Vì sao Sabeco chưa nộp 2.500 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước?
Cập nhật lúc 07:44, Thứ tư, 11/04/2018 (GMT+7)
Quá trình kiểm toán Sabeco, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai phạm của Doanh nghiệp này và kiến nghị Sabeco này nộp ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước là gần 2.500 tỉ đồng. Song đến nay Sabeco vẫn chưa nộp. Do vậy, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương để đốc thúc.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho hay, Luật Kiểm toán 2015 đã quy định: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco có ý kiến với Sabeco kịp thời chấn chỉnh các sai phạm tại Sabeco và khẩn trương nộp vào ngân sách nhà nước các khoản mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Thời hạn mà Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo kết quả về Cục Tài chính Doanh nghiêp- Bộ Tài chính trước ngày 30-4.
Tuy nhiên, liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đại diện Sabeco cho rằng, nhà nước đã thực hiện thoái vốn 53,59% cho cổ đông lớn nhất là Thai Bev mà đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị gần 5 tỉ USD ngày 18-12-2017. Vì vậy, tỉ lệ sở hữu nhà nước tại Sabeco tại thời điểm 28-12-2017 chỉ còn hơn 36%. Và như vậy, việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31-12-2016 cho cổ đông nhà nước với tỉ lệ 89,589% theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì Sabeco không có cơ sở để thực hiện ngay, mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định luật pháp hiện hành.
Bên cạnh đó, Sabeco sẽ tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn thực hiện, trong đó bao gồm việc xử lý dứt điểm vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt nộp bổ sung của giai đoạn 2007 - 2015 có thể ảnh hưởng đến việc phân phối lợi nhuận đến 31/12/2016.
Trước câu hỏi của Phóng viên về văn bản đốc thúc của Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho biết Bộ sẽ thực hiện theo kết luận Kiểm toán Nhà nước và vấn đề này Bộ Công thương cũng đã báo cáo Chính phủ rồi. Khúc mắc chính ở đây nằm ở khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco giai đoạn 2007-2015, khoảng 2.500 tỷ đồng. Để không ảnh hưởng tới quá trình bán vốn, khi hoàn thiện hồ sơ, phần lợi nhuận chưa phân phối này đã được Sabeco “khoanh” lại, việc này đã được Sabeco xin ý kiến các cơ quan chức năng hướng dẫn, phê duyệt trước khi thực hiện.
Theo kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của Sabeco, Kiểm toán Nhà nước đề cập đến các vấn đề lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31/12/2016 là 2.930 tỷ đồng và chưa được chia cổ tức cho các cổ đông.
Ngoài ra, công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền 444,7 tỷ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư. Trong đó, phần lớn là các hạng mục đầu tư trái ngành, chủ yếu trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính, chủ yếu trước năm 2008, thời điểm cổ phần hóa.
Cùng với đó, việc chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng hơn 15 tỷ đồng, bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý, trong khi mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại nghị định 71 năm 2013 chỉ 1,5 tháng lương. Hơn nữa, mức chi thưởng Sabeco cao hơn mức khen thưởng mà Bộ Công Thương chấp thuận tới hơn 12,7 tỷ đồng.
Do vậy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco nộp cổ tức chia cho cổ đông Nhà nước vào ngân sách nhà nước từ lợi nhuận còn lại của năm 2016 trở về trước theo tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ 89,59% là phù hợp với thực tế và thời điểm thực hiện kiểm toán.
|
Minh Nhật