Trong vụ án giết người kinh hoàng xảy ra tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (năm 2012), nghi can 85 tuổi ra tay hạ sát chàng rể “hụt” bằng một nhát dao luôn giữ một lời khai đã học thuộc lòng: "Ai giết L., tôi không biết, không thấy và cũng không nghe nói". Có lần Điều tra viên (ĐTV) xuống ghi lời khai, nghi can cáo bệnh không làm việc. Thậm chí, có buổi đang làm việc với ĐTV, nghi can dùng nhiều chiêu trò để gây khó khăn cho công tác điều tra. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", nghi phạm "cứng đầu" này cũng đã phải cúi đầu nhận tội trước đòn tâm lý của một Kiểm sát viên thuộc Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm (Phòng 1) VKSND tỉnh Hậu Giang.

Án mạng kinh hoàng trên bàn nhậu

Gặp gỡ, trò chuyện với anh Lương Văn Tiến, Viện trưởng VKSND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, khi tôi hỏi anh về quá trình thực thi nhiệm vụ có kỷ niệm nào đáng nhớ trong những lần tham gia phá án, anh cười nói: "Thiếu gì! Kể có đến cả buổi cũng không hết ấy chứ!". 

Và quả thật, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Nhưng kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là khi giải quyết vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra cách đây đã khá lâu (từ năm 2012), thủ phạm là một ông lão đã 85 tuổi. Khi đó, anh đang là Kiểm sát viên Phòng 1 VKSND tỉnh Hậu Giang. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lương Văn Tiến công bố cáo trạng tại một phiên tòa hình sự trước đó. Ảnh tư liệu

Anh Tiến kể: vụ án lúc đầu tưởng như rất rõ ràng, đơn giản, nhưng càng về sau càng khiến các Điều tra viên, Kiểm sát viên "đau đầu", bởi nghi can liên tục thay đổi lời khai.

Theo hồ sơ vụ án, ông Mai Văn Phó (SN 1927, ngụ tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ (nay là phường Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có 12 người con. Người con lớn nhất đã ở tuổi 63, con út 38 tuổi. Các con ông đều trưởng thành và ra ở riêng, chỉ còn ông đã 85 tuổi, sống trong ngôi nhà cũ tồi tàn, thuộc xã Long Bình. 

Ngày 4/6/2012, tại nhà ông Phó có tổ chức bữa nhậu, những người tham gia gồm: Út Th. (SN 1967, con trai ông Phó), anh Dương Việt S. ( SN 1974, ngụ ấp Bình Trung, phường Long Bình) và anh Huỳnh Văn L. (SN 1960, ngụ ấp Bình Lợi, xã Long Bình). Cuộc nhậu diễn ra từ lúc 6h30' sáng nhưng đến gần 14h cùng ngày vẫn chưa tàn cuộc. 

Sau đó, do cha con cự cãi nhau nên Út Th. đứng dậy bỏ đi, thấy thế, Dương Việt S. cũng đứng dậy đi luôn. Bên mâm lúc này chỉ còn ông Phó và anh L. ngồi uống với nhau. Uống được một lúc thì giữa hai người này lại xảy ra chuyện cãi cọ, to tiếng. 

Ít phút sau, có tiếng bát đĩa rơi loảng xoảng và tiếng người hô to: "Tao cắt cổ, nó chết rồi!". Chị S. là con gái ông Phó, nhà gần đó nghe tiếng vội chạy sang thì thấy anh L. cổ họng đã bị đứt lìa, nằm gục trên vũng máu. Còn ông Phó ngồi trên bộ ván, bên cạnh có một con dao yếm còn dính máu tươi. 

Hoảng hồn, chị S. liền tri hô hàng xóm chạy sang cứu giúp. Nhưng khi mọi người tới nơi thì phát hiện anh L. đã tắt thở nên không đưa đi bệnh viện cấp cứu nữa. Mai Văn Phó là nghi can số một, bị bắt tạm giữ ngay lúc đó. 

Vụ án tưởng chừng như rất đơn giản, thậm chí có ý kiến còn cho rằng cần đưa lên thành án điểm để điều tra, truy tố xét xử nhanh, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lương Văn Tiến (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng 50 năm ngày thành lập ngành KSND (năm 2010). 

Tuy nhiên, sau khi nghi can bị dẫn giải về Trại tạm giam – Công an tỉnh Hậu Giang, mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại, bởi thái độ bất hợp tác của nghi can này. Do biết hiện trường khi vụ án xảy ra chỉ có mình và nạn nhân, không còn ai khác chứng kiến sự việc nên ông Phó đã chối bỏ tất cả hành vi phạm tội của mình.

Trước sau, ông chỉ có một lời khai thuộc lòng: "Do nhậu xỉn quá nên tôi ngủ luôn, không biết việc gì xảy ra. Đến khi nghe tiếng ồn ào mới thức dậy thì đã thấy L. nằm ở đó. Ai giết L., tôi không biết, không thấy và cũng không nghe nói". 

Chính sách "ba không" được Phó áp dụng trong suốt quá trình làm việc với các ĐTV. Có những lần, ĐTV đang tiến hành ghi lời khai, Phó còn giả đò té xỉu, ngã lăn ra đất, bảo không đủ sức khỏe để làm việc, hẹn lại vào ngày hôm sau. Liên tiếp các lần sau đó, chiêu trò này đã được nghi can 85 tuổi lặp đi lặp lại. 

"Vỏ quýt dày" gặp "móng tay nhọn"

Anh Lương Văn Tiến kể: Sau khi nghe Cơ quan điều tra (CQĐT) báo cáo những khó khăn trong việc đấu tranh với bị can và đề nghị Viện kiểm sát hỗ trợ việc hỏi cung, anh suy nghĩ rất nhiều. Là người tham gia ngay từ đầu khi vụ án xảy ra, anh Tiến có niềm tin nội tâm rằng, kẻ phạm tội và ông Phó chỉ là một chứ không thể có người thứ hai. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lương Văn Tiến cùng tập thể Phòng 1, VKSND tỉnh Hậu Giang nghe Điều tra viên Cơ quan điều tra báo cáo tiến độ điều tra vụ án. 

Vết cắt trên cổ nạn nhân rất dứt khoát, bằng chằn chặn, chứng tỏ kẻ phạm tội phải là người rất thạo tay dao... 

Nhưng để bị can "tâm phục, khẩu phục", tự mình khai ra hành vi phạm tội là điều rất khó khăn lúc này. Bởi vậy, anh Tiến đã yêu cầu CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ để trực tiếp nghiên cứu, tìm phương cách đấu tranh với can phạm.

Qua đọc hồ sơ, nghiên cứu các chứng cứ liên quan, anh Tiến phát hiện giữa anh L. và Phó có sự liên hệ rất đặc biệt. Trước đây, anh L. từng yêu cô X., con gái của Phó nhưng do gia đình ngăn cản nên hai người đã không thể đến được với nhau.

Sau đó, do mắc bệnh hiểm nghèo, cô X. đã qua đời ở tuổi 22 và từ đó, anh L. cũng ở vậy, không lấy vợ. Anh L. rất hay xuống nhà Phó chơi và ngược lại, Phó cũng coi anh như con cái trong gia đình. Vậy động cơ nào đã dẫn đến việc Phó xuống tay "hạ độc thủ" đối với chàng rể “hụt” như thế? Kiểm sát viên (KSV) Lương Văn Tiến suy nghĩ và âm thầm lên kế hoạch tìm cho được lời giải đáp của câu hỏi này.

Sau một vài lần ghi lời khai rất bài bản ban đầu, các lần sau đó, việc ghi chép của KSV Lương Văn Tiến ít dần đi. Thậm chí, có hôm vào hỏi, làm xong các thủ tục cần thiết, KSV chỉ loanh quanh ghi vài dòng tản mạn không liên quan nhiều đến nội dung vụ việc, xong đưa bị can ký biên bản. Rồi khi đã xếp giấy bút vào cặp, KSV mới chủ động trò chuyện cởi mở với bị can. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lương Văn Tiến (bên phải) tại Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân (năm 2013).  

Qua câu chuyện với bị can, KSV Lương Văn Tiến biết được, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phó từng có công nuôi giấu các chiến sĩ bộ đội giải phóng, khi các anh về làm nhiệm vụ bám, đánh địch tại quê hương ông. Thời trai trẻ, bản thân Phó là một thanh niên ngang tàng, giao du rộng rãi. Phó làm nghề giết mổ có "thâm niên" ở địa phương. Với Phó, việc làm thịt một con chó, một con lợn chẳng khác gì làm thịt một con gà vậy. Phó khoe rằng, thời kỳ tiếp xúc với bộ đội về bám trụ ở quê mình, Phó cũng từng gặp rất nhiều người miền Bắc như anh Tiến. Rồi Phó ca ngợi bộ đội hết lời, bảo người Bắc cần cù chịu khó, biết chế biến các món ăn rất ngon và học được ở họ rất nhiều thứ...

Từ những thông tin này, đã giúp KSV định hình tính cách con người bị can, từ đó chủ động tìm cách tiếp cận nhiều hơn với bị can, chủ động khơi gợi và đánh thức lòng tự trọng trong con người bị can. Anh bảo: “Giang hồ, dám làm dám chịu! Làm rồi lại chối bỏ thì người ta còn coi mình ra gì!” Cái cách vừa cười vừa nói của KSV khiến bị can 85 tuổi gãi đầu, gãi tai... 

Kiểm sát viên Lương Văn Tiến không ngờ trò "khích tướng" của mình đã phát huy tác dụng. Chỉ sau hai buổi thay đổi chiến thuật, bị can Phó đã tuồn tuột khai ra việc hạ sát người con rể “hụt" ra sao. Thì ra, sau khi Út Th. và Dương Tiến S. bỏ đi một lúc, do đã có hơi men trong người, L. lại lôi chuyện cũ ra nói, bảo vì ông mà anh và cô X. mới không thể nên duyên chồng vợ. Trong lúc cao trào, L. đã có những câu nói nặng nề, xúc phạm, khiến cho Phó nổi cáu. Vậy là, chuyện cãi cọ, to tiếng giữa hai "đệ tử Lưu Linh" lại tiếp diễn. Trong khi cự cãi, anh L. có khua tay múa chân, đánh trúng vào mặt Phó một cái rất mạnh. 

Đánh xong, L. vẫn ngồi đó uống tiếp, khiến Phó vô cùng tức giận nhưng không phản ứng ra mặt mà lẳng lặng đi xuống bếp lấy con dao yếm sắc lẹm, giấu kín sau lưng lên ngồi cạnh L. Đợi lúc L. cầm ly rượu ngửa cổ uống, Phó mới áp sát, một tay quàng cổ, một tay rút dao và xoẹt một cái... khiến anh L. gục xuống chết tại chỗ...

Ngay sau khi Phó khai nhận hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra đã tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường vụ án, diễn biến đúng như những gì Mai Văn Phó đã khai. Việc giải quyết vụ án sau đó diễn ra thuận lợi.

Để xử lý những tình huống khó khăn trong giải quyết án mà vụ án nêu trên là một ví dụ, KSV Lương Văn Tiến cho rằng, người cán bộ Kiểm sát ngoài kiến thức pháp lý vững vàng, cần phải hiểu và biết nắm bắt tâm lý tội phạm. Làm được như vậy thì phần thắng nắm chắc được đến chín mươi phần trăm. 

Nam Hồng