Kiểm sát lệnh khám xét

Khi nhận được lệnh khám xét cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo từ Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thẩm quyền khám xét, cụ thể:

- Kiểm sát viên nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ như biên bản ghi lời khai của người bị buộc tội, người làm chứng, bị hại để xem xét tính có căn cứ của lệnh khám xét. Theo quy định tại Điều 192 BLTTHS 2015, việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát việc khám xét. Ảnh Chính Cương

Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.

- Kiểm tra thẩm quyền ra lệnh khám xét: những người quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015 mới có thẩm quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét.

- Kiểm sát nội dung, hình thức của lệnh khám xét, bảo đảm đầy đủ nội dung và đúng theo mẫu quy định.

- Kiểm sát về thời hạn Cơ quan điều tra thông báo việc khám xét cho Viện kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 192 BLTTHS 2015.

Qua kiểm sát, Kiểm sát viên tham mưu lãnh đạo quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh khám xét (trường hợp khám xét thông thường). Nếu phát hiện vi phạm thì Kiểm sát viên tổng hợp, phân loại vi phạm, rồi tùy tính chất, mức độ vi phạm mà tham mưu lãnh đạo Viện kiểm sát biện pháp xử lý. Những vi phạm nghiêm trọng như vi phạm về thẩm quyền ra lệnh hoặc việc khám xét không có căn cứ… thì Kiểm sát tham mưu lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu thay đổi hoặc hủy bỏ lệnh. Nếu chỉ là các vi phạm về hình thức, thời hạn gửi lệnh, thông báo thì Kiểm sát viên có thể tham mưu lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị.

Nghiên cứu hồ sơ để xác định các vấn đề có liên quan đến đối tượng khám xét (phạm vi, cấu trúc, các hướng ra vào, hệ thống bảo vệ), phạm vi các tài liệu, chứng cứ, đồ vật cần tìm kiếm khi khám xét, tìm hiểu đặc điểm nhân thân của các đối tượng liên quan đến việc khám xét để nhận định thủ đoạn, nơi có thể cất giấu tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án và có phương án bảo đảm an toàn cuộc khám xét.

Kiểm sát viên cũng cần chủ động trao đổi với Điều tra viên về thời gian, trình tự và cách thức tiến hành khám xét, những người tiến hành và tham gia việc khám xét, phương án bảo vệ, các phương tiện cần sử dụng khi khám xét. Một vấn quan trọng nữa là cần quan tâm đến việc dự kiến một cách hết sức kỹ lưỡng và tính toán phương án thật cụ thể để xử lý các tình huống khó khăn, bất ngờ có thể xảy ra khi tiến hành khám xét, như các đối tượng chống đối lực lượng khám xét, nơi khám xét có lắp đặt hệ thống bảo vệ, đối tượng tiêu hủy tài liệu, chứng cứ hoặc bỏ trốn, để việc khám xét được nhanh chóng, an toàn, đạt hiệu quả.

Hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát thi hành lệnh khám xét

- Khám xét người:

Nếu khám người, Kiểm sát viên kiểm sát việc giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị khám xét, cũng như giải quyết các đề nghị của họ. Chỉ bắt đầu khám xét sau khi yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án nhưng họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật.

Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và phải có người khác cùng giới chứng kiến. Kiểm sát viên lưu ý kiểm sát việc Điều tra viên mời người chứng kiến việc khám xét, bảo đảm người đó không thuộc các trường hợp không được làm người chứng kiến quy định tại khoản 2 Điều 67 BLTTHS 2015. Nếu phát hiện Điều tra viên lựa chọn người dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của mình, người thân thích của người bị buộc tội làm người chứng kiến việc khám xét, thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên kịp thời thay đổi nhằm đảm bảo tính khách quan của việc khám xét.

leftcenterrightdel
 Khám xét nơi làm việc của bị can. Ảnh Cương Chính

Khi có căn cứ khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Cơ quan điều tra tiến hành khám xét đối với người đó mà không cần phải có lệnh theo quy định tại khoản 3 Điều 194 BLTTHS 2015.

Kiểm sát viên cũng cần trao đổi, đề nghị Điều tra viên khám xét cụ thể, tỉ mỉ, nhất là những chỗ kín đáo trên thân thể, quần áo, đồ vật mang theo của người bị khám xét và các khu vực xung quanh nơi khám người (vì có thể người bị khám xét ném đồ vật, vứt tài liệu ra các khu vực đó).

- Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm:

Trường hợp khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, Kiểm sát viên chọn vị trí thuận lợi để có thể quan sát tổng thể về nơi khám xét, xem xét, đánh giá phạm vi khám xét, các vị trí có khả năng cất giấu chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, trao đổi với Điều tra viên về phạm vi, chiến thuật khám xét phù hợp với từng đối tượng, điều kiện (con người, phương tiện, thiết bị) và hoàn cảnh nơi khám xét, như khám xét lần lượt từng khu vực, khám xét đồng thời nhiều khu vực, khám xét cá nhân hoặc theo nhóm, phân công nhiệm vụ cụ thể của những người tham gia, công tác bảo vệ cuộc khám xét.

Khi việc khám xét bắt đầu, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ từng hoạt động khám xét, từ tìm kiếm, ghi nhận, thu giữ, niêm phong, bảo quản chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án của những người tiến hành khám xét; chủ động yêu cầu khám xét tại những nơi, vị trí, khu vực nghi ngờ đối tượng cất giấu đồ vật, tài liệu, bảo đảm không bỏ sót bất kỳ khu vực, vị trí nào trong phạm vi khám xét; cũng lưu ý không để xảy ra việc khám xét một cách tràn lan, ra ngoài phạm vi được khám xét, dẫn đến xâm phạm chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm của người khác.

Yêu cầu tất cả những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang khám xét; không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi việc khám xét kết thúc. Việc lựa chọn người chứng kiến phải đủ về số lượng và không thuộc các trường hợp không được làm người chứng kiến quy định tại khoản 2 Điều 67 BLTTHS 2015.

Nếu phát hiện những người tiến hành khám xét chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ yêu cầu hoặc có vi phạm, Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu thực hiện, bổ sung, khắc phục. Các yêu cầu của Kiểm sát viên phải cụ thể, khả thi. Người tiến hành khám xét nếu không tiếp thu, thực hiện, thì Kiểm sát viên phải yêu cầu ghi rõ vào biên bản khám xét, rồi báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát xem xét, xử lý.

Cùng Điều tra viên và những người tiến hành khám xét phân tích, đánh giá kết quả của việc khám xét, xem xét khả năng khám xét lại khi việc khám xét chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu hoặc có tình tiết mới phát sinh. 

Kiểm sát việc lập biên bản khám xét, bảo đảm theo mẫu quy định, phản ánh đúng thực tế, diễn biến cuộc khám xét và đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 178, 133 BLTTHS 2015.

Sau khi kết thúc trực tiếp kiểm sát việc khám xét, Kiểm sát viên nghiên cứu lại biên bản và quá trình kiểm sát việc khám xét, sau đó báo cáo bằng văn bản đến lãnh đạo Viện kiểm sát về các hoạt động mà Kiểm sát viên đã tiến hành, các tình huống xảy ra trong quá trình khám xét, kết quả việc khám xét. Nếu xét thấy việc khám xét có vi phạm, các yêu cầu đề ra không được Điều tra viên thực hiện, thì tùy tính chất, mức độ, Kiểm sát viên đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát ra văn bản kiến nghị hoặc trao đổi với Cơ quan điều tra để khắc phục, sửa chữa.

Nguyễn Cao Cường