133, 178, 182, 183, 184 của BLTTHS năm 2015, Điều 14 Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018 quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; theo đó:

Người có thẩm quyền hỏi cung có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trường hợp hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố thì phải sắp xếp, bố trí phòng hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý của bị can.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên cần chủ động, tích cực tìm tòi, học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi. Ảnh minh họa.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình. Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc hỏi cung bị can phải mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. thời gian hỏi cung bị can không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp: phạm tội có tổ chức; để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn; ngăn chặn người khác phạm tội; để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án; vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Khi tiến hành hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của bị can; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc hỏi cung khi bị can có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

4. Kiểm tra, đánh giá lời khai của bị can:

Theo quy định tại Điều 98 BLTTHS năm 2015 về lời khai của bị can thì bị can trình bày những tình tiết của vụ án. Lời nhận tội của bị can chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Vì vậy, lời khai của bị can cần phải được kiểm tra, đánh giá thận trọng, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự. Kiểm tra, đánh giá lời khai của bị can bằng cách nghiên cứu nội dung lời khai, đối chiếu với các lời khai trước, so sánh với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được, tiến hành các hoạt động điều tra khác để kiểm tra lời khai của người bị hại…

5. Một số lưu ý đối với Kiểm sát viên nhằm thực hiện tốt việc hỏi cung bị can:

Hiện nay nhiều Kiểm sát viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách có hệ thống, chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nói chung, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi nói riêng. Vì vậy, mỗi Kiểm sát viên cần chủ động, tích cực tìm tòi, học tập, nghiên cứu để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, nhằm đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Bị can dưới 18 tuổi là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất, tâm thần, họ có những đặc điểm tâm lý phổ biến như: thiếu tập trung, chóng mệt mỏi khi phải làm việc nhiều, mau quên, muốn thể hiện mình là người lớn...Vì vậy, khi hỏi cung bị can ở lứa tuổi này, theo chúng tôi, Kiểm sát viên cần lưu ý:

- Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, việc này giúp Kiểm sát viên luôn ở thế chủ động, có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi hỏi cung bị can. Kiểm sát viên cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ càng từng tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu, chứng cứ liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của bị can, các tài liệu thể hiện đặc điểm nhân thân của bị can như tên, tuổi, trình độ văn hóa, hoàn cảnh sống, điểm mạnh yếu; mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội. Quá trình nghiên cứu, Kiểm sát viên cần quan tâm đến việc phát hiện, tổng hợp lại những mâu thuẩn trong các tài liệu, chứng cứ, những vấn đề còn chưa rõ, chưa đầy đủ để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch hỏi cung bị can.

Thực tiễn điều tra có xảy ra tình huống Cơ quan điều tra sử dụng một giấy khai sinh để xác định tuổi của bị can nhưng nhờ sự thận trọng, kỹ lưỡng khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên đã phát hiện ngày tháng năm sinh của bị can theo giấy khai sinh này là không chính xác, từ đó Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can kết hợp với các biện pháp điều tra khác đã xác định được bị can có đến 02 giấy khai sinh và độ tuổi thể hiện trong giấy khai sinh thu thập bổ sung mới chính xác. Nếu thiếu thận trọng khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ thì Kiểm sát viên không thể phát hiện được sự việc này.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên lập kế hoạch hỏi cung bị can, trong đó: xác định thứ tự hỏi cung hợp lý đối với từng bị can trong vụ án có nhiều bị can; các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng và trình tự sử dụng; dự kiến các câu hỏi đưa ra đối với từng bị can, các hướng trả lời của bị can và các câu hỏi tiếp theo; các tình huống có thể xảy ra khi hỏi cung bị can và biện pháp giải quyết; chiến thuật hỏi cung áp dụng đối với từng bị can và trong từng tình huống cụ thể; các vấn đề khác như thời gian, địa điểm hỏi cung, việc triệu tập bị can, các trang thiết bị sử dụng cho việc hỏi cung.

- Trước khi hỏi cung, Kiểm sát viên nên dành một khoảng thời gian để hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình bị can, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết các đề nghị của bị can…Điều này có thể xóa tan trạng thái tâm lý tiêu cực, làm cho bị can thấy được sự quan tâm, tôn trọng Kiểm sát viên, mong muốn khai báo thành khẩn.

- Quá trình hỏi cung, thái độ của Kiểm sát viên phải bình tĩnh, kiên trì, không nóng nảy, không cáu gắt đối với bị can. Phải tạm dừng ngay việc hỏi cung khi bị can có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

- Kiểm sát viên hỏi cung bị can càng sớm càng hay vì ở lứa tuổi này bị can rất nhanh quên các tình tiết quan trọng của vụ án. Thời gian hỏi cung càng nhanh càng tốt, vì thời gian hỏi cung kéo dài sẽ làm cho bị can mất tập trung, mệt mõi, ảnh hưởng đến kết quả hỏi cung. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần phải hỏi cung bị can nhiều lần trong một ngày hoặc thời gian hỏi cung kéo dài trong nhiều giờ thì Kiểm sát viên cần bố trí thời gian hợp lý để cho bị can nghỉ ngơi trong quá trình hỏi cung.

- Sau mỗi lần hỏi cung bị can kết thúc, Kiểm sát viên cần kiểm tra lại hình thức, nội dung của biên bản hỏi cung để kịp thời sữa chữa các thiếu sót. Cần trích cứu lại lời khai của bị can sau mỗi lần hỏi cung, một mặt để ghi nhớ lời khai, mặt khác để việc so sánh, đánh giá giữa các bản khai của bị can, cũng như giữa lời khai của bị can và các chứng cứ khác của vụ án được thuận lợi.

Anh Minh - VKSND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế