Bộ luật dân sự năm 2015 mới có hiệu lực thi hành nhưng chưa đáp ứng để giải quyết được những tranh chấp phát sinh trong thực tế đời sống xã hội, nên có vụ án sau khi Tòa án giải quyết vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau, gây dư luận không đồng thuận.

Nội dung vụ án:

Anh Trần Văn Hoàng và chị Phạm Thị Dung (đã đổi tên) là cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau nhiều lần đến Bệnh viện khám chữa bệnh thì Bệnh viện P. có chức năng giám định đã kết luận: “Anh Hoàng tinh trùng tốt. Chị Dung không có khả năng sinh con”. Sau khi có kết luận của Bệnh viện P, hai vợ chồng anh Hoàng chấp nhận xin con nuôi là cháu Trần Thị Khanh.

Chung cảnh ngộ hiếm muộn như vợ chồng anh Hoàng – chị Dung, anh Nguyễn Văn Long và chị Lê Thị Biên (đã đổi tên) cũng là cặp vợ chồng hiếm muộn đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện P. Kết quả xét nghiệm Bệnh viện P. đã kết luận: “Nguyên nhân hiếm muộn là  do anh Long không có tinh trùng. Chị Biên khả năng sinh con tốt”.

leftcenterrightdel
 Cả hai người đàn ông đều nhận mình là bố đứa trẻ! Ảnh minh họa.

Nhiều lần vào viện gặp nhau nên anh Hoàng và anh Long làm quen và trở nên thân thiết với nhau. Sau khi nghe tin vợ chồng anh Hoàng và chị Dung chấp nhận nuôi con nuôi nên anh Long đến gặp anh Hoàng xin anh Hoàng hiến cặp tinh hoàn cho anh.

Vì anh Hoàng xác định vợ chồng anh chung thủy với nhau nuôi cháu Khanh nên anh Hoàng đồng  ý hiến cho anh Nguyễn Văn Long một tinh hoàn bên trái. Anh Hoàng và anh Long thỏa thuận: Anh Hoàng hiến tạng vì nhân đạo nhưng chi phí lấy tạng và ghép tạng là do anh Long chịu.

Sau khi ghép tinh hoàn của anh Hoàng được 2 năm thì vợ chồng anh Long và chị Biên sinh được 1 cháu trai tên Nguyễn Văn Trung. Sau khi cháu Trung được 1 tuổi thì anh Trần Văn Hoàng làm đơn gửi đến Tòa án huyện V, tỉnh M yêu cầu Tòa án giải quyết xác định cháu Trung là con của anh (Hoàng – PV).

Kết quả hòa giải không thành, bởi vì tại phiên hòa giải anh Long xác định cháu Trung là con chung của anh và chị Biên, còn anh Hoàng thì xác định cháu Trung là con của anh và chị Dung, vì anh Hoàng cho rằng: “Tinh hoàn sinh ra tinh trùng nhưng tinh hoàn là của anh hiến cho anh Long, nên tuy cháu Trung sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa anh Long và chị Biên còn tồn tại nhưng Trung không phải là con của anh Long mà là con của tôi”. Do đó, anh Hoàng yêu cầu Tòa án xác định Trung là con của anh.

Kết quả xét xử Tòa án bác yêu cầu của anh Hoàng.

Sau khi vụ án được xét xử thì có nhiều quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, anh Hoàng yêu cầu Tòa án xác định cháu Trung là con của anh là có căn cứ, nếu không có tinh hoàn của anh Hoàng thì sẽ không có cháu Trung. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn giải quyết tranh chấp loại tranh chấp này nhưng xét về mặt khoa học thì lập luận của anh Hoàng “tinh hoàn sinh ra tinh trùng” là có cơ sở khoa học nên được chấp nhận.

- Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án bác yêu cầu của anh Hoàng là có căn cứ.

- Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng chỉ quy định về hiến tạng như hiến tim, gan, mắt, thận... chứ chưa nói đến hiến tinh hoàn, nên pháp luật chưa điều chỉnh lĩnh vực hiến tinh hoàn.

Trong trường hợp này cháu Trung sinh ra từ 1 tinh hoàn của anh Long và 1 tinh hoàn của anh Hoàng. Do vậy, để giải quyết yêu cầu của anh Hoàng Tòa án cần cho giám định gel của cháu Trung để làm căn cứ xác định Trung là con của anh Hoàng hay con của anh Long.

Đây là vụ án mới phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, nên rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp để rút kinh nghiệm chung, nhằm giải quyết loại tranh chấp này được đúng đắn./.

Thanh Nghị