Quy định này quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới (gồm: Trực tiếp kiểm sát của VKSND tối cao đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; trực tiếp kiểm sát của VKSND cấp tỉnh đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; trực tiếp kiểm sát của VKSND cấp huyện đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện) và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Về đối tượng áp dụng, bao gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự các cấp áp dụng Quy định này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác được giao nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình trực tiếp kiểm sát tại cơ quan thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Về nguyên tắc, Quy định nêu rõ, phải tuân thủ pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan; các quy chế, quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. 

Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đúng phạm vi, kế hoạch kiểm sát; đồng thời, bảo đảm sự vô tư, khách quan, toàn diện và đầy đủ khi tiến hành hoạt động, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của chủ thể bị kiểm sát.

Quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan thi hành án dân sự gồm các nội dung: Tham mưu, đề xuất lựa chọn cơ quan thi hành án dân sự để trực tiếp kiểm sát; xây dựng dự thảo quyết định trực tiếp kiểm sát và kế hoạch trực tiếp kiểm sát; gửi quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát; phối hợp với MTTQ Việt Nam để cử người tham gia giám sát Đoàn trực tiếp kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND TP Hồ Chí Minh kiểm sát công tác cưỡng chế thi hành bản án. (Ảnh minh hoạ)

Công bố quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát; tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trong quá trình trực tiếp kiểm sát; công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát; các việc cần làm sau khi kết thúc trực tiếp kiểm sát.

Ngoài ra, Quy định còn nêu rõ, việc trực tiếp kiểm sát đột xuất được thực hiện khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động thi hành án dân sự hoặc theo yêu cầu của cấp ủy hoặc HĐND (khoản 2 Điều 32 Quy chế số 810) hoặc theo yêu cầu của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Quy trình, kỹ năng tiến hành trực tiếp kiểm sát đột xuất có một số điểm riêng so với trực tiếp kiểm sát thường kỳ, cụ thể là: Sau khi ban hành quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát gửi quyết định và kế hoạch cho cơ quan thi hành án dân sự được kiểm sát và tiến hành ngay các hoạt động nghiệp vụ cần thiết để trực tiếp kiểm sát như công bố quyết định; yêu cầu báo cáo, cung cấp sổ nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung trực tiếp kiểm sát đột xuất để nghiên cứu, kiểm sát; kiểm tra thực tế quỹ, kiểm tra kho vật chứng... Việc kiểm sát thường được thực hiện ngay và trong thời gian ngắn. 

Các bước khác trong quá trình trực tiếp kiểm sát đột xuất như lập phiếu kiểm sát hoặc biên bản làm việc; xác minh; họp đoàn; xây dựng dự thảo kết luận được thực hiện tương tự như trực tiếp kiểm sát thường kỳ.

Về quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính bao gồm: Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân công xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu nội dung đơn và tài liệu kèm theo để đề xuất xử lý đơn.

Kiểm sát hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo; lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền ký các loại văn bản và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý báo cáo kết quả kiểm sát của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc thông báo kết quả tự kiểm tra của cơ quan thi hành án dân sự.

Đối với việc xử lý các đơn khiếu nại, tố cáo có nội dung trùng với đơn đã thụ lý trước đó, Quy định nêu rõ, đơn khiếu nại, tố cáo có cùng nội dung, cùng đối tượng với đơn đã thụ lý trước đó thì được coi là đơn có nội dung trùng. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc công chức được phân công thụ lý báo cáo, đề xuất lãnh đạo Viện hoặc lãnh đạo đơn vị kiểm sát thi hành án dân sự về các đơn trùng; việc thụ lý và giải quyết các đơn trùng tùy thuộc vào kết quả giải quyết đơn thụ lý ban đầu.

Mặt khác, sau khi đã có kết luận kiểm sát đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng Viện kiểm sát vẫn tiếp tục nhận được đơn khiếu nại, tố cáo mà không có nội dung mới so với trước thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc công chức được phân công thụ lý kiểm sát đề xuất, báo cáo lãnh đạo Viện hoặc lãnh đạo đơn vị kiểm sát thi hành án dân sự xếp “lưu đơn” đối với các đơn này. Việc xếp lưu đơn được thực hiện khi có bút phê đồng ý của người có thẩm quyền hoặc theo quyết định của người có thẩm quyền.

P.V