Thêm một mùa Xuân nữa về đó anh
Em thêm một năm làm nghề Kiểm sát
Tóc lấm tấm điểm thêm nhiều sợi bạc
Tình yêu nghề lớn mãi với thời gian
Dù công việc dẫu có gian nan
Nhưng Em yêu nghề như yêu gia đình mình vậy…

Những bận rộn của cuộc sống và công việc làm án hàng ngày cứ như vòng xoáy mãi trôi, khi chợt lắng lại và suy nghĩ về chặng đường mình đã  qua, trong tôi khó thể quên về một vụ án hình sự: Bị cáo Nguyễn Thùy D phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án khép lại, bị cáo đã thụ hình án nhưng kỷ niệm về quá trình giải quyết vụ án sẽ theo tôi suốt cuộc đời:

Tháng 9 năm 2000, Nguyễn Thùy D nói với anh Bùi Xuân H là mình có khả năng xin cho người khác vào làm việc tại Công ty Công viên Thống Nhất với mức chi phí là 6.000.000 đồng/người. Anh H  tin là thật nên nói với bạn bè và đưa cho D 14 bộ hồ sơ cùng số tiền 51.000.000 đồng để D xin việc làm. Nhận hồ sơ từ anh H, D  hứa sau 3 tháng sẽ có kết quả.  Nhưng sau đó, D đã không xin được việc cho ai và cũng không trả lại tiền cho anh H. Ngày 4/6/2001, anh H trình báo vụ việc đến Công an phường Lê Đại Hành. Ngày 18/7/2001, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Sau khi bị khởi tố, D bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã. Ngày 20/04/2017, Nguyễn Thùy D bị bắt. 

leftcenterrightdel
Tác giả chụp ảnh cùng Tổ Diễn án Lớp Đào tạo kiểm sát - K28, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 

Quá trình kiểm sát điều tra, D lúc nhận tội, lúc không. Trong khi đó, vật chứng của vụ án là 14 bộ hồ sơ xin việc cùng với Giấy nhận tiền đã thu giữ của D thì bị cơ quan công an làm thất lạc, càng khiến cho việc đấu tranh với tội phạm gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, tôi là một Kiểm sát viên trẻ mới được bổ nhiệm, được phân công kiểm sát điều tra và xét xử vụ án nên có phần cảm thấy lúng túng và lo lắng.

Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của đồng nghiệp cùng sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân quận nơi công tác, với trách nhiệm, sự thận trọng của một Kiểm sát viên, vận dụng những kiến thức nghiệp vụ cụ thể, tôi đã nắm bắt được những góc khuất trong sâu thẳm con người D để đấu tranh và xem xét giải quyết một cách thấu tình, đạt lý. Cuối cùng, D đã nhận tội và thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Ngày mở phiên tòa xét xử (26/7/2017), cũng là ngày thành lập ngành Kiểm sát. Những tưởng rằng phiên tòa sẽ diễn ra nhanh chóng nhưng tại phiên tòa, bị hại phát sinh yêu cầu đề nghị HĐXX buộc Nguyễn Thùy D phải bồi thường số tiền 200 triệu đồng.

Bị hại nói: “Tôi không cần D phải đi tù, tôi không cần D phải xin lỗi. Điều tôi cần D là, trả lại tiền cho tôi, trả lại thửa đất mà tôi đã bán. Miếng đất đó mẹ tôi đã dành cả cuộc đời cho tôi trước khi chết…”.

Gương mặt tiều tụy vì căn bệnh ung thư, lời trình bày nức nở vì phải bán đất để trả tiền cho những người xin việc, giọt nước mắt lăn dài trên má bị hại khiến HĐXX bối rối.

Lúc này, kỹ năng hòa giải trong những vụ án dân sự, những kiến thức được học và những kinh nghiệm đã được các anh, chị chỉ bảo, tôi kết hợp đưa vào nhuần nhuyễn để giải quyết vụ án này. Sau 45 phút phân tích về những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo, giải thích cho bị hại hiểu rằng, yêu cầu bồi thường là hoàn toàn hợp pháp nhưng nếu như bị hại không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh thì yêu cầu đó sẽ không được HĐXX chấp nhận…

Sau những phân tích của HĐXX, của Kiểm sát viên, bị cáo cũng bật khóc, quay sang chắp tay và nói với bị hại: “Hãy tha thứ cho tôi! Tôi xin lỗi, thành thật xin lỗi anh vì đã gây ra sự việc này. Những gì tôi đã gây ra là không thể nào đếm được. Hãy cho tôi một cơ hội nữa, hãy đợi tôi thụ hình án về tôi sẽ bù đắp lại những gì mà anh đã mất…”.

Phiên tòa kết thúc. Kết quả bị hại và bị cáo thỏa thuận số tiền bồi thường thiệt hại 80 triệu đồng. Bị cáo D bị tuyên xử 30 tháng tù theo điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS.
Trở về cơ quan, với tâm trạng thanh thản vì đã hoàn thành xong nhiệm vụ, niềm vui đó được nhân lên vào đúng ngày thành lập ngành.

Điều bất ngờ với tôi hơn, vào buổi chiều cuối năm, trời cuối Đông gió lạnh, có tiếng gõ cửa phòng tiếp dân nơi tôi làm việc. Tôi mở cửa, trước mặt tôi là một người phụ nữ cầm trên tay một bó hoa hồng. Không ai khác đó là bị cáo Nguyễn Thùy D trong vụ án mà tôi từng tham gia xét xử. Thoáng chút ngạc nhiên. Nhưng không quá lâu để tôi phải suy nghĩ, D nói:

“Cảm ơn chị - Kiểm sát viên! Hãy cho em được gọi là chị, chị nhé! Em cảm ơn chị đã phân tích và đề nghị Tòa án xử mức án nhẹ nhất đối với em. Bó hoa này tự tay em chọn và tự tay em kết. Em dành tặng riêng cho chị trước khi em đi thụ hình án. Chị hãy yên tâm, những gì chị phân tích em đều ghi nhớ. Và một điều chắc chắn rằng, khi em trở về, người đầu tiên em tìm là chị. Để chị biết rằng em đã làm lại cuộc đời và trở thành công dân tốt để chuộc lại những lỗi lầm em đã gây ra. Chị hãy giữ gìn sức khỏe nghe chị”. 

Nói xong, D đặt vội bó hoa trên bàn và chạy nhanh ra khỏi cửa. Tôi nhìn theo - một buổi chiều Đông lạnh mà trong tôi thấy thật ấm áp.

leftcenterrightdel
Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên của VKSND TP Hà Nội. 

Đã gần 3 năm trôi qua, tuy rằng, tôi không còn công tác ở VKSND quận Hai Bà Trưng nữa nhưng thời gian công tác tại đây đã cho tôi nhiều kỷ niệm: Những ngày làm việc thâu trưa, những bữa ăn vội vàng, những buổi đêm đi khám nghiệm hiện trường. Là phụ nữ, mỗi lần khám nghiệm tử thi về đêm không tránh khỏi nỗi sợ hãi, những ngày đầu mỗi khi vào ca trực khi nghe tiếng chuông điện thoại reo lên lúc nửa đêm khiến tôi giật mình, nhưng rồi cũng dần quen và trở nên quen thuộc. Tôi luôn nghĩ, hoàn thành nhiệm vụ được giao là đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào đơn vị.

Bạn bè của tôi thường bảo, làm nghề pháp luật như tôi là khô khan, cứng nhắc vì chỉ có lý lẽ và lý lẽ. Nhìn bề ngoài có lẽ là như vậy, nhưng trong mỗi vụ việc tôi đều cố gắng xem xét hài hòa cả cái tình và cái lý, bởi hơn ai hết, tôi hiểu rằng, có "thấu tình đạt lý" thì mới đủ sức thuyết phục, mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, và sự phòng ngừa, giáo dục đó mới có tính lâu dài, bền vững. Và cũng từ đây, tôi hiểu rằng làm nghề Kiểm sát phải có một "cái đầu lạnh" và một "trái tim nóng" để xử lý nghiêm minh những hành vi phạm tội nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và thương cảm với những mảnh đời lầm lỗi để các bị can, bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Năm 2018, tôi được điều động lên VKSND TP Hà Nội và là thành viên trong “ngôi nhà”  Phòng 9. Cho dù tôi không còn làm công tác kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố nữa nhưng những gì mà tôi đã được trải qua, là hành trang để tôi tiếp tục trong công việc mới của mình. Được làm chuyên sâu về nghiệp vụ, được lên lớp giảng cho các học viên tại Trường Đại học Kiểm sát đã khiến tôi học hỏi, trau dồi và cố gắng nhiều hơn. Đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong công việc. Niềm đam mê đó luôn sẽ được “tiếp lửa” đến các học viên - những đồng nghiệp của mình. 

leftcenterrightdel
Tập thể Phòng 9, VKSND TP Hà Nội. 

10 năm công tác trong Ngành không phải là quá dài nhưng những kinh nghiệm mà tôi học được thực sự quý báu, nó giúp tôi trưởng thành hơn. Và theo dòng chảy thời gian, tôi thấy mình ngày càng gắn bó hơn với màu áo thiên thanh, ve hàm đỏ cùng với hình ảnh thanh gươm lá chắn trên vai, luôn là hình ảnh sáng ngời chân lý để tôi càng thấy tự hào, vững bước trên con đường mình đã chọn và luôn hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng tin yêu của Lãnh đạo, của những thế hệ đàn anh đi trước.

Tôi nguyện khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”. Cùng lúc gánh vác cả nhiệm vụ xã hội và gia đình, song tôi luôn tự nhủ với bản thân, phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp để trở thành người cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm". 

Trong xử lý công việc, tôi luôn ghi nhớ 5 điều mà Bác Hồ đã dạy người cán bộ kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" để hình ảnh người cán bộ Kiểm sát thực sự là chỗ dựa tin cậy, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. 

Sắp đến ngày Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành (26/7/1960 - 26/7/2020), một ngày trọng đại đối với Ngành, với những gì tôi đã, đang làm hôm nay và sẽ làm ngày mai, dù là rất nhỏ bé trong sứ mệnh bảo vệ công lý nhưng tôi luôn tự hào về điều đó và coi đó như một phần cuộc sống của mình. 

Thay lời kết

Thật trùng hợp! Khi bài viết này vừa hoàn thành, tôi nhận được một cuộc điện thoại, không ai khác đó chính là D – người đã nói với tôi trước khi đi thụ hình án: “Khi em trở về, người đầu tiên em sẽ tìm đến là chị” và D đã không quên lời hứa ấy.

Tôi tin rằng, D sẽ trở thành người tốt. Lời hứa nhỏ bé với tôi, em không quên thì chắc chắn rằng lời hứa cho cuộc đời mình em sẽ luôn ghi nhớ. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến D vì em đã thắp lên trong tôi niềm đam mê với nghề Kiểm sát.

(Bài tham dự cuộc thi viết chân dung cán bộ Kiểm sát & bản lĩnh Kiểm sát viên)

Lê Thị Hồng Hạnh