Ngày 10/11/2020, Bộ Công an và VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị liên ngành triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT ngày 1/6/2020 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT); trong đó, có nội dung giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc tạm dừng giải quyết và việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT.

Từ Hội nghị trên, Văn phòng Cơ quan CSĐT  (C01) - Bộ Công an và Vụ 4 - VKSND tối cao giải đáp các vướng mắc để Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

Cụ thể, một số địa phương đề nghị hướng dẫn giải quyết đối với những tố giác, tin báo về tội phạm đã tạm dừng giải quyết theo Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong CAND ban hành kèm theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an. 

Nội dung này, theo Bộ Công an - VKSND tối cao, khoản 6 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT quy định cụ thể: “Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tạm dừng giải quyết trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan có thẩm quyền điều tra, chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát rà soát, phân loại, xử lý như sau: 

a) Đối với những vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

b) Đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố". 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Hội nghị liên ngành triển khai thi hành Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT do Bộ Công an phối hợp với VKSND tối cao tổ chức vào tháng 11/2020.

Như vậy, những vụ việc đã tạm dừng giải quyết theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41, CQĐT cần chủ động trao đổi, thống nhất bằng văn bản với Viện kiểm sát. Đối với vụ việc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. 

Đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì CQĐT phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tiến hành rà soát lại căn cứ tạm dừng giải quyết và xử lý như sau: Những vụ việc có căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự, CQĐT ra Quyết định tạm đình chỉ và tiến hành quản lý, theo dõi theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT. 

Những vụ việc không có căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự, CQĐT ra Quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời hạn giải quyết được tính từ thời điểm ra Quyết định phục hồi. Việc ra Quyết định phân công mới chỉ đặt ra khi những người được phân công trước đây không thể tiếp tục giải quyết (nghỉ hưu, thay đổi vị trí công tác...).

Nhiều địa phương khác nêu vướng mắc: Thực tiễn một số tố giác, tin báo về tội phạm hết thời hạn giải quyết nhưng CQĐT không đủ căn cứ để ra Quyết định khởi tố hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cũng không có căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự như: Người tố giác không đồng ý đi giám định thương tích; người tố giác, người bị tố giác không chấp hành giấy triệu tập của CQĐT, bỏ đi khỏi địa phương... 

Các đơn vị, địa phương cũng đề nghị hướng dẫn việc áp dụng căn cứ pháp luật trong Quyết định tạm đình chỉ đối với các tố giác, tin báo về tội phạm tạm đình chỉ việc giải quyết theo Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng CAND (trường hợp hết thời hạn giải quyết mà chưa đủ căn cứ để ra một trong ba quyết định khởi tố, không khởi tố hoặc tạm đình chỉ). Một số trường hợp Viện kiểm sát không đồng ý với quan điểm của CQĐT do đây là Thông tư của Bộ Công an, không phải Thông tư liên tịch của liên ngành.

Đối với nội dung trên, Bộ Công an - VKSND tối cao cho biết, trường hợp người bị tố giác không ở nơi cư trú, không biết họ ở đâu thì cần có văn bản thông báo truy tìm để phát hiện và triệu tập, lấy lời khai làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung tố giác. Điều tra viên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật; áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải Người làm chứng, Người bị hại, Người bị tố giác theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự; tinh thần chung là phải quyết liệt trong giải quyết vụ việc. 

Điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng CAND quy định: Trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, mà cũng không có những căn cứ để tạm đình chỉ việc giải quyết thì báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp để đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng CQĐT có văn bản trao đổi với VKSND cùng cấp để thống nhất quan điểm giải quyết. 

Về nguyên tắc, trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, trong thực tiễn một số trường hợp nhạy cảm về chính trị, xã hội, nếu ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự ngay sẽ có phản ứng trong dư luận. Trong trường hợp này, liên ngành tố tụng cùng cấp thụ lý giải quyết vụ việc cần họp bàn thống nhất hướng xử lý, nhưng vẫn phải đảm bảo việc tạm đình chỉ phải có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. 

P.V