|
|
Nhiều năm qua, Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên đã có nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác. |
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên, đó là một người nhanh nhẹn, tự tin và luôn say mê với công việc. Cùng trò chuyện với chị trong phòng làm việc được bài trí đơn giản, ngoài những tập hồ sơ tài liệu đang được giải quyết, có khá nhiều sách chuyên ngành, có những cuốn sách được đánh dấu mục bằng các giấy màu khác nhau rất cẩn thận…
Chị Chuyên chia sẻ, Phù Ninh là huyện có tỉ lệ án hình sự tương đối cao trong tỉnh Phú Thọ, là Trưởng bộ phận hình sự, giúp lãnh đạo VKSND huyện Phù Ninh quản lý, điều hành bộ phận thực hành quyền công tố, kiểm sát tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Cũng như trực tiếp là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; theo dõi công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các lĩnh vực kiểm sát khác và xây dựng các báo cáo chuyên đề khi lãnh đạo Viện phân công. Với khối lượng công việc tương đối lớn, bản thân lại là nữ, hoàn cảnh gia đình bố mẹ ốm đau, thường xuyên phải nằm viện nên chị phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ...
Về cơ duyên đến với nghề kiểm sát, chị kể, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã yêu thích luật nên khi cha mẹ định hướng thi sư phạm, chị đã chọn thi Đại học Luật. Ra trường, chị làm luật sư tại một công ty luật. Đến năm 2010, khi Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ tổ chức tuyển dụng, chị tham gia dự thi, may mắn trúng tuyển... Ban đầu, chị chỉ hiểu làm kiểm sát là thực hiện vai trò công tố, nhưng khi vào Ngành chị mới hiểu được trách nhiệm to lớn của ngành Kiểm sát cũng như những vất vả, khó khăn, nhất là với nữ Kiểm sát viên làm lĩnh vực hình sự. Bởi phải luôn cùng với Cơ quan điều tra đi khám nghiệm hiện trường không kể ngày hay đêm, có những lúc phải tham gia khám nghiệm tử thi, cũng như phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động hỏi cung, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, thu giữ đồ vật, tài sản…
Hơn 10 năm gắn bó với ngành Kiểm sát, chị đã tham gia xử lý nhiều vụ việc đơn giản có, phức tạp có; mỗi vụ án đều giúp chị củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm giải quyết. Chị nhớ lại một vụ án về ma túy mà chị được phân công giải quyết năm 2020. Đây là vụ án khiến chị phải lăn lộn suốt 6 tháng trời - một vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đối tượng phạm tội về ma túy nên rất lươn lẹo, xảo quyệt, dùng thủ đoạn tinh vi. Ban đầu, đối tượng đã nhận tội nhưng sau đó phản cung…Vậy phải làm thế nào? đấu trí ra sao để đối tượng nhận tội?.. là những câu hỏi chị đặt ra. Cùng với sự quyết tâm và rất may được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện nên cuối cùng đối tượng đã phải nhận tội. Đó là những kỉ niệm khó quên “trong nghề” giúp chị thêm trưởng thành, thêm yêu nghề và say mê với lĩnh vực hình sự…
“Cây” sáng kiến của đơn vị
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên cho biết, trong quá trình thực hiện, chị đã có một số giải pháp, sáng kiến công tác phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị và địa phương.
|
|
Theo Viện trưởng VKSND huyện Phù Ninh Nguyễn Đình Duyệt, Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên luôn biết vận dụng tốt kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu lãnh đạo Viện giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả. |
Cụ thể, qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự trên địa bàn huyện Phù Ninh, nhận thấy, việc kiểm sát đối với công tác giáo dục, giám sát người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, nhất là đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị buộc phải thực hiện lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian chấp hành án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn luật định để nâng cao hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự nói chung, công tác kiểm sát thi hành án phạt cải tạo không giam giữ nói riêng. Đồng thời, nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 15/5/2018 của VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự” và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 18/06/2019 của VKSND tối cao về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự”, chị cùng đồng nghiệp đã thực hiện giải pháp “Nâng cao chất lượng kiểm sát công tác giám sát đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị buộc lao động phục vụ cộng đồng” bằng việc xây dựng “Bảng theo dõi chấm công đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị buộc lao động phục vụ cộng đồng”.
Với giải pháp này đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với những bị án bị buộc thực hiện công việc lao động phục vụ cộng đồng trên địa bàn huyện Phù Ninh. Nâng cao trách nhiệm của người giám sát, giáo dục người phải chấp hành án, việc đánh giá, nhận xét quá trình chấp hành án đối với bị án thực hiện nghiêm túc, hạn chế tình trạng nhận xét, đánh giá chung chung, sơ sài, mang tính hình thức. Bên cạnh đó, còn kịp thời phát hiện những bị án có thái độ chấp hành án chưa tốt để đề xuất những biện pháp giáo dục kịp thời, hạn chế tình trạng bị án vi phạm nghĩa vụ trong thời gian chấp hành án. Đồng thời, khẳng định vị thế của VKSND huyện Phù Ninh trong việc thực hiện giám sát các hoạt động tư pháp trên địa bàn huyện. Sáng kiến này đã được Hội đồng xét duyệt sáng kiến, giải pháp công tác VKSND tỉnh Phú Thọ công nhận giải pháp công tác.
Tiếp đó, để làm tốt hơn nữa công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, trong năm 2022, chị đã xây dựng giải pháp công tác “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đối với UBND xã, thị trấn trong việc phối hợp với gia đình người phải chấp hành án để quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện Phù Ninh”.
Đáng nói, sau gần một năm thực hiện, công tác thi hành án hình sự tại UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phù Ninh đã có những chuyển biến tích cực: So với năm 2021, trong năm 2022, số người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện Phù Ninh nói chung vi phạm nghĩa vụ về thời hạn nộp bản tự báo cáo, nhận xét hàng tháng cho cán bộ được giao giám sát, giáo dục là rất ít. Số người chấp hành án cải tạo không giam giữ thực hiện nghiêm việc khấu trừ thu nhập hàng đã tăng lên. Trong năm 2022, không có trường hợp nào người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ vắng mặt tại địa phương mà không xin phép UBND xã, thị trấn. Không có trường hợp nào UBND xã, thị trấn phải mở cuộc họp thực hiện việc kiểm điểm đối với người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ…Đặc biệt, giải pháp này không chỉ áp dụng trên địa bàn huyện Phù Ninh mà có thể áp dụng với các đơn vị cấp xã khác trên toàn quốc…
Nhận xét về Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên, Viện trưởng VKSND huyện Phù Ninh Nguyễn Đình Duyệt cho biết, không chỉ là người vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu lãnh đạo Viện giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chị còn luôn nêu cao tinh thần nghiên cứu văn bản tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Chị còn luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước; không ngại khó, ngại khổ, luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Góp phần vào việc hoàn thành, thậm chí nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch của bộ phận hình sự và đơn vị. Các kiến nghị tham mưu đều được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao, cơ quan khi nhận được kiến nghị đều đồng ý, tiếp thu, sửa chữa…
“Chúng tôi cũng đã xây dựng Kiểm sát viên Vương Thị Đàm Chuyên là một trong những gương điển hình tiên tiến của đơn vị. Việc xây dựng điển hình tiên tiến không chỉ là động lực để cá nhân phấn đấu mà còn tạo phong trào thi đua trong toàn đơn vị. Từ đó, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”- Viện trưởng Nguyễn Đình Duyệt cho biết thêm.