Mới đây, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao và TAND tối cao đã ban hành Quy chế phối hợp số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC trong công tác giám định tư pháp (Quy chế số 992).

Về mục đích phối hợp, Quy chế số 992 nêu rõ, việc phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan về giám định tư pháp. Đồng thời, việc phối hợp nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong tổ chức, quản lý hoạt động giám định tư pháp, giải quyết các vấn đề về giám định tư pháp cần có sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp.

Cũng theo Quy chế số 992, việc phối hợp giữa các cơ quan phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan trong hoạt động giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Hoạt động phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, bảo đảm nội dung, hiệu quả; đồng thời, phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh nêu rõ về phương thức phối hợp, Quy chế số 992 cũng đã đề cập cụ thể về các nội dung phối hợp, gồm: Phối hợp trong xây dựng văn bản về giám định tư pháp; phối hợp trong giải quyết vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; phối hợp trong việc thống kê và cung cấp thông tin, số liệu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; phối hợp kiểm tra về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; phối hợp tổ chức họp giao ban liên ngành về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Liên quan đến việc phối hợp trong giải quyết vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, Quy chế số 992 đề cập: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao và TAND tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ trì tiếp nhận và giải quyết vướng mắc trong việc trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp. Đối với việc giải quyết vướng mắc về giám định tư pháp trong vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì có thể mời đại diện Ban Nội chính Trung ương tham gia ý kiến. Bên cạnh đó, theo đề nghị của cơ quan phối hợp, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị, đôn đốc bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định tư pháp giải quyết vướng mắc.

Đối với việc thống kê và cung cấp thông tin, số liệu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, Quy chế nêu: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao và TAND tối cao chỉ đạo thực hiện thống kê và cung cấp thông tin số liệu, đánh giá về trưng cầu, yêu cầu, thực hiện giám định tư pháp, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong giai đoạn tố tụng thuộc thẩm quyền. Cơ quan phối hợp định kỳ 06 tháng, 01 năm cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Tư pháp phục vụ công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, báo cáo Quốc hội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan có thẩm quyền khác; trường hợp đột xuất thì việc cung cấp thông tin, số liệu được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đề nghị cung cấp.

P.V

Quy chế phối hợp số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao và TAND tối cao gồm 03 chương, 16 điều. Về cơ quan, đơn vị đầu mối trong phối hợp liên ngành, Quy chế nêu: Các cơ quan phối hợp thống nhất cử Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, VKSND tối cao; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, TAND tối cao là đơn vị đầu mối của các cơ quan phối hợp.