leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên nêu quan điểm tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát các vụ án hành chính, thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cao. 

Theo đó, VKSND hai cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai thi hành tốt các văn bản, quy định pháp luật, nhất là những nội dung liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của VKSND tối cao về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động... 

Qua đó, giúp cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhạy bén nhận diện các dạng vi phạm. Bên cạnh đó, kịp thời thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị để công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

VKSND hai cấp cũng tạo điều kiện cho tất cả các cán bộ, Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hướng dẫn trong công tác kiểm sát giải quyết án hành chính do VKSND tối cao tổ chức, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp trên đối với những bản án, quyết định của Tòa án bị tuyên hủy, sửa để nâng cao kỹ năng nhận diện vi phạm, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát. 

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động, thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong việc áp dụng pháp luật đúng quy định, quy chế nghiệp vụ của Ngành. Chủ động trong công tác kiểm tra, nhằm phát hiện những thiếu sót, tồn tại của cán bộ, Kiểm sát viên, trên cơ sở đó để có định hướng, biện pháp khắc phục. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Lãnh đạo Viện trong công tác kháng nghị phúc thẩm, trực tiếp nghe báo cáo, duyệt nội dung và quyết định việc kháng nghị; Kiên quyết khắc phục tâm lý nể nang, ngại va chạm dẫn đến không kháng nghị.

Ngoài ra, VKSND hai cấp tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp có liên quan trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính; công tác thi hành án hành chính... để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành. 

Chuyển biến vượt bậc

Theo đó, trong thời gian từ ngày 1/12/2020 đến ngày 20/10/2021, VKSND hai cấp đã ban hành 18 yêu cầu. Trong đó, 17 yêu cầu đối với Tòa án, 1 yêu cầu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; cũng trong thời gian này, ban hành 4 kiến nghị, tăng 100% so với năm 2020 (trong đó, 2 kiến nghị đối với Tòa án và 2 kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức).

Bên cạnh đó, VKSND hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 11 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với 11 vụ án của Tòa án có vi phạm pháp luật. Trong đó, VKSND tỉnh Đắk Lắk kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với 10 vụ án hành chính sơ thẩm và cấp huyện kháng nghị đối với 1 vụ án lao động sơ thẩm của Tòa án cùng cấp do có vi phạm pháp luật theo hướng sửa bản án sơ thẩm. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp triển khai công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính. 

Phát huy những kết quả nói trên, trong 6 tháng đầu năm 2022, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã kháng nghị 7 vụ án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk do có vi phạm pháp luật về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án theo hướng hủy án, sửa án sơ thẩm. Đến nay, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử 2/7 vụ án có kháng nghị của Viện kiểm sát, kết quả cả 2 kháng nghị này đều được VKSND cấp cao tại Đà Nẵng bảo vệ. So với 6 tháng đầu năm 2021, số kháng nghị ngang cấp tăng 5 lần, tỷ lệ kháng nghị tăng 200%.
Mặt khác, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã  ban hành 2 báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với 1 bản án kinh doanh thương mại và 1 bản án lao động phúc thẩm của TAND tỉnh theo hướng hủy án phúc thẩm. Đồng thời, ban hành 2 kiến nghị đến Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột khắc phục vi phạm khi tham gia tố tụng trong vụ án hành chính và 1 kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật...

Đáng nói, Kiểm sát viên đã nhận thức được đầy đủ vai trò, vị trí của Viện kiểm sát cũng như Kiểm sát viên trong kiểm sát giải quyết vụ án hành chính. Kiểm sát viên đã chú trọng đến công tác kiểm sát ngay từ khi Tòa án thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện đến bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Qua công tác kiểm sát đã ban hành được nhiều kiến nghị, kháng nghị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Qua đó, cũng nâng cao được vị thế, vai trò của ngành Kiểm sát trong quá trình cải cách tư pháp.

Nhiều bài học quý báu

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Bắc - Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác cho biết, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu thấy trong hồ sơ vụ án còn thiếu các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án, mà các tài liệu, chứng cứ này phải thật sự cần thiết, là yếu tố quan trọng để xác định đúng sai, bảo đảm chính xác và khách quan trong việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên phải chủ động ban hành yêu cầu Tòa án thu thập hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ; Yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ phải có đầy đủ nội dung, phân tích và nêu rõ lý do tại sao phải tiến hành thu thập những tài liệu, chứng cứ đó.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Bắc, khi quan điểm của Viện kiểm sát không được HĐXX chấp nhận, Kiểm sát viên phải chủ động xin ý kiến của Lãnh đạo Viện xây dựng dự thảo kháng nghị, không đợi đến lúc nhận được bản án của Tòa án mới xây dựng kháng nghị… Bởi Luật tố tụng Hành chính quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát là 15 ngày nên dễ xảy ra trường hợp kháng nghị quá hạn hoặc không đủ thời gian nghiên cứu dẫn đến việc kháng nghị không có chất lượng.

Đối với những vụ án trái quan điểm với Viện kiểm sát, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo Lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết (kháng nghị hay không kháng nghị). Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành bản án và gửi cho Viện kiểm sát đúng thời hạn quy định để không ảnh hưởng đến thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát.

Mặt khác, kháng nghị của Viện kiểm sát phải có đầy đủ căn cứ, lập luận sắc bén, trích dẫn điều luật và nêu rõ kháng nghị đối với nội dung nào của bản án hay kháng nghị toàn bộ bản án để Viện kiểm sát cấp trên thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và bảo vệ được kháng nghị.

Hơn thế nữa, mỗi Kiểm sát viên khi được Lãnh đạo Viện phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, phát hiện tổng hợp vi phạm để tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị. Đồng thời, kiểm sát chặt chẽ các quyết định, bản án của Tòa án đã đúng mẫu, hình thức, nội dung theo quy định của pháp luật hay chưa. Nếu phát hiện vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà ban hành kiến nghị hay tổng hợp các vi phạm để ban hành kiến nghị.

Nguyễn Chính