Đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về ma túy, theo VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp cần tuân thủ thực hiện đúng quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 của liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Cần chú ý chấp hành nghiêm túc về thủ tục tiếp nhận, vào sổ thụ lý; phân công lãnh đạo phụ trách và Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ; xây dựng và quản lý hồ sơ; chấp hành chế độ trực nghiệp vụ, việc tiếp công dân và bố trí đặt hòm thư tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.

Xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với CQĐT, các cơ quan hữu quan cùng cấp để nắm chắc và đầy đủ nguồn tin về tội phạm ma túy; chú ý theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên môi trường không gian mạng. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo ban đầu theo đúng quy định về chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên, Điều tra viên lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Viện kiểm sát các cấp phải đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền phải được thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn; việc gia hạn thời hạn giải quyết hoặc tạm đình chỉ giải quyết phải đúng quy định. Chú ý các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết phải lập kế hoạch xác minh chi tiết cụ thể.

Bên cạnh đó, Viện kiểm sát các cấp phải kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQĐT, cần chú ý đến những đặc điểm, đặc trưng của nhóm tội phạm về ma túy để làm tốt một số nội dung. Cụ thể, cần tuân thủ về trình tự, thủ tục luật định khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, lập biên bản tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh của CQĐT. Đảm bảo tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ được sử dụng để chứng minh tội phạm. Những gì có thật nhưng không được thu thập hợp pháp thì không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Trong các vụ án ma túy, việc giám định là bắt buộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm túc Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc trưng cầu giám định, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của các ngành tố tụng.

Nếu kết luận giám định chưa rõ hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác hoặc việc giám định vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu cơ quan giám định giải thích hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, không được tự ý luận giải, cắt xén, lựa những ý theo chủ quan của mình để làm căn cứ giải quyết vụ án. Nếu tài liệu, chứng cứ làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can còn chưa đủ tính thuyết phục cần yêu cầu CQĐT cho Kiểm sát viên tiếp cận thêm các tài liệu đã thu thập trong hoạt động trinh sát để bổ trợ khi quyết định phê chuẩn.

Trong trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia lấy lời khai để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, phục vụ việc đánh giá các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, nếu điều kiện cho phép thì sớm cho luật sư, người bào chữa tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung bị can; đồng thời thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Điều này nhằm phòng ngừa việc bị can phản cung sau khi có thời gian trấn tĩnh lại, nhận thức được mức án nghiêm khắc sẽ phải đối mặt, bị tác động của các đồng phạm, nhất là được các bị can cùng buồng giam xúi giục, tác động hướng dẫn cách khai báo có lợi, sẽ phản cung và tìm mọi thủ đoạn để đối phó với cơ quan pháp luật.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng phải chú ý về thẩm quyền điều tra. Cụ thể, nếu thấy vụ án đang điều tra không thuộc thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, thì phải yêu cầu CQĐT cùng cấp làm các thủ tục chuyển vụ án đến đúng CQĐT có thẩm quyền điều tra; nếu Viện kiểm sát đã yêu cầu mà CQĐT không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

P.V