5,7 tỉ hay 66,6 tỉ đồng tiền thuế?
Theo hồ sơ vụ án, ông Lê Khắc Tuấn và vợ là bà Phan Quỳnh Như cải tạo nâng tầng căn nhà ở thành văn phòng làm việc (tại địa chỉ số 13-13bis đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP HCM). Trong khi công trình chưa hoàn công, ngày 19/12/2003, vợ chồng ông Tuấn, bà Như lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên cho Công ty TNHH kinh doanh nhà Phú Tường (Công ty Phú Tường).
Ngày 18/6/2004, Công ty Phú Tường lập hợp đồng chuyển nhượng lại căn nhà trên cho bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc với giá 4.000 lượng vàng SJC. Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng này không đủ điều kiện để công chứng vì chưa có thủ tục hoàn công do việc thi công nâng tầng căn nhà sai so với giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng cấp cho vợ chồng ông Tuấn, bà Như vào năm 2003.
Sau đó, Công ty Phú Tường làm thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ-QSHN) đối với căn nhà, mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh và công trình xây dựng là nhà văn phòng. Công ty Phú Tường lập lại hợp đồng chuyển nhượng căn nhà cho bà Ngọc với giá 22 tỉ đồng. Bà Ngọc lập hợp đồng chuyển nhượng lại căn nhà cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá 289 tỉ đồng.
|
|
TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại. |
Khi kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) đối với việc chuyển nhượng căn nhà tại Chi cục Thuế quận 3, bà Ngọc có nộp “Tờ cam kết” về việc sở hữu căn nhà ở duy nhất là căn nhà đã chuyển nhượng nêu trên để được miễn TTNCN. Tuy nhiên, Chi cục Thuế quận 3 cho rằng bà Ngọc không thuộc trường hợp được miễn thuế nên ra thông báo, yêu cầu bà Ngọc nộp số tiền thuế là hơn 5,7 tỉ đồng theo mức tính thuế suất là 2% trên giá trị chuyển nhượng. Bà Ngọc không đồng ý việc tính thuế này nhưng vẫn chấp hành nộp đủ thuế và có đơn khiếu nại.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm toán Nhà nước khu vực IV xác định trường hợp của bà Ngọc phải nộp TTNCN là hơn 66,6 tỉ đồng theo mức tính thuế suất là 25% trên giá trị chênh lệch giữa giá bán với giá vốn, khấu trừ số thuế hơn 5,7 tỉ đồng đã nộp, số tiền thuế phải truy thu là hơn 60 tỉ đồng.
Không đồng ý với việc tính TTNCN mới của Chi cục Thuế quận 3, bà Ngọc khởi kiện ra Tòa án.
Toà 2 cấp sai sót, Viện kiểm sát “tuýt còi”
Xét xử sơ thẩm, TAND quận 3 đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc. Hủy thông báo (lần 2) nộp TTNCN của Chi cục Thuế quận 3 về việc buộc bà Ngọc nộp bổ sung thuế thu nhập cá nhân số tiền hơn 60 tỉ đồng.
Bà Ngọc và Chi cục Thuế quận 3 cùng kháng cáo. Xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà Ngọc; Không chấp nhận kháng cáo của Chi cục Thuế quận 3; Sửa một phần quyết định của bản án sơ thẩm: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc.
Sau đó, VKSND cấp cao tại TP HCM (Viện cấp cao 3) ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 6/3/2018, HĐXX giám đốc thẩm TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại theo quy định pháp luật.
Theo Viện cấp cao 3, để giải quyết vụ án, phải xác định 2 vấn đề cơ bản đó là: Việc chuyển nhượng nhà, đất tại địa chỉ số 13-13bis đường Kỳ Đồng có phải chịu TTNCN hay không? Nếu có thì phải chịu mức thuế suất bao nhiêu?. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 14 Luật TTNCN năm 2007, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất của cá nhân được miễn TTNCN, còn thu nhập từ chuyển nhượng nhà văn phòng, quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh thì phải chịu TTNCN.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ vấn đề này, là có thiếu sót trong việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. Mặt khác, GCNQSDĐ-QSHN của bà Ngọc là do UBND quận 3 cấp, để làm rõ căn cứ pháp lý của việc điều chỉnh nội dung thông tin trên GCNQSDĐ-QSHN, cần thiết phải đưa UBND quận 3 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện việc này là bỏ sót người tham gia tố tụng.
Cũng theo Viện cấp cao 3, bản án phúc thẩm cho rằng khi bà Ngọc chuyển nhượng nhà thì thực hiện nghĩa vụ tài chính theo nguồn gốc ban đầu là nhà ở, đất ở chứ không phải theo hiện trạng. Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm là thiếu căn cứ, bởi lẽ, công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM không phải là văn bản quy phạm pháp luật và nội dung công văn này cũng không nêu rõ được cơ sở pháp lý. Việc Tòa án cấp phúc thẩm vận dụng công văn này để giải quyết vụ án là có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ.