Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất”. Tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện VKSND tỉnh Phú Yên tham gia phiên tòa, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm đúng quy định của pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, VKSND tỉnh Phú Yên cũng ra thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án này.
|
|
VKSND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác kiểm sát tháng 6/2021. Ảnh: N.H |
Nội dung vụ án cho biết: Theo đơn khởi kiện và tài liệu có tại hồ sơ, nguyên đơn là vợ chồng ông Ngô Văn Long, bà Nguyễn Thị Lệ thống nhất trình bày diện tích đất đang tranh chấp giữa vợ chồng ông và bị đơn là vợ chồng ông Ngô Văn Tâm (em ruột ông Long) là do vợ chồng ông khai hoang vào năm 1985. Do trồng sắn mì không hiệu quả, năm 1990 vợ chồng ông cho bà Trần Thị Hạnh canh tác một phần diện tích và chia lợi nhuận khi thu hoạch.
Đến năm 2001, bà Hạnh trả lại đất thì cha ông Long là ông Ngô Tăng xin trồng sắn mì. Năm 2012, ông Tâm xin làm nhà tạm trên đất để chăn nuôi heo, gà và trồng ngô, sắn mì. Vì tình cảm gia đình nên vợ chồng ông đồng ý cho vợ chồng ông Tâm một phần đất để sử dụng tạm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, vợ chồng ông Tâm có ý định chiếm luôn diện tích đất của vợ chồng ông. Do đó, vợ chồng ông Long khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Tâm trả lại diện tích đất đã chiếm giữ nêu trên. Vợ chồng ông Long đồng ý tặng cho vợ chồng ông Tâm phần diện tích đất khoảng 550m2 mà ông Tâm đã xây dựng nhà cấp 4 và trồng cây trên đất...
Bị đơn là vợ chồng ông Tâm có đơn phản tố, cho rằng đất đang tranh chấp có nguồn gốc của vợ chồng ông Ngô Tăng, Huỳnh Thị Liễu (là cha, mẹ của ông Long và ông Tâm) khai hoang từ trước năm 1990, diện tích khoảng 2.500m2. Sau khi khai hoang, ông Tăng, bà Liễu cùng các con trong gia đình canh tác trồng dương, sắn mì, bạc hà... Đến năm 2001, vợ chồng ông Tăng viết giấy tặng cho toàn bộ diện tích đất cho ông Tâm. Năm 2010 vợ chồng ông Tâm xây dựng nhà ở ổn định đến nay. Do đó, vợ chồng ông Tâm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và có đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất của bị đơn và công nhận QSD đất nêu trên cho vợ chồng ông.
Bản án sơ thẩm ngày 10/9/2020, Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do có kháng cáo, vừa qua TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm. Tại phiên xét xử phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên nhận định: Xét nội dung đơn khởi kiện và lời trình bày của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án về thời gian khai hoang trước sau không thống nhất, có lúc khai năm 1985, có lúc năm 1987, có lúc năm 1988. Các nhân chứng bên nguyên đơn cung cấp xác định đất đang tranh chấp do ông Long khai hoang cũng không phù hợp với lời khai nguyên đơn về thời gian.
Vợ chồng bị đơn là ông Tâm đang sử dụng đất tranh chấp nên không có căn cứ để xác định vợ chồng ông Long đang sử dụng ổn định, đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho vợ chồng ông Long đối với diện tích đất đang tranh chấp.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Năm 2001, vợ chồng ông Tăng viết giấy tặng cho ông Tâm diện tích đất nêu trên. Các nhân chứng trình bày phù hợp với lời khai của ông Tăng và vợ chồng bị đơn. Vợ chồng ông Tâm đã xây dựng nhà ở, sử dụng ổn định từ năm 2010 đến nay. Vợ chồng bị đơn cung cấp một số tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất là của vợ chồng ông Tăng. UBND phường cũng xác nhận ngoài diện tích đất nói trên thì ông Tăng không còn sử dụng diện tích đất nào khác.
Như vậy, có đủ căn cứ xác định gia đình ông Tăng khai hoang, quản lý, sử dụng (trồng dương, bạch đàn…) trên diện tích đất 2.266,7m2 từ năm 1990 đến năm 2001 cho lại ông Tâm; vợ chồng ông Tâm xây dựng nhà ở ổn định, sử dụng đất từ 2010 đến nay, đủ điều kiện để công nhận QSD đất hợp pháp theo quy định của Luật đất đai.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm căn cứ vào lời khai của nguyên đơn và các nhân chứng để công nhận diện tích đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Long là trái quy định của pháp luật đất đai; có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá các tài liệu, chứng cứ trong vụ án, nhất là các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp. Về thủ tục tố tụng, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Từ những lập luận như trên của đại diện VKSND tỉnh Phú Yên, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND tỉnh tham gia phiên tòa, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.