Lĩnh vực công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND
Về vị trí của công tác, dự thảo Quy chế nêu rõ: Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND là một lĩnh vực công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, nhằm bảo đảm cho việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.
Đối tượng của công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành, người tham gia thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.
Về phạm vi, công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đến khi có quyết định giải quyết việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
Cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát
Theo dự thảo Quy chế, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Kiểm sát việc thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ; kiểm sát việc hoãn phiên họp; kiểm sát việc mở phiên họp; nghiên cứu hồ sơ vụ việc; báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc và dự thảo văn bản phát biểu ý kiến tham gia phiên họp.
|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. (Ảnh: VKS Chi Lăng). |
Tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định giải quyết của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp của Thẩm phán, Thư ký phiên họp, cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị đề nghị, người khiếu nại, cơ quan đề nghị kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên họp.
Kiểm sát việc tạm đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc thụ lý đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh 09; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp phân công, thay đổi Kiểm sát viên
Liên quan đến việc phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên họp, dự thảo Quy chế quy định: Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia các phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 17 và khoản 4 Điều 33 Pháp lệnh 09.
Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên họp thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký Quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Phó Viện trưởng ký quyết định phân công phải ghi rõ là “ký thay Viện trưởng”.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng, Kiểm sát viên không thể tham gia phiên họp thì báo cáo Viện trưởng thay đổi Kiểm sát viên nếu có Kiểm sát viên dự khuyết. Trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết thì thông báo cho Tòa án để hoãn phiên họp theo quy định tại khoản 1 Điều 19 và khoản 4 Điều 33 Pháp lệnh 09.
Quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên họp tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được gửi cho Tòa án cùng cấp ngay sau khi ban hành.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, nếu phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Điều 4 Pháp lệnh 09. Việc kiến nghị có thể đối với từng vi phạm cụ thể hoặc tập hợp nhiều vi phạm nhưng phải kịp thời.
Viện kiểm sát đã kiến nghị phải theo dõi việc trả lời kiến nghị. Trường hợp cơ quan, tổ chức bị kiến nghị không trả lời kiến nghị thì Viện kiểm sát báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để xem xét, chỉ đạo việc kiến nghị.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy chế còn quy định về kiểm sát việc thụ lý hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; việc lập hồ sơ kiểm sát; kiểm sát việc yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ; kiểm sát việc mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, dự thảo đề cương hỏi và văn bản phát biểu ý kiến tham gia phiên họp; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp; phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp; kiểm sát quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; quan hệ công tác, chế độ hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chế độ thông tin, báo cáo; chế độ kiểm tra; chế độ thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc…
Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 37 điều. Liên quan đến việc xử lý việc khiếu nại, tố cáo, dự thảo Quy chế nêu rõ: Trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà nhận được khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì đơn vị tiếp nhận chuyển khiếu nại, tố cáo cho đơn vị có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. |