Thứ nhất, tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
leftcenterrightdel
 Kiểm sát trực tiếp tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, thế nào là “vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng” thì hiện chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ nên thực tiễn áp dụng còn có các quan điểm khác nhau. Cùng một vi phạm, nhưng có đơn vị cho là vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải kháng nghị, lại có đơn vị cho là vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng nên chỉ kiến nghị.

Thứ hai, cả Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 đều thiếu vắng quy định về thời hạn ban hành kiến nghị của Viện kiểm sát, khiến thực tiễn áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Có đơn vị ban hành kiến nghị ngay sau khi phát hiện vi phạm, lại có đơn vị tổng hợp các dạng vi phạm để định kỳ 6 tháng, 1 năm ban hành kiến nghị tổng hợp, dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không được kiến nghị kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục, để kéo dài.

Thứ ba, Luật THADS thiếu vắng quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét, giải quyết, trả lời kết quả thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát, làm cho Viện kiểm sát gặp không ít khó khăn trong việc theo dõi, kiểm tra kết quả khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, chế tài đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời, không thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát vẫn chưa rõ ràng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả kiến nghị. Trong thực tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân ít khi trả lời kiến nghị vì không trả lời cũng không phải chịu trách nhiệm gì, Viện kiểm sát thì lại không thể biết được kiến nghị có được thực hiện không, nếu thực hiện thì đã đầy đủ hay chưa?...

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, chúng tôi kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Thứ nhất, bổ sung vào Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 các quy định về: thời hạn Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị khi kiểm sát thi hành án dân sự, chẳng hạn, có thể quy định Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị trong thời hạn 15 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án 

Thời hạn cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát.

Cách thức giải quyết trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không đồng ý với kiến nghị; thời hạn các cơ quan, tổ chức khắc phục các nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát.

Chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời kiến nghị, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.

Thứ hai, bổ sung vào Luật Tổ chức VKSND năm 2014 02 điều luật mới để quy định về quyền kiến nghị và trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, khắc phục các vướng mắc thực tiển đặt ra.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về thuật ngữ “Vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, “vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng” quy định tại Điều 5 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 nhằm thống nhất trong nhận thức, thực hiện.

Anh Minh (VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế)