Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc nhận và sử dụng hơn 105 tỉ đồng lãi ngoài tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là SBIC) vừa kết thúc. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, Kiểm sát viên cao cấp Đặng Như Vĩnh (Phòng 2, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - Vụ 3, VKSND tối cao), dù đang bận rộn với những vụ án mới, vẫn luôn dõi theo từng diễn biến của phiên tòa. Chỉ đến khi HĐXX phúc thẩm tuyên án với nội dung chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS, anh và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm, bởi đến lúc này, việc giải quyết vụ án mới được coi là cơ bản thành công.

Hầu hết chứng cứ bị “phi tang”

Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin thuộc giai đoạn 2 của “đại án” Hà Văn Thắm và đồng phạm. Theo Kiểm sát viên Đặng Như Vĩnh, trong suốt quá trình giải quyết vụ án này, Kiểm sát viên luôn thấu suốt chủ trương của Đảng trong giải quyết án tham nhũng là “không có vùng cấm”, chấp hành nghiêm túc công tác chỉ đạo điều hành nghiệp vụ của các đồng chí lãnh đạo Vụ và lãnh đạo VKSND tối cao.

Theo đó, ngày 25/1/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin, liên quan đến chủ trương, việc gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng Thương mại CP Đại Dương (Oceanbank) và việc chiếm đoạt, sử dụng số tiền “lãi ngoài” hơn 105 tỉ đồng của Vinashin. Ngay từ khi khởi tố vụ án, tổ Kiểm sát viên (KSV) của Phòng 2, Vụ 3 đã có sự phối hợp chặt chẽ với tổ Điều tra viên (ĐTV) Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề ra hướng điều tra cụ thể để có cơ sở khởi tố bị can.

Sau khi khởi tố vụ án, lúc đầu, Cơ quan CSĐT chỉ khởi tố được bị can Trần Đức Chính (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính của Vinashin) và Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch HĐTV Vinashin). Bị can Chính khai nhận: Việc Vinashin gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank nhằm đem lại lãi suất tiền gửi và khoản chi chăm sóc khách hàng, ngoài lãi suất (gọi là lãi ngoài) là chủ trương, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch HĐTV) và Trương Văn Tuyến (Tổng giám đốc Vinashin). Phạm Thanh Sơn (Phó Tổng giám đốc) và bản thân bị can Chính cũng nhận thức rõ và đồng thuận thực hiện chủ trương này.

Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Chính đã nhận hơn 105 tỉ đồng tiền lãi ngoài từ Oceanbank. Sau khi nhận tiền, Sự giao cho Chính tiếp nhận, quản lý, không đưa vào hạch toán sổ sách của Vinashin. Sự, Tuyến, Sơn và Chính đã có cuộc họp thống nhất chủ trương sử dụng số tiền lãi ngoài vào công việc của Vinashin và riêng từng cá nhân theo chỉ đạo của Tuyến và Sự (trong đó Chính đã đưa cho Sự nhiều lần, tổng cộng 50,5 tỉ đồng, Tuyến 15 tỉ đồng, Sơn 7,5 tỉ đồng, Chính giữ lại cho mình 10 tỉ đồng). Toàn bộ quá trình nhận và chi tiêu số tiền hơn 105 tỉ đồng này, Chính đều cập nhật vào một file (tập tin) riêng theo dõi để báo cáo Sự, nhưng sau đó đã xóa sạch theo chỉ đạo của Sự.

Tuy nhiên, cả Sự, Tuyến và Sơn đều không thừa nhận có việc nhận tiền lãi ngoài và chi tiền như lời khai của Chính. 

KSV đã phối hợp với ĐTV tiến hành xác minh, lấy lời khai của nhiều đối tượng liên quan là cán bộ phòng, ban của Vinashin; cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Oceanbank, trong đó có Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, đang thụ án trong trại giam) để làm cơ sở đấu tranh với Sự. Với những bằng chứng thuyết phục, Sự đã phải thừa nhận việc gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank là chủ trương, đề nghị của Tuyến, Sơn, Chính và được sự đồng thuận của Sự. Việc chi tiền cá nhân là chủ trương khởi điểm từ Tuyến chỉ đạo Chính báo cáo Sự; khi Chính đến đưa tiền cho Sự thì có nói ngay sau đó sẽ đến đưa tiền cho Tuyến và Sơn.

leftcenterrightdel
Các bị các tại phiên tòa phúc thẩm vụ án vào tháng 10/2019.

Tuy vậy, Sự chỉ thừa nhận được Chính chia 8 tỉ đồng, còn không biết cụ thể Tuyến, Sơn và Chính được chia bao nhiêu. Sự khai nhận, trước khi Chính bị khởi tố, Sự đã gọi Sơn và Chính đến gặp để bàn phương án nộp trả lại tiền, khắc phục hậu quả nhưng chưa thống nhất được nên chưa thực hiện.

Tuy nhiên, Tuyến và Sơn không thừa nhận lời khai của Chính và Sự về nội dung thống nhất gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank có khoản chi lãi ngoài, Tuyến không chỉ đạo Chính dùng tiền lãi ngoài chia cá nhân, không có việc nhận 15 tỉ đồng do Chính đưa. Còn Sơn chỉ thừa nhận sau khi Tuyến nghỉ hưu đã ký một số hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank khi không có thẩm quyền, không được ủy quyền là sai, mà không thừa nhận việc họp thống nhất gửi tiền vào Oceanbank có khoản chi lãi ngoài, không nhận số tiền 7,5 tỉ đồng như lời khai của Chính.

KSV đã phối hợp với ĐTV triển khai hàng loạt hoạt động xác minh, như: thực nghiệm điều tra đối với Chính về nội dung, diễn biến cuộc họp 4 người bàn về việc gửi tiền, việc chi tiêu, sử dụng, chia hưởng số tiền chiếm đoạt cá nhân, việc đóng gói tiền để chuyển cho Sự, Tuyến, Sơn; củng cố lời khai của Sự; triệu tập làm việc đối với Tuyến và Sơn để đấu tranh, thuyết phục, động viên các đối tượng khai báo.

Mặc dù vậy, 2 đối tượng này vẫn ngoan cố, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tổng hợp tất cả những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, có đủ cơ sở để xác định vai trò đồng phạm của Tuyến và Sơn đối với hành vi phạm tội của Chính và Sự. Trên cơ sở đề xuất của tổ ĐTV và tổ KSV, ngày 6/12/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn về Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. 

Trực tiếp KSV cùng ĐTV tiếp tục xét hỏi, đấu tranh với hai bị can Chính, Sự, làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của hai bị can này; tiếp tục triệu tập lấy lời khai của các cá nhân có liên quan (như các cán bộ chủ chốt của Oceanbank; 10 lãnh đạo các phòng, ban các thời kỳ và một số nhân viên nhận tiền từ Ban Tài chính kế toán của Vinashin;…), khẳng định việc lãnh đạo Vinashin nhận tiền lãi ngoài và phê duyệt các khoản chi cho đối ngoại từ tiền lãi ngoài.

Tuy vậy, đến lúc này, Tuyến chỉ thừa nhận trực tiếp ký 2 hợp đồng và ủy quyền cho Chính, Sơn ký gửi tiền vào Oceanbank khi chưa được sự đồng ý của Chính phủ, song không biết rõ việc Oceanbank chi lãi ngoài cho Vinashin; chỉ nhận được tổng cộng 3,5 tỉ đồng và một số khoản chúc tết khác từ Chính sau khi đã nghỉ hưu. Còn Sơn vẫn không thừa nhận việc đồng ý chủ trương, nhận tiền chi lãi ngoài, nhưng thừa nhận được Chính đưa 1,2 tỉ đồng tại phòng làm việc.

Củng cố chứng cứ thu thập được, cơ quan tố tụng đi đến nhận định, mặc dù Tuyến và Sơn khai báo thiếu thành khẩn nhưng lời khai của Chính, Sự là khách quan, phù hợp với nhau; đủ căn cứ xác định: Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhưng 4 bị can trên đã thống nhất chủ trương và thực hiện gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank để hưởng lãi suất tiền gửi, đồng thời hưởng thêm khoản lãi ngoài. Quá trình thực hiện hợp đồng tiền gửi, lãnh đạo và nhân viên Oceanbank chi nhánh Thăng Long đã trực tiếp đưa tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho Trần Đức Chính hơn 105 tỉ đồng. Sau khi được sự đồng ý của Sự, Chính đã quản lý và sử dụng, phân chia số tiền cho 4 cá nhân như lời khai của bị can Chính. Tuyến và Sơn đều biết có tiền lãi ngoài và đồng ý quyết định sử dụng tiền lãi ngoài để chi cho hoạt động của Tập đoàn và cho cá nhân 4 đối tượng. Như vậy, hành vi của Tuyến và Sơn đồng phạm với Sự, Chính trong việc chiếm đoạt cá nhân số tiền hơn 105 tỉ đồng tiền lãi ngoài do Oceanbank chuyển cho Vinashin như nêu trên. 

Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang VKS để đề nghị truy tố, để bảo đảm việc truy tố có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, tổ KSV, trực tiếp là KSV Đặng Như Vĩnh đã tiến hành phúc cung các bị can một lần nữa. Sau khi hoàn thành việc phúc cung, KSV tổ chức họp giữa hai cơ quan tố tụng, đi đến nhận định: về tố tụng, quá trình điều tra vụ án đã thực hiện đúng quy định của BLTTHS năm 2015; Về nội dung, đủ căn cứ kết luận 4 bị can nêu trên phạm Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, số tiền hơn 105 tỉ đồng lãi ngoài của Oceanbank, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 355 BLHS.

Ngày 18/3/2019, VKSND tối cao đã ban hành Cáo trạng số 29/CTr-VKSTC-V3 truy tố 4 bị can ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử về Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 355 BLHS; đồng thời, phân công VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm. Kiểm sát viên Đặng Như Vĩnh được VKSND tối cao biệt phái xuống VKSND TP Hà Nội, làm thành viên của tổ công tố tại phiên tòa sơ thẩm vụ án. 

Phán quyết sơ thẩm chưa phù hợp pháp luật

Tại phiên tòa sơ thẩm, KSV Đặng Như Vĩnh là một trong 2 KSV chính trong tổ công tố đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử  tại phiên tòa. Trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sự 18 - 20 năm tù; Trương Văn Tuyến 7 - 8 năm tù, Phạm Thanh Sơn 8 - 9 năm tù, Trần Đức Chính 18 - 20 năm tù, cùng về Tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS khẳng định toàn bộ số tiền lãi ngoài hơn 105 tỉ đồng mà Vinashin nhận từ Oceanbank là khoản chi trái pháp luật, sau đó đã bị các bị cáo chiếm đoạt nên cần phải được thu hồi đủ để sung công quỹ, tương ứng với vai trò, mức độ sai phạm của từng bị cáo.

leftcenterrightdel
Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 6/2019. 

Sau khi nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên bố các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố, xử phạt các bị cáo: Nguyễn Ngọc Sự 13 năm tù, Trần Đức Chính 17 năm tù, Trương Văn Tuyến 7 năm tù và  Phạm Thanh Sơn 6 năm tù. Về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng và trách nhiệm cá nhân: Tiếp tục tạm giữ số tiền 14,285 tỉ đồng đã thu giữ của các bị cáo để hoàn trả cho Oceanbank; buộc bị cáo Chính phải tiếp tục truy nộp số tiền hơn 69 tỉ đồng; buộc các bị cáo liên đới truy nộp số tiền 22.583.600.000 đồng chia theo kỷ phần và vai trò của các bị cáo. Các khoản tiền truy nộp này được khấu trừ vào nghĩa vụ của Hà Văn Thắm phải trả cho Oceanbank theo quyết định của bản án hình sự phúc thẩm trước đó.

Phán quyết của Tòa sơ thẩm không đúng với quan điểm đề nghị của VKS về mức hình phạt đối với bị cáo Sự, về biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng và trách nhiệm cá nhân các bị cáo. Bởi, bị cáo Sự giữ vai trò đầu vụ nhưng chỉ phải chịu mức án 13 năm tù (thấp hơn mức án của bị cáo Chính), là quá nhẹ, chưa bảo đảm tính công bằng, chưa đáp ứng được công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm về tham nhũng trong tình hình hiện nay.

Việc buộc một mình bị cáo Trần Đức Chính chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền hơn 60 tỉ đồng cũng là khiên cưỡng, chưa phản ánh đúng bản chất vụ án. Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng, việc Tòa tuyên tạm giữ số tiền đã thu giữ của các bị cáo và buộc các bị cáo phải tiếp tục truy nộp số tiền còn thiếu để hoàn trả cho Oceanbank, được khấu trừ vào nghĩa vụ bồi hoàn của Hà Văn Thắm là không đúng quy định pháp luật, bởi số tiền hơn 105 tỉ đồng là khoản chi trái pháp luật, sau đó đã bị các bị cáo chiếm đoạt. Do đó, khoản tiền này phải được xác định là khoản tiền do phạm tội mà có, nên cần phải tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Kiên quyết bảo vệ quan điểm truy tố 

Sau phiên tòa sơ thẩm, tổ công tố đã báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKSND TP Hà Nội kháng nghị một phần bản án, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự và kháng nghị phần dân sự, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm tuyên cả 4 bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về số tiền hơn 105 tỉ đồng nhận lãi ngoài và phải tịch thu sung công quỹ số tiền này. Đề xuất của tổ công tố đã được lãnh đạo VKSND TP Hà Nội chấp nhận.

Sau khi VKSND TP Hà Nội có kháng nghị phúc thẩm và 3 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt (bị cáo Nguyễn Ngọc Sự không kháng cáo), vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án.

Xem xét toàn diện vụ án, Tòa cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS, tăng mức án đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự lên 16 năm tù (tăng 3 năm tù); bị cáo Trần Đức Chính được giảm án còn 15 năm tù, bị cáo Trương Văn Tuyến 6 năm tù; giữ nguyên mức án đối với bị cáo Phạm Thanh Sơn (6 năm tù).

Về phần dân sự, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng toàn bộ số tiền hơn 105 tỉ đồng lãi ngoài có nguồn gốc từ tiền Nhà nước cấp cho Vinashin tái cơ cấu, đã bị các bị cáo gửi trái phép vào Oceanbank. Do đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND TP Hà Nội, tuyên tịch thu và truy thu từ 4 bị cáo cho đủ 105 tỉ đồng để sung công.

Phán quyết của bản án phúc thẩm được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Còn Kiểm sát viên Đặng Như Vĩnh cũng như các thành viên của tổ công tố thì thở phào nhẹ nhõm, bởi đến nay, về cơ bản, vụ án đã được giải quyết thành công. Đây chính là động lực giúp các Kiểm sát viên tiếp tục toàn tâm, toàn ý cho những vụ án mới đầy thách thức ở phía trước.

Vụ án không có những chứng cứ trực tiếp quan trọng, do đã bị các đối tượng tiêu hủy hết; các bị can khai báo thiếu thành khẩn. Nhưng bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa KSV với ĐTV ngay từ khi khởi tố vụ án, kết hợp nhiều phương pháp đấu tranh, KSV liên tục đôn đốc hoạt động điều tra,…đã giúp quá trình điều tra và truy tố vụ án đúng thời hạn quy định, có cơ sở vững chắc, không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả cuối cùng, các bị cáo đã phải nhận mức án nghiêm khắc và chịu trách nhiệm dân sự theo bản án phúc thẩm, đúng như đề nghị của Viện Kiểm sát.


Thủy Nguyễn