Một vụ án mà anh nhớ mãi, đó vụ giết người xảy ra tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, khi đó anh là Phó trưởng phòng Kiểm sát điều tra án Trị an - An ninh của VKSND tỉnh Hà Nam. Đây là vụ án không quá phức tạp, nhưng một số tình tiết thực tế và diễn biến của vụ án này lại đòi hỏi sự cố gắng và kinh nghiệm giải quyết nhất định. Đây là vụ án được anh báo cáo tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn Ngành năm 2000.

Cụ thể, vào khoảng 21 giờ ngày 10/5/1999, Lê Công Tuynh (SN 1973), Lê Hồng Tú (SN 1976) là 2 anh em con chú, con bác ruột, cùng Nguyễn Văn Khích (SN 1975) đều ở thôn Hàn Mạc, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chở nhau bằng xe đạp sang thôn Thượng Vì, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chơi. Trong khi dừng xe đạp ở giữa đường chờ bạn gái thì anh Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Thượng Vĩ) đi xe đạp va phải xe đạp của Lê Công Tuynh dẫn đến lời qua tiếng lại. Khi anh Thắng đạp xe đi thì Lê Công Tuynh và Lê Hồng Tú đạp xe đuổi theo. Anh Thắng dừng xe lại đôi co với Tuynh và Tú. Sau đó, anh Thắng gọi anh trai là Nguyễn Văn Mai ra để gây áp lực và đe dọa. Anh Mai chạy đuổi theo Tuynh và Tú tới cầu Châu Giang thì bị chém và gục tại chỗ, sau đó, anh Mai được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết hồi 22 giờ ngày 11/5/1999.

Nhận được tin báo tội phạm từ cơ quan CSĐT anh được phân công là Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Qua việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định: Hiện trường nơi xảy ra vụ án là một cầu xi măng cốt thép dài 75m, rộng 6m, 2 bên có lan can, trên mặt cầu có nhiều vết máu, nhân chứng xác nhận là nơi nạn nhân ngã. Ngay tại đó thu được một hòn đá trọng lượng khoảng 1,6kg; sát cầu có một lều thu phí xác định khi vụ án xảy ra có nhân viên thu vé cầu có mặt chứng kiến sự việc. Quanh lều có 2 bóng điện sáng và theo nhân viên này khai, trong khu vực lều bị mất một con dao phay chuôi gỗ, phần chuôi dài 7cm, phần lưỡi dài 15 - 18cm, bản rộng khoảng 6cm. Sau khi khám nghiệm hiện trường đã thu giữ hòn đá, còn không thấy dao.

Khi khám nghiệm tử thi Nguyễn Văn Mai, xác định: Nạn nhân chết do vết thương sọ não vùng trán trái; vỡ xương sọ, trán thái dương trái, đa vết thương phần mềm vùng lưng. Nhận định vết thương trán trái, chấn thương sọ não kín nhiều khả năng do vật tày nặng, cứng, có cạnh tạo ra. Ba vết thương rách vùng da lưng do vật sắc, mảnh nhẹ tạo ra.

Do hung khí là dao không thu được, các tài liệu thu thập ban đầu còn mâu thuẫn nhau…vì vậy, anh đã chủ động yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục củng cố các lời khai, truy tìm hung khí, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Công Tuynh để đấu tranh khai thác. Yêu cầu bác sĩ pháp y xem xét, mô tả tỉ mỉ các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân, đồng thời báo cáo diễn biến vụ án với đồng chí Trưởng phòng và lãnh đạo VKSND.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến đón nhận Bằng khen của Lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao tặng. Ảnh: PV 

Cùng ngày, VKSND tỉnh Hà Nam và Cơ quan CSĐT đã thống nhất việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Công Tuynh về tội Giết người theo Điều 104 BLHS để tiến hành điều tra xử lý. Ngày 12/5/1999, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Công Tuynh, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can Lê Công Tuynh về tội Giết người...

Trên cơ sở kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cũng như nghiên cứu các tài liệu ban đầu, anh Nguyễn Ngọc Tuyến nhận định và báo cáo đề xuất đồng chí Trưởng phòng họp bàn biện pháp phối hợp, tăng cường lực lượng kiểm sát điều tra. Sau khi tập thể Phòng nghe phân tích đánh giá và đi đến thống nhất nhận định: Vụ án xảy ra vào ban đêm với diễn biến rất nhanh. Trong một thời gian rất ngắn, một mình bị can Tuynh khó có thể và không cần thiết dùng 2 loại hung khí để tấn công nạn nhân trong khi thủ phạm dùng một loại hung khí cũng đủ hạ sát nạn nhân; phải có 2 thủ phạm phục sẵn tại cầu, cùng một lúc tấn công từ 2 phía nên nạn nhân không kịp đối phó…

Từ những nhận định đó, đồng chí Trưởng phòng đã tổng hợp báo cáo lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo bám sát quá trình điều tra và tăng cường Kiểm sát viên cùng tham gia kiểm sát điều tra. Quá trình đấu tranh xét hỏi bị can Lê Công Tuynh thì thấy bản thân Tuynh mặc dù nhận mình vừa dùng đá đập, dùng dao chém nạn nhân nhưng lại không mô tả được hung khí (hòn đá) mà y khai là đã sử dụng tấn công nạn nhân. 

Đồng thời, qua xác minh phát hiện có nhiều khả năng nhân chứng là nhân viên thu phí cầu bị gia đình, bạn bè đối tượng đe dọa, khống chế, cụ thể như: Có nhiều tên “đầu gấu” từ phía xã Hưng Công thường qua lại khu vực lều thu phí cầu Châu Giang dùng lời lẽ bóng gió dọa nạt các nhân chứng, khu vực nhà ở của nhân viên này có hiện tượng người lạ đột nhập làm mảng bèo tây của gia đình ở dưới sông bị phá nát, lợn chết... nên nhân chứng chưa mạnh dạn khai báo một cách đầy đủ những nội dung được chứng kiến.

“Vì vậy, sau khi kết hợp với chính quyền địa phương động viên, thuyết phục, nhân chứng đã mạnh dạn trình bày: Ngoài đối tượng Lê Công Tuynh, anh ta còn nhìn thấy một người có dáng người nhỏ, mặc áo lót ba lỗ màu vàng cùng tham gia tấn công nạn nhân. Kết hợp lời khai của nhân viên thu phí cầu và lời khai của một số nhân chứng khác, chúng tôi khẳng định đối tượng mặc áo lót màu vàng là Lê Hồng Tú và chính y là thủ phạm cùng với Lê Công Tuynh gây ra cái chết cho nạn nhân” - anh Tuyến kể lại.

Từ các tài liệu bổ sung, anh đã đề xuất lãnh đạo Phòng và lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra cho Lê Công Tuynh nhận dạng hung khí, thực nghiệm điều tra; khởi tố bị can đối với Lê Hồng Tú về tội Giết người, đồng thời bắt tạm giam, khám xét nhà ở đối với Tú nhằm thu giữ chiếc áo lót ba lô màu vàng để tiến hành điều tra xử lý. Trước những chứng cứ xác đáng và mang tính thuyết phục, ngày 12/6/1999 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Lê Hồng Tú về tội Giết người.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác của VKSND tỉnh Hà Nam. 

Ngày 20/6/1999, Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 2 bị can, trong đó có đối tượng Tuynh giữ vai trò chính với hành vi dùng đá đập vào đầu gây chấn thương sọ não là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân, còn đối tượng Tú cầm dao chém - giữ vai trò thứ yếu.

Là một Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, anh nhận thấy hồ sơ vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn mà Cơ quan điều tra chưa làm triệt để, các chứng cứ ban đầu và lời khai quanh co của bị can có nhiều khả năng Tuynh chỉ là vai trò phụ mà chính Tú mới quyết định cái chết cho nạn nhân. Từ nhận định đó, anh đã đề xuất và được lãnh đạo Viện nhất trí cho tiến hành tự bổ sung chứng cứ, phối hợp với Cơ quan điều tra để thực nghiệm điều tra.

Để bảo đảm cho công việc được thuận lợi, VKSND tỉnh Hà Nam đã thông báo cho chính quyền, đơn vị quản lý nhân chứng của vụ án đề ra biện pháp bảo vệ, phòng ngừa sự trả thù từ phía bị can gây ra. Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền, nhà trường giáo dục, thuyết phục đối với một số nhân chứng quan trọng. Kết hợp với biện pháp này, Kiểm sát viên đã cùng những đồng nghiệp đến tận nơi cư trú, làm việc, học tập của các nhân chứng để củng cố lời khai. Phối hợp thực nghiệm tại hiện trường về điều kiện ánh sáng. Qua đấu tranh với nhân chứng và thực nghiệm điều tra, xác định: người dùng đá phang vào đầu anh Mai quyết định cái chết của nạn nhân chính là Lê Hồng Tú. 

Anh Tuyến đã báo cáo với lãnh đạo Phòng và Lãnh đạo Viện, ngày 11/9/1999, VKSND tỉnh Hà Nam quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra và khẳng định đối tượng Tú là người giữ vai trò chính trực tiếp cầm đá đập vỡ đầu nạn nhân nên yêu cầu điều tra làm rõ. 

Ngày 18/10/1999, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung chuyển hồ sơ sang VKS nhưng trong bản kết luận điều tra vẫn giữ quan điểm cũ. Vì vậy, anh đã đề xuất tiếp tục củng cố chứng cứ và ngày 25/11/1999, VKSND tỉnh Hà Nam ra cáo trạng truy tố các bị can Tú, Tuynh về tội Giết người theo điểm g khoản 1 Điều 104 BLHS. Trong đó, kết luận bị can Tú cầm đá đập vào đầu nạn nhân, giữ vai trò chính, bị can Tuynh cầm dao chém nạn nhân đứng vị trí thứ 2.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm được mở 2 tháng sau đó. Tại phiên tòa, các bị can đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội phù hợp với các tình tiết mà VKS đã chỉ rõ trong bản cáo trạng. 

Anh Tuyến nhớ lại, sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo chống án. Ngày 26/5/2000, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã xét xử theo trình tự phúc thẩm, kết quả, Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với Lê Hồng Tú 18 năm tù và tuyên phạt Lê Công Tuynh 14 năm tù về tội Giết người…

Vụ án kết thúc, đó là niềm vui với anh và đồng nghiệp bởi những nhận định, những vất vả để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội đã thành công. Đây cũng là động lực để mỗi Kiểm sát viên hiểu rằng, nếu luôn vững vàng, hết mình, kiên trì theo đuổi vụ việc đến cùng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý chắc chắn sẽ thành công.

Anh Tuyến chia sẻ thêm, đối tượng tội phạm thường có bản chất ngoan cố và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, nhất là trong những vụ án có đồng phạm. Chính vì vậy, kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong quá trình điều tra, giải quyết án, nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên không có tinh thần đấu tranh kiên quyết bảo vệ chân lý, không khai thác triệt để những yếu tố xác định tội phạm được biểu hiện tập trung trong hàng loạt chứng cứ mà trong quá trình thao tác nghiệp vụ thu thập được sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm oan, sai trong giải quyết vụ án.

Minh Nhật