Tại phiên họp, Tổ biên tập dự án Luật đã nêu sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật; phạm vi sửa đổi và một số nội dung chính. Theo đó, với tinh thần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác GĐTP, nhất là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lần sửa đổi Luật này sẽ tháo gỡ những khó khăn trong công tác GĐTP phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, dự án Luật lần này sẽ bổ sung các quy định liên quan đến căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; thời hạn giám định, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; quyền và trách nhiệm của bên trưng cầu và bên được trưng cầu…

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với hai nội dung nổi lên đó là xã hội hóa hoạt động GĐTP và công tác giám định pháp y. Tuy nhiên, theo Tổ biên tập dự án Luật, đây là những vấn đề cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu nên đề xuất lần này chỉ tập trung xử lý những tồn tại, hạn chế về GĐTP nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên họp thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP

Liên quan đến vấn đề giám định phục vụ công tác thanh tra, Luật GĐTP có phạm vi điều chỉnh là hoạt động giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng. Vì vậy, việc bổ sung hoạt động giám định phục vụ cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là không phù hợp với khái niệm, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật GĐTP hiện hành. Nhưng để khắc phục bất cập hiện nay do không có quy định hướng dẫn thực hiện giám định phục vụ công tác thanh tra, Tổ biên tập dự án Luật đề xuất theo hướng bổ sung vào điều khoản thi hành một khoản quy định áp dụng tương tự quy định về thực hiện giám định của các tổ chức giám định, giám định viên khi cơ quan Thanh tra trưng cầu giám định theo Luật Thanh tra.

Về phía các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật. Theo đó, những vấn đề mở rộng thêm phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tháo gỡ những bức xúc nổi cộm nhất hiện nay như: Về căn cứ, cách thức trưng cầu, thời hạn giám định, phân cấp giám định cần đồng bộ với các luật tố tụng; bảo vệ người giám định; nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu giám định…

Cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh những quy định tập trung phục vụ giải quyết án tham nhũng thì cần mở rộng một số nội dung như xử lý bất cập trong giám định tử thi giữa Trung tâm Pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự. Cụ thể, để bảo đảm tính linh hoạt, tránh lãng phí nguồn lực, cần cho phép hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch phân công lịch trực, nhân lực giám định theo hình thức luân phiên, phối hợp; gửi kế hoạch đến các cơ quan liên quan…

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo. Theo cơ quan này, việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, khó khăn hiện nay trong tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

P.V (t/h)