leftcenterrightdel
Trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên phải được lấy ý kiến (Điều 60 Luật Trẻ em năm 2016). Ảnh minh họa.                                    

4 năm sau, tức giữa năm 2019, ông T. lúc này đã 60 tuổi gửi đơn ra TAND quận 4, TP HCM để yêu cầu được thay đổi quyền nuôi hai con.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 7 vừa qua, ông T. đưa ra lý do là bà H. gây khó dễ khi ông đến thăm con, ngoài ra, bà H. cũng đã có một con chung với người đàn ông khác nên ông T. cho rằng bà không thể chăm sóc ba con cùng lúc được tốt nhất…

Ông T. cho biết mình đang ở Hà Nội nhưng ông có cả nhà ở Hà Nội và TP HCM. Nếu được quyền nuôi hai con, ông sẽ chuyển hai con ra Hà Nội hoặc ông sẽ chuyển vào TP HCM sinh sống để nuôi dạy hai con.

Ngược lại, bà H. không đồng ý giao con cho ông T. vì theo bà, hai con đều là con gái, đang ở tuổi dậy thì và đều đang học ở TP HCM ổn định đã 8 năm nay. Bà là mẹ đơn thân nuôi ba đứa con, không sống chung với người đàn ông nào khác. Bà H. cũng cho biết mình có 2 nhà ở TP HCM, cuộc sống ổn định và có điều kiện kinh tế để chăm lo cho các con tốt.

Trước đó, tại các buổi hòa giải tại Tòa, hai cháu L. và A. đều thể hiện nguyện vọng là tiếp tục được chung sống với mẹ. Hai cháu đều cho biết đang cảm thấy ổn định chỗ ở và học tập tại nhà mẹ và trường cũ nên muốn ở với mẹ tại TP HCM.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đại diện VKSND quận 4 cho rằng hai cháu ở với bà H. từ năm 2012 đến nay được chăm sóc tốt về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, bản thân các cháu cũng mong muốn được ở với mẹ. Ông T. không chứng minh được việc bà H. không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục, cản trở ông thăm con. Để tránh xáo trộn cuộc sống của hai chị em gái nếu phải xa nhau nên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX bác đơn yêu cầu của ông T.

Tuy nhiên, HĐXX TAND quận 4 nhận định, việc bà H. là mẹ đơn thân của ba đứa con sẽ vất vả và không bảo đảm được việc chăm sóc tốt nhất cho các con. Còn ông T. hiện sống một mình, ông năm nay đã 60 tuổi nên nhu cầu về tình cảm cha con là có thật. Ngoài ra, việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con lúc nhỏ, còn con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp của dân tộc được quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Từ những lập luận trên, HĐXX đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, giao cháu A. cho ông T. nuôi dưỡng, còn bà H. tiếp tục nuôi cháu L.

Sau khi HĐXX tuyên án, Viện trưởng VKSND quận 4 đã có kháng nghị phúc thẩm, cho rằng Tòa án tuyên như trên là chưa phù hợp với quy định tại Điều 60 Luật Trẻ em. Cụ thể, điều luật này quy định nếu trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa phải lấy ý kiến của trẻ; trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau.

Trong vụ án này, hai bé gái con chung của ông T. và bà H. đang còn ở độ tuổi là trẻ em (dưới 16 tuổi), nên theo Điều 37 Luật Trẻ em, bổn phận của các cháu là học tập, phụ giúp cha mẹ những công việc phù hợp với độ tuổi chứ không phải chỉ áp dụng khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình như HĐXX sơ thẩm đã nhận định. 

Từ đó, VKSND quận 4 đề nghị TAND TP HCM xét xử phúc thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T.

Được biết, hiện phía bị đơn là bà H. cũng đã kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do ông T. không có bằng chứng nào chứng minh bà không đủ điều kiện chăm con và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo, cho bà trọn quyền nuôi dưỡng hai con.

Thu Trần