Trong giai đoạn hiện nay, dữ liệu điện tử đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, xuất hiện đa dạng trong các loại tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm liên quan đến sở hữu. Việc Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chính thức ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ tại điểm c khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay, góp phần đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả.

Qua hơn 5 năm áp dụng trên thực tiễn nhận thấy, hiện tại, BLTTHS năm 2015 chủ yếu tập trung vào việc quy định chung về khái niệm, cách thu thức thu thập, xử lý chứng cứ là dữ liệu điện tử nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuyển hóa chứng cứ từ nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.

leftcenterrightdel
Một phiên tòa hình sự được VKSND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. 

Để dữ liệu điện tử có thể được sử dụng làm chứng cứ, có giá trị chứng minh trong các vụ án hình sự, không những phải tuân thủ đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ quy định tại Điều 86 BLTTHS nói chung mà còn cần có những điều kiện riêng đối với dạng chứng cứ mang tính chất đặc thù này. Do vậy, trong phạm vi bài viết tác giả tập trung đề cập cơ sở pháp lý về việc chuyển hóa dữ liệu điện tử thành chứng cứ chứng minh trong các vụ án hình sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất giải pháp.

Theo Điều 99 BLTTHS: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Theo đó, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Để dữ liệu điện tử có giá trị là chứng cứ thì không chỉ có đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ như: tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp mà còn phải căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ, truyền gửi, cách thức duy trì tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử. Việc phát hiện, thu thập, bảo quản dữ liệu điện tử xét đến cùng là nhằm mục đích để dữ liệu điện tử thành chứng cứ, có giá trị chứng minh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Việc chuyển hóa dữ liệu điện tử thành chứng cứ chứng minh là hết sức cần thiết, tuy nhiên, hiện nay BLTTHS chưa quy định, hướng dẫn về cách thức chuyển hóa mà chỉ nêu cách thức chuyển hóa trong trường hợp phục hồi, tìm kiếm, giám định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 107 BLTTHS: “Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được”.

Theo đó, có thể hiểu phương pháp chuyển hóa dữ liệu điện tử thu được dưới những dạng sau: Chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng đọc được: Đối với các dạng dữ liệu điện tử được thu thập dưới dạng file ghi âm được lưu trên các thiết bị như điện thoại, máy tính, USB…. Sau khi thu thập được thì cần thiết phải lập biên bản làm việc với các đối tượng liên quan để chuyển hóa dưới dạng văn bản về nội dung, thông tin thu thập được để lưu trong hồ sơ vụ án.

Chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng nhìn được: Đối với dạng dữ liệu điện tử được thu thập dưới dạng video hoặc tài liệu chứng cứ thu thập từ nguồn điện tử như hình ảnh camera, mạng máy tính, mạng viễn thông thì thao tác in dữ liệu điện tử ra giấy, cụ thể như: in ảnh, ghi video clip vào đĩa; in đoạn hội thoại, in các thao tác trong quá trình truy cập, khởi tạo dữ liệu điện tử….để cho đối tượng liên quan, người làm chứng, người bị tố giác, bị can thực hiện việc nhận dạng, ký vào tất cả bản in trên giấy, ảnh, đĩa CD ghi dữ liệu điện tử xác nhận về nội dung, hình thức và nguồn gốc đối với bản ảnh liên quan đến hành vi, vật chứng có lập biên bản lưu hồ sơ vụ việc.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, khi xét thấy cần thiết, Cơ quan điều tra phối hợp với Viện kiểm sát cùng ghi âm, ghi hình có thể hiện bằng bản ảnh để cho đối tượng liên quan thao tác lại hành vi phạm tội, đặc biệt liên quan đến tội phạm sử dụng mạng, công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội.  Quá trình chuyển hóa cần tuân thủ nghiêm túc thủ tục đóng, mở niêm phong, bảo quản như vật chứng thông thường. Khi xét thấy cần thiết, có thể mời chuyên gia, cán bộ công nghệ thông tin, người chứng kiến cùng tham gia việc đóng mở, thao tác thực hiện.

Chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng nghe được: Thực tế cho thấy, dữ liệu điện tử không phải lúc nào cũng thể hiện dưới dạng âm thanh và chữ viết mà còn thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ số … do vậy, việc chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng nghe được là cần thiết để sao lưu, ghi nhận lưu vào hồ sơ.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa được số hóa hồ sơ vụ án, các tài liệu, chứng cứ được trình chiếu công khai tại phiên tòa. 

Qua nghiên cứu những quy định mới của BLTTHS về dữ liệu điện tử và quá trình thực tiễn áp dụng, nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong việc chuyển hóa dữ liệu điện tử, đồng thời đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, quy định liên quan đến việc giữ, bảo quản, chuyển hóa dữ liệu điện tử còn chưa được thống nhất, thiếu những quy định hướng cụ thể về các quy trình cần thiết xử lý chứng cứ điện tử, thu giữ, bảo quản, phục hồi, chuyển hóa dữ liệu điện tử nhằm đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ điện tử.

Cụ thể: Tại Điều 107 BLTTHS quy định việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử với mục đích là chuyển hóa được dữ liệu điện tử thành chứng cứ chứng minh sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được;  tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn quy trình, cách thức chuyển hóa dữ liệu điện tử sang dạng đọc, nghe, nhìn được cụ thể như thế nào; trong khi dữ liệu điện tử là dạng chứng cứ đặc biết dễ bị tác động, thay đổi, bị xóa, việc thu thập chứng cứ điện tử trong nhiều vụ án hết sức khó khăn, việc chuyển hóa dữ liệu điện tử đang được Cơ quan CSĐT thực hiện trên tinh thần quy định chung về chứng cứ trong BLTTHS nên việc áp dụng còn thiếu thống nhất.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 99 BLTTHS, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Như vậy, dữ liệu điện tử được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Việc thu thập dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử thì có thể thông qua hoạt động thu giữ phương tiện điện tử nhưng trường hợp khi thu thập dữ liệu điện tử từ mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền…. thì cách thức thu giữ, chuyển hóa tài liệu chứng cứ như thế nào thì Luật chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tại khoản 3 Điều 99 BLTTHS quy định: “giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoắc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử, cách thức xác định được người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Như vậy, tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử là một trong những điều kiện bắt buộc của chứng cứ là dữ liệu điện tử trong khi đó, dữ liệu điện tử là một dạng chứng cứ đặc thù có thể dễ dàng bị xóa bỏ, cắt ghép… Do vậy, việc giám định đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử có tính chất quyết định tội danh, sự thật khách quan của vụ án thì khi cần thiết cần phải giám định, trong khi tại Điều 206 BLTTHS quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định thì dữ liệu điện tử không thuộc trường hợp phải bắt buộc giám định.

Do đó, Liên ngành trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức thu thập, chuyển hóa tài liệu chứng cứ là dữ liệu điện tử để đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ nói chung và chứng cứ là dữ liệu điện tử nói riêng.

Thứ hai, để dữ liệu điện tử có thể được sử dụng làm chứng cứ của vụ án, quá trình thu thập, bảo quản, sử dụng phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, do đó khi tiến hành thu thập dữ liệu điện tử, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nắm chắc các quy định về thu thập, bảo quản, chuyển hóa dữ liệu điện tử; đồng thời phải có trình độ công nghệ thông tin, trong khi đó, lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn chưa kịp thời đáp ứng kỹ năng thu giữ, bảo quản, chuyển hóa chứng cứ điện tử. Vì vậy, cần tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn đối với cán bộ để kịp thời đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Nguyễn Thị Tuyết