Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND, trong đó có công tác kiểm sát chung và công tác kiểm sát hình sự, góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964). 

Kiểm sát lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp

Năm 1963, công tác kiểm sát chung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp kết hợp với công tác bảo vệ trị an nhằm phục vụ phong trào hợp tác hoá nông nghiệp và cuộc vận động “ba xây, ba chống”, phục vụ thu mua lương thực và quản lý thị trường.

Trong nông nghiệp, viện kiểm sát các cấp đã đi sâu nghiên cứu tình hình, nguyên nhân của việc xã viên xin ra khỏi hợp tác xã, về những vi phạm pháp luật trong nội quy bảo vệ sản xuất, bảo vệ hoa màu, bảo vệ trật tự trị an trong hợp tác xã trên cơ sở vận dụng Điều 25 và Điều 30 của Điều lệ tạm thời hợp tác xã nông nghiệp làm căn cứ kiểm sát. Một số nơi đã kết hợp kiểm sát hợp tác xã nông nghiệp với việc kiểm sát tại chỗ uỷ ban hành chính xã nhằm phát hiện vi phạm toàn diện hơn và việc sửa chữa cũng triệt để hơn.

Trong lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp, tuy bước đầu còn lúng túng trong cách làm nhưng nhờ có kinh nghiệm theo dõi thí điểm của Trung ương về cuộc vận động thực hiện “ba xây, ba chống” mà VKSND tối cao đã thông báo và hướng dẫn cụ thể cho các cấp; vì thế, những khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Trong khi tiến hành kiểm sát các cơ quan, xí nghiệp, công trường, viện kiểm sát các cấp đều chú ý kết hợp xây với chống, kết hợp đấu tranh pháp lý với đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, phát huy phê bình và tự phê bình.

Công tác kiểm sát chung phục vụ thu mua lương thực và quản lý thị trường đã có tiến bộ, góp phần làm giảm vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý là thực hiện Chỉ thị số 02/VP, công tác kiểm sát tại chỗ các hợp tác xã nông nghiệp, các xí nghiệp, công trường, uỷ ban hành chính xã, nhất là ở các vùng xung yếu, đã quan tâm đến việc kết hợp với công tác bảo vệ trị an. Do đó, ngoài yêu cầu bảo vệ dân chủ và tài sản xã hội chủ nghĩa còn có thêm yêu cầu bảo vệ trị an và kiểm sát các nội quy phòng gian bảo mật. Mặt khác, bên cạnh hình thức kiểm sát tại chỗ do viện kiểm sát trực tiếp tiến hành, một số nơi đã vận dụng hình thức phối hợp với các ngành thanh tra, kiểm tra đảng, thanh tra lao động, tài chính hoặc ngành chuyên môn xuống kiểm tra theo chủ trương của cấp uỷ. VKSND tối cao đã phối hợp với Ủy ban Thanh tra Chính phủ và Bộ Nông trường kiểm tra Nông trường Hà Trung (Thanh Hoá), Nông trường Việt Lâm (Hà Giang).

VKSND TP Hà Nội đã phối hợp với thanh tra, công an, thương nghiệp kiểm tra về việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nhà cửa, hộ tịch... Cách làm này đã mang lại nhiều thuận lợi, làm cho viện kiểm sát thấy vấn đề một cách toàn diện và sâu hơn về nguyên nhân vi phạm, đồng thời làm cho các ngành thấy rõ hơn tác hại của vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và sửa chữa triệt để hơn.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc VKSND, năm 1989. (ảnh: tư liệu)

Công tác kiểm sát văn bản đã được nhiều nơi triển khai tiến hành. Ở nông thôn, viện kiểm sát đã chú trọng đến kiểm sát văn bản của uỷ ban hành chính xã và hợp tác xã, nhất là những quy phạm xâm phạm đến thu nhập hợp pháp của xã viên trong vấn đề thu mua, quản lý thị trường, lạc quyên.

Ở các khu, thành phố và Trung ương, viện kiểm sát đã chú trọng đến văn bản của các cơ quan quản lý kinh tế, qua đó đã phát hiện vi phạm về thẩm quyền, về hình phạt của ban quản trị hợp tác xã, xâm phạm đến thu nhập hợp pháp của xã viên. VKSND tối cao đã hệ thống, phân loại tính chất vi phạm, tìm nguyên nhân, tác hại và kiến nghị với Ban Vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Ban Công tác nông thôn Trung ương để sửa chữa chung trong toàn miền Bắc.

Năm 1964, công tác kiểm sát chung đã chú ý gắn công tác kiểm sát với các cuộc vận động lớn và một số công tác khác mà Đảng và Nhà nước phát động, qua đó giúp cho các cấp uỷ đảng thấy được những thiếu sót và vi phạm về chính sách, pháp luật của các ngành để bổ khuyết nhằm hạn chế những sơ hở trong quản lý kinh tế.

VKSND tối cao đã hướng dẫn cho các viện kiểm sát địa phương đi sát trọng điểm của cuộc vận động “ba xây, ba chống” kết hợp với việc theo dõi chung tình hình tiến hành ở các cơ sở khác trong địa phương để góp ý với Ban Vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp Trung ương về mặt pháp luật, chế độ, thể lệ có liên quan đến cuộc vận động...

VKSND các cấp cũng đã tham gia các cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế, văn hoá miền núi và phục vụ một số công tác khác, đi sâu phát hiện những vi phạm về nguyên tắc quản lý hợp tác xã, vi phạm quyền tự do, dân chủ của xã viên, việc quản lý tài chính và thực hiện dân chủ, sử dụng tiền vay của Nhà nước, quan hệ giữa hợp tác xã với đồng bào địa phương.

Ở một số nơi, hợp tác xã có văn bản quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của ủy ban hành chính xã... để phản ánh với các cấp lãnh đạo cuộc vận động, góp phần củng cố hợp tác xã, giúp cho cán bộ hiểu thêm pháp luật và chính sách, làm cho xã viên thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Trong công tác kiểm sát các xí nghiệp, cửa hàng hợp tác xã mua bán nông thôn, hợp tác xã thủ công nghiệp, viện kiểm sát các cấp đã hướng vào kiểm sát những vi phạm pháp luật trên ba mặt: quản lý dân chủ và tài chính, thi hành hợp đồng gia công và sử dụng tiền vay trong các cơ sở làm nghề có dùng nguyên liệu quốc phòng như kim khí, hoá chất, cao su và có quan hệ gia công với quốc doanh, đã phát hiện ra những vi phạm như: cố ý khai tăng khi tính toán quy cách, công thức, giá thành trong sản xuất, trong gia công để bớt xén, rút thêm nguyên liệu, quyền dân chủ của xã viên bị ban quản trị xâm phạm, mua chuộc, hủ hoá cán bộ để được dễ dãi khi ký hợp đồng và thu nhận thành phẩm, lậu thuế…. Đó cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện làm cho hàng hoá kém phẩm chất, làm cho nạn tham ô, đầu cơ, lãng phí phát triển. Viện kiểm sát đã yêu cầu các cấp có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa.

Tuy nhiên, có một hạn chế trong thực hiện chức năng kiểm sát chung là các cấp kiểm sát còn lúng túng, bỡ ngỡ trong việc vận dụng chức năng, chưa phân biệt được ranh giới giữa kiểm sát chung với kiểm tra hành chính nên có nơi làm quá chức năng. Việc nắm tình hình vi phạm pháp luật chưa thật sâu và chưa chính xác, tìm nguyên nhân chưa toàn diện nên chất lượng kiến nghị chưa cao. Việc vận dụng pháp luật và áp dụng hình thức kháng nghị còn chưa theo đúng trình tự quy củ...

Tập trung chống gián điệp, biệt kích, hoạt động gây phỉ

Công tác kiểm sát hình sự: Trong những năm 1961 - 1964, công tác kiểm sát hình sự tập trung vào phòng chống các loại tội phạm hình sự và đặc biệt tập trung vào chống gián điệp, biệt kích, hoạt động gây phỉ, các lực lượng phản động đội lốt tôn giáo, kiểm sát việc giam giữ, cải tạo, tham gia vào điều tra nhiều vụ án hình sự.

Năm 1961, ngành kiểm sát tích cực tham gia công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo, các đảng phái phản động, đấu tranh chống tuyên truyền phản cách mạng, vượt biên, vượt tuyến, nhập cảnh trái phép...

Một đóng góp quan trọng của ngành là đã cùng các ngành nội chính đề xuất với Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội biện pháp tập trung giáo dục cải tạo và đã góp phần bước đầu thực hiện biện pháp đó để tích cực ngăn ngừa và chống các hoạt động phản cách mạng. Các viện kiểm sát địa phương đều tích cực tham gia các đợt khoanh vùng đánh địch, cải tạo tề ngụy và đã góp phần tích cực, đảm bảo chính sách, pháp luật. Qua các vụ án, viện kiểm sát các cấp đã tích cực vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch, giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, nhân dân.

Về chống gián điệp, biệt kích, VKSND đã phê chuẩn bắt 113 tên, không kể vụ C47. Ngành kiểm sát đã hoàn chỉnh hồ sơ, truy tố 21 vụ với 30 đối tượng, tập trung giáo dục cải tạo 3 vụ với 4 đối tượng, đã đưa ra xét xử 18 vụ với 34 đối tượng của các năm trước. Đối với các phần tử phản động đội lốt Thiên chúa giáo, VKSND đã duyệt bắt 23 vụ với 30 đối tượng hầu hết là tu sĩ, chánh trương, trùm chưởng và chúng sinh thuộc loại tay sai đắc lực cho bọn đầu sỏ. Đã truy tố 6 vụ với 6 đối tượng, tập trung 1 vụ với 1 đối tượng, cảnh cáo 4 vụ với 11 đối tượng. Đã đưa ra xét xử 68 vụ với 87 đối tượng về các hoạt động tuyên truyền chống phá chính sách ở vùng Thiên chúa giáo. Việc điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, khẩn trương, đi đúng đường lối quần chúng, tranh thủ giáo dân, phân hoá hàng ngũ địch.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL