Đó là những lời nhận xét của Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Xuân Hùng về chị Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng kiểm sát án dân sự, hành chính, VKSND tỉnh Bắc Giang.

Sinh ra ở Lai Châu, lớn lên trên mảnh đất “rừng cọ, đồi chè” Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiểm sát, chị về công tác tại VKSND tỉnh Hà Bắc năm 1990 (nay là VKSND tỉnh Bắc Giang). Gần 30 năm công tác tại đây, Bắc Giang đã trở thành quê hương thứ hai của chị.

Chị Nguyễn Thị Tuyết nhớ lại, khi được phân công về công tác tại VKSND tỉnh Hà Bắc, chị được giao thực hiện công tác kiểm sát chung. Sau khi VKSND không còn thực hiện chức năng kiểm sát chung, chị được phân công công tác tại Phòng kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Như cái duyên nghề nghiệp, chị gắn bó từ đó đến nay với công tác án dân sự…

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng kiểm sát án dân sự, hành chính, VKSND tỉnh Bắc Giang. 

Trách nhiệm và niềm đam mê 

Làm “nghề kiểm sát” ai cũng hiểu án dân sự thường phức tạp, nhiều vụ án kéo dài và để giải quyết thấu tình, đạt lý không hề đơn giản, đòi hỏi Kiểm sát viên không chỉ có nghiệp vụ vững chắc mà cần sự kiên trì, tâm huyết thì mới có thể gắn bó lâu dài. Với nữ Kiểm sát viên Nguyễn Thị Tuyết, án dân sự còn là trách nhiệm, là tình yêu, niềm đam mê với nghề, nên trước những vụ án khó chị thường trăn trở giải quyết làm sao cho đúng pháp luật, đảm bảo đúng quyền lợi hợp pháp của người dân. Trước những bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án không đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đều làm chị day dứt... Có lẽ vì vậy mà chị được đồng nghiệp coi là “chuyên gia” trong lĩnh vực án dân sự. 

Bắc Giang là tỉnh có sự phát triển khá nhanh về kinh tế trong vài năm gần đây, song đi kèm với đó là số vụ việc dân sự phát sinh cũng gia tăng. Cụ thể, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình xảy ra nhiều, số vụ án đã thụ lý tăng hơn so cùng kỳ năm trước, nhất là những vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp hôn nhân và gia đình, tranh chấp hợp đồng vay tài sản. 6 tháng đầu năm 2019, án dân sự sơ thẩm mới thụ lý là 2.771 vụ và 36 việc, so với cùng kỳ năm 2018 đã tăng 319 vụ, giảm 2 việc. Đáng nói là, số vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thụ lý mới là 55 vụ, tính chất phức tạp, trong khi đó, việc hòa giải ở cơ sở chưa hiệu quả, cũng như trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế. Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ, nhiều sai sót trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước thực tế đó, với trách nhiệm là người đứng đầu, Trưởng phòng Nguyễn Thị Tuyết cho biết, năm 2019, VKSND tỉnh xác định và thực hiện nội dung nhiệm vụ đột phá là “Thực hiện hiệu quả quyền yêu cầu và việc đề ra quan điểm giải quyết vụ việc dân sự”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đơn vị đề ra nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp như: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đầy đủ thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự, kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành tố tụng, việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; đặc biệt là quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ và việc bổ sung người tham gia tố tụng.

Khi Viện Kiểm sát nhận thấy chưa đầy đủ căn cứ để giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, khách quan thì phải kịp thời ban hành văn bản yêu cầu. Để đảm bảo văn bản yêu cầu có chất lượng, hiệu quả và được Tòa án chấp nhận, Lãnh đạo đơn vị phải kiểm tra, duyệt ý kiến chỉ đạo vào dự thảo văn bản yêu cầu đó.

Đối với án dân sự, mỗi Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung, nâng cao chất lượng bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp; đề ra quan điểm giải quyết vụ án đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo đơn vị phải duyệt ghi ý kiến vào dự thảo bản phát biểu trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/BCSĐ-VKS ngày 31/3/2017 của Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh.

Còn với bản thân chị Tuyết, là người có bề dày kinh nghiệm nhưng chị vẫn luôn  chủ động nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những văn bản pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực công tác... Do vậy, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao mà chị còn thường xuyên được lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang tin tưởng giao “chấp bút” những báo cáo chuyên đề hay những văn bản, tài liệu để tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nhằm nâng cao kỹ năng công tác cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Trong quá trình thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan Tòa án trong giải quyết các vụ án dân sự, chị luôn tận dụng thời gian nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, chủ động đề xuất, báo cáo lãnh đạo Viện hướng giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Lập hồ sơ kiểm sát đầy đủ đúng quy chế, soạn thảo bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa có chất lượng, đánh giá chứng cứ sát, đúng và có sức thuyết phục cao...

Vượt mọi khó khăn bằng sự tận tâm và bản lĩnh

Điều đáng trân trọng ở nữ Kiểm sát viên Nguyễn Thị Tuyết là chị luôn đấu tranh tìm ra lẽ phải, sự công bằng, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh. Điều này được thể hiện qua những quyết định kháng nghị, văn bản kiến nghị được chị dày công nghiên cứu để có những lập luận chặt chẽ, đầy sức thuyết phục. Chính vì vậy, các quyết định kháng nghị đều được Tòa án chấp nhận, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự...

Kể về một vụ án mà chị đã tham gia giải quyết từ năm 2017, chị cho biết, đây là vụ án khá phức tạp, liên quan đến nhiều quy định của pháp luật. Theo đó, Công ty Cổ phần bán đấu giá tài sản (BĐGTS) Miền Bắc thông báo việc bán đấu giá tài sản của Công ty P.T.N, ông Nguyễn Đông Anh đã đăng ký tham gia đấu giá và đã nộp cho Công ty cổ phần BĐGTS Miền Bắc số tiền đặt trước là 300.000.000 đồng.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Tuyết tham gia một phiên tòa dân sự. 

Khi Công ty cổ phần BĐGTS Miền Bắc tổ chức bán đấu giá tài sản, bà Lương Thị Tuyết là đại diện theo ủy quyền của ông Anh trả giá cao nhất với số tiền là 2.909.000.100 đồng. Ông Anh là người trúng đấu giá. Sau đó, Công ty cổ phần BĐGTS Miền Bắc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá với ông Anh do bà Tuyết là người đại diện theo ủy quyền ký hợp đồng. Trong hợp đồng có nội dung thỏa thuận thời hạn thanh toán tiền mua tài sản là 15 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, số tiền phải thanh toán là 2.609.000.100 đồng, sau khi đã trừ đi 300.000.000 đồng đặt trước. Hết thời hạn thanh toán, Công ty cổ phần BĐGTS Miền Bắc đã thông báo nhiều lần yêu cầu ông Anh nộp tiền, song ông vẫn chưa nộp tiền.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND thành phố Bắc Giang đã xử tuyên bố Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký giữa Công ty cổ phần BĐGTS Miền Bắc và bà Lương Thị Tuyết là đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Đông Anh là vô hiệu. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản và trả lại cho ông Nguyễn Đông Anh số tiền đặt trước 300.000.000 đồng. 

Qua xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Trưởng phòng Nguyễn Thị Tuyết nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có những vi phạm, thiếu sót như: Các bên đương sự đều có ý kiến đề nghị giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật, Tòa án đã giải quyết tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản giữa các bên là vô hiệu nhưng không xem xét, nhận định về mức độ lỗi của các bên dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu; không xem xét, nhận định hậu quả của hợp đồng vô hiệu để buộc bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại là giải quyết không hết các vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các bên có liên quan. Tòa án giải quyết trả lại cho ông Anh 300.000.000 đồng nhưng không tuyên buộc ai là người trả tiền cho ông Anh, không tuyên buộc bên phải trả lại tiền cho ông Anh phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với nghĩa vụ trả tiền là tuyên án không cụ thể, không đúng quy định. 

Ngoài ra, Tòa án đã giải quyết cho ông Anh được trả lại 300.000.000 đồng nhưng lại không tuyên nghĩa vụ của người phải thi hành án phải chịu, nếu chậm thi hành án: “Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định”. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Từ những căn cứ đó, VKSND tỉnh Bắc Giang đã kháng nghị toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm của TAND thành phố Bắc Giang. Đồng thời, đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, xử hủy Bản án dân sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Trước những viện dẫn có căn cứ đầy vững chắc, thuyết phục, thể hiện sự tinh thông pháp luật và tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, công tâm của Kiểm sát viên và VKS, Quyết định kháng nghị vụ án nêu trên đã được Tòa án cùng cấp chấp thuận.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, theo chị Nguyễn Thị Tuyết, đó là những vụ việc Tòa án đưa ra xét xử, Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Trong khi đó, số lượng biên chế cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện khâu công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình còn ít, chưa tương xứng với khối lượng công việc. Cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện khâu công tác này ở cấp huyện lại còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác. 

Hơn nữa, thời gian để nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia phiên tòa, rồi thời hạn để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm ngắn nên cũng gây khó khăn cho việc nghiên cứu, phát hiện vi phạm, việc đề ra quan điểm giải quyết, việc kháng nghị, nhất là trường hợp chưa có đầy đủ căn cứ kháng nghị cần phải thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, yêu cầu cung cấp chứng cứ... 

Khó khăn là vậy nhưng bản thân chị Nguyễn Thị Tuyết cùng các đồng nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, yêu ngành... Tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nắm chắc và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS theo quy định của Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật tố tụng dân sự, các văn bản pháp luật có liên quan, Quy chế của VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự.

Ghi nhận những đóng góp của Kiểm sát viên Nguyễn Thị Tuyết, nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Tuyết đã được tặng Bằng khen của lãnh đạo cấp trên và địa phương. Chị Tuyết chia sẻ, để có những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị may mắn được sự ủng hộ của gia đình, chồng và các con. Đó luôn là chỗ dựa vững chắc để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang.

Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Tuyết đã được VKSND tỉnh Bắc Giang cử tham gia cán bộ biệt phái theo yêu cầu của VKSND cấp cao tại Hà Nội để giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bằng những nỗ lực, sự tận tâm của mình, chị đã hoàn thành công tác biệt phái trước hạn nên vừa qua, chị Nguyễn Thị Tuyết đã được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Thanh Dịu