Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát giam giữ, góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).
Bảo đảm phương châm kiên quyết và thận trọng
Đối với các tổ chức và đảng phái phản động đã bị phát hiện, ngành kiểm sát đã tích cực phối hợp với công an để điều tra, lập hồ sơ xử lý, đảm bảo phương châm kiên quyết và thận trọng.
VKSND tối cao đã giúp viện kiểm sát các địa phương thống nhất nhận định về tính chất và đường lối xử lý đối với một số vụ án lớn, đưa ra truy tố, xét xử 5 vụ với 27 đối tượng, trên cơ sở phân hoá hàng ngũ địch, phân biệt đầu sỏ, tay sai và nhân dân lao động bị lừa phỉnh...
Trong năm 1961, ngành kiểm sát cũng đưa ra truy tố, xét xử 8 vụ với 56 bị can thuộc các tổ chức vũ trang nổi loạn ở miền núi theo đúng chính sách dân tộc, chính sách phân hoá, chính sách đối với tội phạm đầu thú, có ảnh hưởng chính trị tốt ở địa phương. Đối với các hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, ngành kiểm sát đã phê chuẩn bắt 446 vụ với 464 bị can, truy tố 118 đối tượng, tha 70 đối tượng. Ngành cũng đã thụ lý 241 vụ với 334 đối tượng can tội vượt biên, vượt tuyến, nhập cảnh trái phép...
Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, ngành kiểm sát đã phê chuẩn bắt giam 2.270 đối tượng phạm tội trộm cắp, xử lý 1.166 đối tượng, trong đó truy tố 29%. Phát hiện và bắt giam 458 đối tượng phạm tội giết người, 315 đối tượng phạm tội hiếp dâm… Tiêu biểu là vụ án Trương Việt Hùng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, phạm tội giết vợ đầu năm 1961.
Vụ án gây chấn động dư luận, được đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo điều tra, đưa ra truy tố, xét xử. Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa xét xử chung thẩm. Chủ tọa phiên tòa là đồng chí Lê Giản - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Ủy viên công tố là đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Trương Việt Hùng bị xử mức án tử hình.
Trong lĩnh vực bảo vệ trật tự quản lý kinh tế, các ngành chức năng đã phát hiện 3.128 vụ tham ô gây thiệt hại gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, số vụ đưa vào khởi tố điều tra còn ít (423 vụ).
Nhìn chung, công tác kiểm sát điều tra đã có tiến bộ, việc phê chuẩn bắt giam đảm bảo chặt chẽ, có căn cứ, có xác minh thận trọng nên đã phát hiện được một số trường hợp để lọt và hạn chế việc bắt oan. Thời hạn điều tra được rút ngắn, nhiều vụ án phức tạp và án giết người nghiêm trọng được điều tra và đưa ra truy tố nhanh hơn. Quan hệ công tác và phối hợp với công an ở nhiều nơi được cải tiến và có tiến bộ rõ rệt.
|
|
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao tham dự Hội nghị học tập Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tiến hành tháng 8-1960. (Ảnh: tư liệu) |
Trong công tác kiểm sát xét xử, việc vận dụng đường lối xử lý không xảy ra sai sót, lệch lạc nghiêm trọng. Việc duy trì công tố tại phiên toà cũng có tiến bộ, phát huy được vai trò của kiểm sát viên. Sau phiên toà, một số nơi đã chú ý tuyên truyền kết quả xét xử.
Công tác kiểm sát các trại giam và trại cải tạo đã làm đều đặn hơn, đã phát hiện một số trường hợp vi phạm chế độ, thể lệ giam giữ, cá biệt đã phát hiện có trường hợp bị oan.
Thụ lý 457 vụ án về các tội hoạt động gián điệp, hoạt động phỉ, tuyên truyền phản cách mạng...
Năm 1962, về công tác kiểm sát hình sự, toàn ngành đã thụ lý 457 vụ án về các tội hoạt động gián điệp, hoạt động phỉ, tuyên truyền phản cách mạng, vượt biên hoặc nhập cảnh trái phép... với 819 đối tượng. Đã truy tố 260 vụ với 453 đối tượng; miễn tố 120 vụ với 118 đối tượng. Số còn lại xử lý bằng các biện pháp khác. Điển hình là việc truy tố và xét xử các vụ án gián điệp ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, vụ án Nguyễn Minh Thụy đội lốt tôn giáo chống phá cách mạng ở Hà Đông.
Về trật tự xã hội, tiêu biểu là vụ án giết người là quân nhân tại ngũ, xảy ra giữa năm 1961 mà thủ phạm là toàn bộ Ban Chi ủy chi bộ xã do Hoàng Văn Nghi - Bí thư chi bộ và Nguyễn Văn Thực - Chủ tịch xã cầm đầu, ngoài ra còn có xã đội trưởng, xã đội phó và một số đối tượng khác. Nạn nhân là anh Hoàng Hữu Thư - chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, được về nhà nghỉ phép, anh đã phát hiện, tố cáo một số đối tượng tham nhũng ở xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Chúng đã bày mưu, tính kế giết anh Hoàng Hữu Thư, ném xác xuống một giếng hoang và lấp lại để phi tang. Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng vì đối tượng gây án là cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền ở xã. Vụ án được đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo, giao cho Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo trực tiếp và giao cho Ty Công an, VKSND tỉnh tiến hành điều tra, đưa ra truy tố, xét xử ở đình Tân Mỹ, đông đảo quần chúng nhân dân được tham dự.
Sau khi vụ án được xét xử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ thị cho Huyện ủy Yên Dũng kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, rà soát lại đội ngũ cán bộ chủ chốt của toàn huyện, đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông báo để các cấp ủy địa phương trong toàn tỉnh lấy đó làm bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.
Nhìn chung, tốc độ giải quyết án được đẩy mạnh so với năm trước. Viện kiểm sát các cấp đã có tiến bộ rõ trong việc vận dụng chính sách pháp luật và chức năng của mình vào công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng.
Qua kiểm sát việc lập hồ sơ, quyết định truy tố và kết luận trước phiên toà, viện kiểm sát đã đánh trúng vào những phần tử tay sai đế quốc, bọn cầm đầu các tổ chức phản động, bọn tay chân đắc lực cho bọn phản động đội lốt tôn giáo, bọn phỉ ngoan cố và những phần tử phản động khác.
Khi quyết định truy tố cũng như khi luận tội, viện kiểm sát đã phân định rõ tội trạng, vị trí, vai trò của từng tên, nêu rõ tác hại, do đó đã giúp cho việc kết án chính xác, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của địch và tranh thủ được sự đồng tình của quần chúng nhân dân.
Việc phê chuẩn bắt đã chú ý căn cứ vào các tài liệu, bằng chứng chứng minh có tội, khắc phục tình trạng phê chuẩn bắt không có hồ sơ chứng cứ, do đó đã phát hiện một số trường hợp không đáng bắt, hạn chế việc bắt không cần thiết, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Thông qua công tác kiểm sát điều tra, ngành kiểm sát đã chú ý tìm nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, tìm ra thiếu sót và sơ hở trong việc chấp hành chính sách, pháp luật để đề nghị các cấp uỷ đảng và chính quyền có biện pháp khắc phục.
Về công tác đấu tranh chống tham ô, lãng phí và các phạm pháp khác về kinh tế, đã thụ lý, giải quyết 577 vụ, trong đó có nhiều vụ tham ô tập thể, bớt xén phiếu vải, phiếu gạo của nhân dân hoặc khai man nhân khẩu để lĩnh thêm tem phiếu...
Toàn ngành đã tích cực tham gia, bước đầu vận dụng chức năng kiểm sát một cách toàn diện để phục vụ cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Về công tác kiểm sát giam giữ: VKSND tối cao đã trực tiếp tiến hành kiểm sát một số trại giam do Trung ương quản lý và phối hợp với viện kiểm sát địa phương kiểm sát trại giam tại 10 tỉnh và 2 thành phố, chú trọng địa bàn xung yếu.
Các viện kiểm sát địa phương cũng đã kiểm tra các trại giam giữ do địa phương mình quản lý, qua đó phát hiện những vi phạm về thủ tục như: giam giữ không có lệnh, hết hạn tạm giam nhưng không gia hạn tạm giam, giam giữ cả người được hưởng án treo...
Để đảm bảo thực hiện phương châm không oan, không lọt, các đơn vị kiểm sát giam giữ đã đi sâu kiểm tra hồ sơ tội trạng của các phạm nhân, phát hiện một số trường hợp không đáng giam, bắt oan hoặc có đơn kêu oan, chuyển khâu kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để xem xét, giải quyết.
Toàn ngành cũng đã tham gia quá trình xét giảm án tha tù và đặc xá cho các phạm nhân. Dịp Quốc khánh 2-9, viện kiểm sát đã cùng các ngành công an, tòa án xét tha hoặc giảm án cho 271 phạm nhân bị xử trong cải cách ruộng đất và 117 phạm nhân hình sự thường.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).