Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản cách mạng

Năm 1963, công tác kiểm sát hình sự tập trung vào phục vụ nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ tài sản và trật tự quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tập trung cải tạo bọn phản cách mạng.

Trong việc tham gia đánh địch, công tác kiểm sát điều tra án chính trị đã có nhiều tiến bộ về mặt vận dụng chính sách, pháp luật hình sự cũng như về nghiệp vụ. Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý 26 vụ án gián điệp, biệt kích, 20 vụ liên quan đến đảng phái phản động, 128 vụ tuyên truyền phản cách mạng, 43 vụ vượt biên, vượt tuyến. Một số vụ án điển hình như: vụ án gián điệp biệt kích nhảy dù ở Yên Khánh (Ninh Bình) tháng 6/1963; vụ gián điệp biệt kích nhảy dù ở Vĩnh Linh, tháng 6/1963; ở Lai Châu và Sơn La tháng 8/1963, vụ biệt kích đột nhập vào Hải Ninh, tháng 7/1963...

Trong việc tập trung giáo dục cải tạo bọn phản cách mạng, do nhận thức đúng đắn ý nghĩa và tính cấp bách của công tác này nên nhiều viện kiểm sát đã coi trọng thực hiện chức năng của mình, đề xuất với cấp ủy và trao đổi với cơ quan công an xúc tiến khẩn trương tập trung cải tạo 3.989 đối tượng, trong đó có 930 tên ngụy quân, ngụy quyền, 342 tên mật thám, chỉ điểm, 152 tên phỉ, biệt kích. 

Công tác đấu tranh chống phản cách mạng, nhất là các phần tử đội lốt tôn giáo được đẩy mạnh. Các viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố với nhiều vụ án lớn như: VKSND tỉnh Nghệ An với vụ án tổ chức phản động Mặt trận cộng hòa công dân tiền phong Bắc Việt Nam; VKSND tỉnh Nam Định với vụ án Hội tận hiến...

Hoạt động của công tác kiểm sát trong lĩnh vực này đã có những tiến bộ đáng kể. Trước khi phê chuẩn bắt, giam, một số viện kiểm sát đã nghiên cứu kỹ hồ sơ do công an cung cấp, yêu cầu cung cấp hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình xác minh, bổ sung nên trong năm không có trường hợp nào sai, hạn chế được việc bắt để thay thế điều tra. Viện kiểm sát đã đi sâu nghiên cứu hồ sơ, chú ý kiểm sát điều tra một số vụ ngay từ khi mới khởi tố vụ án, tham gia khám nghiệm hiện trường, yêu cầu thu thập dấu vết, chứng cứ, phát hiện những sai sót trong quá trình điều tra để yêu cầu công an khắc phục kịp thời, đồng thời chú ý hơn đến việc phúc cung những vấn đề chính trong vụ án, giúp cho việc truy tố tránh sai sót. 

Một số viện kiểm sát địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với uỷ ban hành chính, công an và Mặt trận Tổ quốc trong việc đối phó với âm mưu lập hội đoàn phản động, bước đầu đã có kinh nghiệm trong việc vận dụng luật pháp, kết hợp với các ngành chuyên chính và dựa vào quần chúng nhân dân để phát hiện, đấu tranh và đưa ra truy tố bọn phản động và tay sai.

Trong công tác kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế và trật tự xã hội, viện kiểm sát đã tập trung đấu tranh, xử lý các vụ tham ô, đầu cơ, giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm. Nhiều vụ án, nhất là đối với tội đầu cơ đã thể hiện đường lối xử lý vững chắc và kiên quyết, không để lọt tội phạm, đáp ứng được yêu cầu chính trị. Phần lớn các vụ án đều được truy tố nhanh và đúng luật, không bị toà án trả hồ sơ, nhất là án giết người.

Công tác kiểm sát xét xử hình sự đã được đẩy mạnh thêm một bước, chất lượng công tác được nâng lên. Các viện kiểm sát đã chú ý đi sâu vào nghiệp vụ kiểm sát xét xử, vận dụng các yếu tố cấu thành tội phạm và các nguyên tắc của hình pháp xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn công tác kiểm sát nên các vụ án đã đưa ra xét xử bảo đảm đúng đắn hơn, phục vụ được yêu cầu chính trị của địa phương. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam với các đại biểu dự Liên hoan chiến sĩ thi đua ngành kiểm sát nhân dân lần thứ tư. (Ảnh: tư liệu)

Việc duy trì công tố tại phiên toà ở nhiều địa phương đã có chuyển biến mới. Trong hầu hết các phiên toà xét xử ở cấp huyện, đại diện viện kiểm sát đã tập trung thu thập, nghiên cứu các chứng cứ của vụ án để chuẩn bị lý lẽ đấu tranh trước toà, kể cả với những quan điểm sai lầm của người bào chữa. Đối với những vụ án quan trọng, nhiều nơi đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận kiểm sát điều tra theo dõi, nghiên cứu ngay từ đầu, kịp thời phát hiện thiếu sót để yêu cầu bổ sung. Chất lượng bản luận tội có tiến bộ. 

Viện kiểm sát các cấp cũng đã chú ý nhiều hơn đến kiểm sát việc tuân theo trình tự tố tụng trong việc xét xử của toà án.

Nâng một bước phương pháp công tác và trình độ nghiệp vụ

Năm 1964, công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, chống các tội phạm tham ô, đầu cơ, hiếp dâm, giết người... cũng như trong công tác phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, viện kiểm sát các cấp đã có những tiến bộ rõ rệt, đã khắc phục được những biểu hiện rụt rè, hữu khuynh. Phương pháp công tác và trình độ nghiệp vụ đã được nâng lên một bước. Trong năm 1964, viện kiểm sát các cấp đã duyệt bắt 650 phần tử phản cách mạng có hành động phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bao gồm bọn gián điệp biệt kích, bọn phản động lợi dụng Thiên chúa giáo, bọn tuyên truyền chống chính sách.

Do lập trường, quan điểm giai cấp được nâng lên và tinh thần hiệp đồng chiến đấu với ngành công an có tiến bộ nên việc vận dụng chính sách trấn áp phản cách mạng vào việc bắt, truy tố và đề nghị áp dụng hình phạt có nhiều tiến bộ, đã hạn chế được các trường hợp bắt và đề nghị truy tố không đúng.

Trong việc xử lý các vụ án tổ chức phản động, ngành kiểm sát đã phân biệt giữa những tổ chức phản động với những nhóm không có mục đích phản động, thống nhất với công an xử lý bằng biện pháp hành chính.

Thực hiện quy định về quan hệ công tác giữa hai ngành, các viện kiểm sát đã theo sát quá trình điều tra, lập hồ sơ của công an, góp ý để việc điều tra được đầy đủ và đúng với yêu cầu của việc truy tố. Vì vậy đã tránh được việc điều tra bổ sung, rút ngắn được thời hạn điều tra, truy tố.

Viện kiểm sát tiếp tục tham gia kiểm sát việc tập trung giáo dục cải tạo bọn phản cách mạng và đã có chủ trương kiểm sát tại chỗ một số vùng xung yếu về tình hình tập trung giáo dục cải tạo, tìm nguyên nhân của sự chậm chễ để báo các cấp ủy và cùng với ngành công an có biện pháp đẩy mạnh giải quyết. 

Trong năm 1964, toàn ngành đã tiến hành kiểm sát được 81 đơn vị cơ sở, qua đó đã phát hiện một số trường hợp là đối tượng nguy hiểm, nhưng không đưa vào danh sách do có quan hệ họ hàng với cán bộ, có những đối tượng chưa đủ tài liệu để tập trung giáo dục cải tạo hoặc không đáng đưa đi cải tạo... để đề nghị với ngành công an thẩm tra, xác minh lại. 

Trong công tác kiểm sát phục vụ đấu tranh chống các tội phạm kinh tế, viện kiểm sát các cấp đã tập trung xử lý các tội tham ô, đầu cơ. Do tình hình tham ô, đầu cơ bị phát hiện tương đối nhiều nên trong năm, viện kiểm sát đã nhận điều tra 123 vụ tham ô, 40 vụ đầu cơ. Trong tổng số 289 vụ tham ô, có 33 vụ tham ô tập thể, một số vụ liên quan đến cán bộ trung, cao cấp nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành kiểm sát đã tích cực tham gia phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, tạo điều kiện đi sâu vào vụ án mà không bị trở ngại. So với năm trước, công tác chống tham ô, đầu cơ của ngành đã có tiến bộ rõ rệt.

Việc đấu tranh chống các tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự trị an đã được các viện kiểm sát chú ý giải quyết. Nhiều viện kiểm sát đã chú ý kết hợp việc xử lý về hình sự các tội như: trộm cắp, cờ bạc, buôn bán rượu lậu, gây tai nạn giao thông... với việc tuyên truyền, giáo dục trong quần chúng nên đã góp phần hạn chế những tệ nạn nói trên. Công tác điều tra, lập hồ sơ xử lý các vụ án đã có nhiều cố gắng. Trong năm 1964, ngành kiểm sát chú trọng đến hai loại án nghiêm trọng là giết người và hiếp dâm nên đã phối hợp chặt chẽ với ngành công an ngay từ khi sự việc được phát hiện. Do đó, tốc độ điều tra, truy tố nhanh hơn. Ngoài việc điều tra những vụ án theo trách nhiệm của mình, viện kiểm sát còn điều tra thêm một số vụ án phức tạp mà trước đó ngành công an vẫn điều tra như: án hiếp dâm, án giết người.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL