Từ thực tiễn công tác, tác giả Nguyễn Cao Cường, VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế nêu lên một số kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, kiểm tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của VKS trong công tác này, xin giới thiệu bài viết để tham khảo và rất mong nhận được nhiều ký kiến góp bàn. Bài viết xin gửi về hộp thư: baovephapluat24h@gmail.com. 

Phát hiện vi phạm

KSV làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát như kiểm sát trực tiếp thường kỳ và đột xuất, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, trực tiếp gặp hỏi người bị tạm giữ, tạm giam hoặc thông qua phản ánh của người dân để phát hiện các vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, chấm dứt hành vi vi phạm và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 KSV gặp hỏi người bị tạm giam (Ảnh: Hùng Sơn)

Ví dụ: Khi người bị tạm giam trốn khỏi Nhà tạm giữ, KSV đã tham mưu lãnh đạo Viện quyết định trực tiếp kiểm sát đột xuất Nhà tạm giữ, qua kiểm sát phát hiện Nhà tạm giữ có vi phạm trong việc quản lý, canh gác, dẫn giải, kiểm tra đồ vật cấm mang vào buồng giam giữ, dẫn đến người bị tạm giam trốn, từ đó đã ban hành kết luận, kháng nghị yêu cầu Nhà tạm giữ khắc phục vi phạm, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

Sau khi nắm được thông tin từ người dân về việc Nhà tạm giữ cho người bị tạm giam ra lao động ngoài khu vực giam giữ, KSV đã tiến hành kiểm tra thực tế, phát hiện người bị tạm giam đang lao động ngoài khu vực giam giữ, không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền, từ đó báo cáo lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị yêu cầu Nhà tạm giữ chấm dứt vi phạm.

Khi kiểm sát các quyết định về tạm giữ, tạm giam, KSV cần xem xét thận trọng về mẫu, căn cứ, thẩm quyền, thời hạn ra quyết định, nội dung, thời hạn gửi quyết định, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định chính xác, đầy đủ các vi phạm, trên cơ sở đó kháng nghị, kiến nghị triệt để các vi phạm xảy ra.

Khi đã xác định hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật, KSV cần nhanh chóng thu thập đầy đủ các quyết định, tài liệu liên quan đến vi phạm pháp luật, tiến hành phân tích, đánh giá tính chất của vi phạm pháp luật (ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng), hậu quả của vi phạm ra sao, có xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hay không, từ đó báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định kháng nghị hay kiến nghị đối với hành vi, quyết định đó, chẳng hạn quyết định có vi phạm về thẩm quyền ra quyết định thì KSV tham mưu lãnh đạo Viện kháng nghị.

Nếu chỉ là các vi phạm về hình thức, thời hạn gửi quyết định thì KSV tổng hợp để tham mưu lãnh đạo VKS ban hành kiến nghị. Trường hợp còn có quan điểm đánh giá khác nhau về vi phạm pháp luật, như: có vi phạm xảy ra hay không; cần kháng nghị hay kiến nghị đối với các vi phạm này, thì KSV báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện.

Kinh nghiệm xây dựng kháng nghị, kiến nghị

Văn bản kháng nghị, kiến nghị phải được soạn thảo theo đúng mẫu quy định  tại Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 26/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quyết định 39). Kiến nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo mẫu số 55/TG. Kháng nghị quyết định vi phạm pháp luật hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam thực hiện theo mẫu số 58/TH.

leftcenterrightdel
  Kiểm sát bảo đảm quyền bầu cử cho người bị tạm giam (Ảnh: Nguyễn Cường)

Với mỗi vi phạm, phải nêu ra và phân tích cụ thể, rõ ràng, viện dẫn đầy đủ, chính xác quy định của pháp luật để chứng minh (điểm, khoản, điều luật và văn bản cụ thể). Ví dụ: Nhà tạm giữ Công an huyện thông báo sắp hết thời hạn tạm giam đối với bị can Lê Phước S. chậm so với quy định, KSV phải phân tích cụ thể, chứng minh rõ vi phạm, như:

Bị can Lê Phước S. phạm tội Trộm cắp tài sản, bị bắt tạm giam theo Lệnh bắt bị can để tạm giam số 01/LBBC ngày 01/4/2020 của VKS. Bị can bị bắt vào ngày 1/4/2020, thời hạn tạm giam đến ngày 30/4/2020. Đến ngày 28/4/2020, Nhà tạm giữ mới ra thông báo số 68/TB về việc sắp hết thời hạn tạm giam là chậm 8 ngày so với thời hạn quy định tại điểm h khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, đồng thời KSV trích dẫn điểm khoản của điều luật vi phạm (điểm h khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015) để chứng minh.

Tránh nêu vi phạm một cách chung chung, vì sẽ thiếu thuyết phục, chẳng hạn, có bản kiến nghị chỉ nêu chế độ ăn, chỗ nằm của người bị tạm giam chưa bảo đảm, lẽ ra cần phải phân tích cụ thể, rõ ràng hơn như chế độ ăn hàng ngày của người bị tạm giam chỉ 15.000 đồng, thiếu 10.000 đồng so với quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; chỗ nằm của người bị tạm giam là 1,5 mét vuông, tối thiểu phải 2 mét vuông theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015…

Kháng nghị, kiến nghị phải thể hiện hết, triệt để các vi phạm trong hành vi, quyết định đã phát hiện, tránh việc bỏ sót nội dung vi phạm, như quyết định tạm giam có vi phạm về mẫu, thời hạn ra quyết định và chậm gửi quyết định cho VKS nhưng VKS chỉ kiến nghị về mẫu và thời hạn ra quyết định, không kiến nghị việc Tòa án gửi quyết định chậm là chưa đầy đủ, triệt để, bỏ lọt vi phạm về thời hạn gửi quyết định.     

Văn bản kháng nghị, kiến nghị phải nêu, phân tích rõ ràng nguyên nhân khách quan, chủ quan của vi phạm, tránh nêu nguyên nhân một cách chung chung, như Nhà tạm giữ thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình, Nhà tạm giữ quản lý giam giữ chưa tốt...

KSV nên đọc đi đọc lại văn bản kháng nghị, kiến nghị nhiều lần để sửa chữa các sai sót và bảo đảm nội dung văn bản này ngắn gọn nhưng rõ ràng, chính xác, đầy đủ. Sau khi dự thảo văn bản kháng nghị, kiến nghị, KSV có báo cáo bằng văn bản, kèm theo dự thảo đến lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định ra văn bản kháng nghị, kiến nghị đối với cơ quan có vi phạm.

Kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị

Khi đã ban hành kháng nghị, kiến nghị rồi, KSV cần có kế hoạch theo dõi, kiểm tra đối với cơ quan liên quan trong việc trả lời, tiếp thu, thực hiện kháng nghị, kiến nghị của VKS theo quy định tại Điều 9 (khoản 1), Điều 24 (điểm c khoản 1, khoản 2 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điều 42 (điểm đ khoản 2), Điều 43 (khoản 3,4) Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Khi cần thiết thì tổ chức phúc tra hoặc thông qua trực tiếp kiểm sát định kỳ để phúc tra việc thực hiện các nội dung kháng nghị, kiến nghị.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát trực tiếp Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Ảnh PV

Trường hợp cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị không nhất trí với kháng nghị, kiến nghị thì VKS đã kháng nghị, kiến nghị phải báo cáo ngay với VKS cấp trên trực tiếp, kèm theo tài liệu liên quan chứng minh việc kháng nghị, kiến nghị là có căn cứ, đúng pháp luật. Nếu kháng nghị, kiến nghị không chính xác nên không được cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị chấp nhận, lãnh đạo đơn vị cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, có biện pháp xử lý phù hợp.

Nguyễn Cao Cường