“Phớt lờ” chỉ đạo của Chính phủ

Thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, năm 2006, Bộ Công thương có Công văn đề nghị Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo TP. Hồ Chí Minh để Sabeco giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với mục đích thực hiện xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê.

Để triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Sabeco liên doanh thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) với cổ đông sáng lập gồm Sabeco, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên và Công ty cổ phần Đầu tư Rồng Á Châu.

leftcenterrightdel
 Đất vàng của Sabeco rơi "lòng vòng" rơi vào tay tư nhân.

Tuy đề xuất này của Sabeco đã được sự đồng thuận của Bộ Tài chính và bị can Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh), nhưng UBND TP Hồ Chí Minh sau đó có công văn chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của Dự án là khu phức hợp có chức năng khách sạn, văn phòng, thương mại, dịch vụ, không có chức năng căn hộ ở và cho thuê.

Sau đó, tháng 7/2011, UBND TP. Hồ Chí Minh duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng có giá là 1.236 tỉ đồng. Nhưng vì số tiền phải nộp quá lớn nên Sabeco chưa có để nộp. Vì vậy, Bộ Công thương ký công văn đề nghị UBND TP. HCM gia hạn việc nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco để tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực tài chính.

leftcenterrightdel
 Bị can Vũ Huy Hoàng đã "phớt lờ" chỉ đạo của Chính phủ.

Trong thời gian này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011, nội dung Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung vốn vào ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành nhất là lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.

Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 9/7/2012, tiếp tục chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước, Nghị quyết nhấn mạnh, đến năm 2015 tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính, tiến hành liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án và chuyển giao quyền sử dụng đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho liên doanh không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá, trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

“Sốt sắng” tìm liên doanh

Tháng 2/2013, lãnh đạo Sabeco đã đề xuất giải thể Sabeco Land vì các nhà đồng tư không đủ năng lực tài chính, đồng thời đề xuất cho liên doanh góp vốn với Công ty Cổ phần tập đoàn Đại Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, Công ty TNHH Thịnh Việt và Công ty Cổ phần đầu tư Mê Linh để triển khai thực hiện dự án.

Ngay sau đó, bị can Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương đã ký Công văn, nội dung đồng ý việc  giải thể Sabeco Land, đồng ý với việc đề xuất của Sabeco về việc lập liên doanh mới.

leftcenterrightdel
Bị can Hồ Thị Kim Thoa hiện đang bỏ trốn. 

Tuy nhiên, tiếp đó năm 2014, lãnh đạo Sabeco tiếp tục có báo cáo gửi Bộ Công thương về việc nhóm các nhà đầu tư xin rút không thực hiện dự án, đề xuất cho Sabeco hợp tác với Công ty cổ phần Attland, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hà An, Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh, thành lập công ty mới để triển khai thực hiện dự án. Trong nội dung báo cáo còn nhấn mạnh về việc nhóm các nhà đầu tư sẽ thực hiện góp vốn bằng tiền mặt nộp tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền triển khai Dự án, còn Sabeco sẽ có 26% vốn điều lệ (18% bằng tiền mặt và 8% lợi thế).

Ngay sau đó, tháng 6/2014, Hồ Thị Kim Thoa đã ký ban hành các công văn về việc thay thế nhóm nhà đầu tư cũ bằng nhóm nhà đầu tư mới. Tháng 11/2014 Sabeco và nhóm các nhà đầu tư đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Sabeco Pearl để triển khai Dự án. Tháng 2/2015, Sabeco Pearl được thành lập. Sabeco đã góp 92 tỉ vào Sabeco Pearl.

Như vậy, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án nhưng không được định giá theo quy định của pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl, là nguyên nhân gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước.

Sau đó, Bộ Công thương đã có các văn bản đề nghị UBNDTP. Hồ Chí Minh cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư Dự án, bị can Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất với số tiền 997,2 tỉ đồng.  Sau đó, Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo cho các bộ, ban ngành TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện các thủ tục tạo điều kiện để Sabeco Pearl nhanh chóng thực hiện Dự án.

Thủ đoạn thoái vốn

Tháng 2/2016, Phan Chí Dũng đề xuất Vũ Huy Hoàng chỉ đạo cho Sabeco thực hiện các thủ tục để thoái vốn và xây dựng phương án thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl.

Thực hiện chỉ đạo, ông Võ Thanh Hà (Chủ tịch HĐQT Sabeco) đã thành lập tổ thoái vốn của Sabeco, thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục thoái 26% phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl.

Trải qua các cuộc họp và định giá, tại cuộc họp ngày 29/3/2016 do bị can Vũ Huy Hoàng chủ trì, ông Võ Thanh Hà báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB. Mặc dù tại thời điểm này, dự án đã được UBND TP. HCM chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ để ở, nhưng bị can Vũ Huy Hoàng vẫn cho rằng, giá trị cổ phần là 14.433 đồng/cổ phần là giá trị giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/ cổ phần.

leftcenterrightdel
Các bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh trong vụ án. 

Tháng 3/2016, bị can Phan Chí Dũng ký thông báo gửi Vũ Huy Hoàng đề xuất lấy giá 13.247 đồng/ cổ phần làm giá sàn để thực hiện thoái vốn.

Vì vậy, ngày 14/6/2016, Sabeco và Chi nhánh Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt tổ chức bán đấu giá cổ phần của Sabeco tại Sabeco Pearl cho các cổ đông sáng lập với giá sàn như trên. Kết quả Công ty Attland trúng đấu giá 14.733.342 đồng/ cổ phần.

Sau đó, Sabeco nhận số tiền chuyển nhượng cổ phần là 196,6 tỉ đồng và rút khỏi Sabeco Pearl.

Đến ngày 19/10/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Như vậy, đến thời điểm này, Dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh Sabeco Pearl và khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã thuộc hoàn toàn về Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Rõ ràng, việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản Nhà nước và là cơ sở để tư nhân chiếm hữu tài sản Nhà nước.

Hà Nhân