|
|
Kiểm sát viên kiểm sát thi hành Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng cho vay lãi nặng lên đến 30%/tháng. (Ảnh: Đại Lánh) |
Với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đã tạo ra tâm lý hoang mang trong dư luận, gây bất ổn về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển kinh tế và vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế khác. Tuy nhiên, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn còn hạn chế, thiếu sót nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý.
Để giải quyết những bất cập trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự (BLHS), Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 12 năm 2021.
1. Dấu hiệu pháp lý của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
* Khách thể của tội phạm
Đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khách thể của tội phạm này cũng chính là khách thể của các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung, tức là các quan hệ xã hội đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân, mà cụ thể là trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Đối tượng tác động của tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là số tiền mà người phạm tội cho người khác vay, dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp, trái quy định pháp luật.
* Mặt khách quan của tội phạm
Đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mặt khách quan của tội phạm thể hiện như sau:
Về hành vi khách quan. Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thể hiện ở một trong các hành vi sau:
Một là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.
Đặc trưng trong tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là mức lãi suất trong thỏa thuận dân sự. Bộ luật Hình sự xác định dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này là mức lãi suất phải cao gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2.Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Bộ luật dân sự cho phép các bên thỏa thuận lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khoản lãi suất thỏa thuận này không được vượt quá mức 20%/năm của khoản tiền vay và bị giới hạn bởi mức 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 trong trường hợp không xác định lãi hoặc xác định không rõ lãi.
Như vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu lãi suất cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm (8,34%/tháng) trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng (Nếu không thỏa mãn dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này).
Hai là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, số tiền thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó người thực hiện hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính, hoặc người này đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng và chưa được xoá án tích mà còn tiếp tục vi phạm.
* Chủ thể của tội phạm
Căn cứ vào Điều 9, Điều 12, Điều 201 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là chủ thể thường, nghĩa là chủ thể này có thể là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của BLHS là từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, căn cứ vào quy định của BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích, động cơ, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm.
Tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các hình thức lỗi như sau:
Về lỗi cố ý, Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1 Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Về lỗi vô ý, Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi đó gây ra nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó hoặc tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
2. Hướng dẫn trong Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP đã giải quyết những bất cập, vướng mắc của Bộ luật Hình sự năm 2015
Thứ nhất, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội mới ‘‘đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm’’. Căn cứ tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định phạt vi phạm như sau: “Điều 12. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự: 4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
Như vậy, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định, bổ sung xử phạt đối với hành vi cho cho vay lãi nặng không có cầm cố tài sản. Điều này đã bổ sung kịp thời những thiếu sót của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, trước đó không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản dẫn đến khó thực hiện, không thể xem xét định tội, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Thứ hai, việc vay tài sản trong thực tế có thể là vay tiền, vàng, bạc, đá quý hoặc các tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 làm căn cứ tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với tài sản là vàng, bạc, đá quý và các tài sản có giá trị khác khác dẫn đến khó khăn khi giải quyết các vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (Nghị quyết 01/2021) đã có quy định về hành vi cho vay nhưng tài sản không phải là tiền, cụ thể như sau: Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Quan điểm của tác giả cho rằng quy định này là sự tiến bộ, thể hiện được trình độ lập pháp của các nhà làm luật, không chỉ giải quyết được vướng mắc trên thực tế mà còn bảo đảm được các loại tài sản khác không phải là tiền được lưu thông trên thị trường một cách hợp pháp, việc quy đổi giá trị tài sản như vàng, bạc, đá quý bằng tiền (VNĐ) tại thời điểm người cho vay nặng lãi, xác định đúng thời điểm cho vay để quy đổi ra tiền là hợp lý bởi vì giá trị thị trường của các loại tài sản thường có sự lên xuống không đồng đều giữa các thời điểm, thậm chí trong một ngày số mua vào và số bán giá đối với giá vàng cũng đã thay đổi, tăng lên hoặc giảm đi so với giá trị mua vào hoặc bán ra. Vì vậy, Nghị quyết hướng dẫn các loại tài sản khi cho vay lãi nặng không phải là tiền đã giải quyết được những vướng mắc trước đây chưa có quy định cụ thể.
Thứ ba, cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
Theo giải thích từ ngữ trong Nghị quyết 01/2021 thì “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Hay nói cách khác khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi xuất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 mà không phải là tổng số tiền lãi thu được từ khoản cho vay.
Theo đó, Nghị quyết 01/2021 hướng dẫn xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau:
- Trường hợp cho vay nặng lãi đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự gồm tiền lãi và các khoản thu trái phép mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
- Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Cách xác định số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự nêu trên là hợp lý, bởi lẽ: Trên thực tế, khi chứng minh số tiền thu lợi bất chính để xử lý đối tượng cho vay lãi năng, các đối tượng cho vay thường dùng các thủ đoạn tinh vi để trốn tránh, lách luật như: Hợp đồng vay nợ không ghi thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay khấu trừ luôn tiền lãi và gộp cả lãi và gốc thành số tiền nợ ghi trong hợp đồng, vì vậy khó khăn trong việc xác định lãi suất vi phạm quy định và số tiền thu lợi bất chính để xử lý, hoặc bán cho vay yêu cầu người vay viết giấy vay nhận tiền với số lượng tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng, thời gian phải thanh toán tiền vay từ 30 ngày đến 40 ngày, giấy viết không ghi mức lãi suất và mức lãi suất các bên thỏa thuận bằng miệng với mức 03, 04, 05 nghìn đồng/01 triệu đồng/01 ngày, trường hợp cho vay số lượng tiền lớn thì thời gian thanh toán không nhiều ngày. Trong khi, trước đây, điều kiện để cấu thành tội phạm phải là thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng, do vậy số tiền thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, gây khó khăn trong việc xử lý hành vi phạm tội. Do đó, quy định cụ thể của Nghị quyết đã giải quyết được những vấn đề trước đây pháp luật còn chưa quy định rõ ràng, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc áp dụng cách tính số tiền thu lợi bất chính.