Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại VKSND TP Huế. Năm 1998, chị được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tại Phú Vang, chị được phân công phụ trách khâu giải quyết án hình sự. Bộ phận giải quyết án hình sự lúc đó có tôi là Kiểm sát viên sơ cấp và một cán bộ mới vào Ngành.
Mỗi năm, đơn vị thụ lý việc bắt, tạm giữ, tạm giam trên 300 trường hợp, giải quyết từ 60 đến 70 vụ án hình sự (chưa kể án thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh).
Thời đó, các Lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, đề xuất, báo cáo, cáo trạng… đều phải viết tay. Do án nhiều nên chúng tôi làm việc rất vất vả. Thế nhưng, làm việc với chị, tôi nhận thấy, mọi việc đều được giải quyết trôi chảy và đạt hiệu quả cao.
Thời gian được làm việc cùng chị, tôi nhận thấy, chị là người có bản lĩnh, trung thực, thẳng thắn, xử lý vụ việc có tâm, có đức, có trách nhiệm, thấu tình, đạt lý, không bị khách quan chi phối, không lợi dụng chức vụ gây nhũng nhiễu, vụ lợi; chị luôn thực hiện mọi công việc đúng pháp luật.
|
|
Ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Bản lĩnh của chị được thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Trong giải quyết án hình sự, có thể kể ra một số vụ án như:
Vụ án Lê Văn Y phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Quá trình điều tra, chúng tôi có đủ căn cứ xác định việc khởi tố Y là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thế nhưng, do bị can có người anh họ làm việc tại một cơ quan cấp Bộ nên gia đình bị can nói với người này là Y bị khởi tố, bắt giam oan. Người này phản ánh lại với báo đài ở Trung ương đăng báo và phát trên đài với nội dung: “Ông T, trưởng Công an huyện Phú Vang được người dân gọi là “Cậu ông trời”. Ông thích làm gì, bắt ai cũng không ai dám lên tiếng. Nếu kiện ông cũng như cóc kiện trời. Vì thế mà ông ra Lệnh bắt giam oan Y. Ông Lê Đức Khanh, Kiểm sát viên và bà Hoàng Thị Thủy, Phó Viện trưởng VKSND huyện Phú Vang đã tiếp tay phê chuẩn lệnh bắt ông...”.
Sau khi nghe thông tin trên báo, đài, em gái tôi đang học ngoài Hà Nội và bố mẹ tôi ở quê lo lắng, điện vào Huế hỏi tôi: “Con làm việc như thế nào mà đài nói con và chị Thủy bắt oan người? Bố mẹ và các em rất lo…”.
Biết bố mẹ và các em lo cho tôi nên tôi đã bình tĩnh trả lời: “Bố mẹ cứ yên tâm, báo đài họ nói là việc của họ, con và chị Thủy làm đúng pháp luật, không có chuyện bắt oan ai đâu”. Bố tôi động viên: “Nhà ta ai cũng tin tưởng ở con”.
Khi đọc xong bài báo viết về tôi và chị Thủy bắt oan Y, tôi đề xuất Viện trưởng làm công văn phản hồi cho đài, báo và yêu cầu họ đăng đính chính, nhưng anh không đồng ý. Tôi hỏi chị Thủy, đài, báo nói như vậy, chị có nghĩ gì không? Chị bảo: “Họ nói là quyền của họ, mình làm đúng pháp luật, không có gì phải ngại cả”.
Sau đó, Đoàn đại biểu Quốc hội do bà Trương Thị Mỹ Hoa (Phó Chủ tịch nước) làm Trưởng đoàn về giám sát công tác ở huyện, sau khi nghe báo cáo về vụ án của Y, thấy việc khởi tố, điều tra của các cơ quan tố tụng là có căn cứ nên Đoàn không yêu cầu bổ sung gì. Sau đó, TAND huyện Phú Vang đã xét xử, tuyên bị cáo Lê Văn Y 3 năm tù. Y không kháng cáo.
|
|
Liên ngành Công an - VKSND - TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký kết "Quy chế phối hợp liên ngành trong đấu tranh phòng chống tội phạm". |
Vụ án Nguyễn Văn D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. D sinh ra và lớn lên ở xã Phú An, huyện Phú Vang. Sống ở vùng đầm phá, chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và trồng lúa, nhưng do quen biết một số cán bộ ở huyện và tỉnh nên D không làm đầm phá, lên thành phố kinh doanh khách sạn. D vay tiền của ngân hàng nông nghiệp huyện Phú Vang mua đất xây một khách sạn ngay bên đường Huế đi Thuận An, thuộc phường Vỹ Dạ, TP Huế.
Do biết nhiều người ở quê có nhu cầu vay tiền ngân hàng để kinh doanh và nuôi trồng thủy sản, D trực tiếp đến gặp họ bảo đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để D làm thủ tục vay hộ tiền cho. Tin tưởng và biết D quen với nhiều cán bộ ngân hàng, một số hộ đã đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhờ D làm hộ. Sau khi thế chấp Quyền sử dụng đất của 7 hộ cho ngân hàng, vay được hơn 200 triệu đồng, D không đưa tiền cho họ mà đem tiêu xài cá nhân. Có hộ nào hỏi, D đều nói là chưa vay được tiền.
Đến khi không thấy các hộ này trả nợ theo hợp đồng vay, ngân hàng về thu nợ và đòi niêm phong nhà thì các hộ đó mới vỡ ra là họ bị D lừa. Họ tìm D đòi tiền, D lẩn trốn không trả nên họ gửi đơn tố cáo đề nghị Công an huyện Phú Vang xử lý D.
Cơ quan điều tra xác định D phạm tội nhưng còn băn khoăn nếu khởi tố D thì sẽ đụng chạm đến một số người có chức, có quyền và chắc chắn họ sẽ can thiệp, giúp đỡ D. Do đó, anh Cường, Điều tra viên và anh Sinh, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra huyện đến Viện kiểm sát trao đổi trực tiếp với tôi và chị Thủy. Tôi và chị Thủy thống nhất đề nghị khởi tố vụ án, ra Lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với D về Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” để xử lý theo pháp luật.
Sau khi bắt D được 5 ngày, có hai người làm việc trên tỉnh đến gặp Viện trưởng và chị Thủy xin thay đổi biện pháp ngăn chặn cho D. Chị Thủy nói lại với tôi và hỏi: “Khanh thấy thế nào?”. Tôi trả lời là không được. Lý do D dựa vào việc quen biết nhiều người có chức quyền để vi phạm và coi thường pháp luật. Nếu thả ra, D sẽ càng coi thường pháp luật và có thể phạm tội nghiêm trọng hơn. Chị Thủy đồng ý và bảo: “Chị cũng nghĩ vậy, cứ tạm giam để điều tra”.
Khi kiểm tra Nhà tạm giữ Công an huyện, tôi cũng phân tích và nói rõ lý do không thả D để D hiểu. Tôi khuyên D, trong thời gian tạm giam suy nghĩ cho kỹ để sửa chữa thành con người tốt và sau này không vi phạm pháp luật nữa. Tôi nói cho D rõ, pháp luật là công bằng và nghiêm minh, không ai đứng trên pháp luật được, ai có tội phải chịu trách nhiệm, D đừng nghĩ quen biết ai đó, họ sẽ giúp mình thoát tội. Giờ thả D ra, D sẽ cho rằng, các cơ quan pháp luật sợ ai đó, sau này D phạm tội nặng hơn không ai cứu vãn nổi.
Khoảng một tháng sau, hai vị kia lại gặp Viện trưởng và chị Thủy xin cho D về. Tôi đề nghị chị Thủy cứ nói rõ lý do không thả D ra như tôi và chị đã thống nhất.
Sau này ra trại, D đến gặp tôi, cảm ơn tôi và chị Thủy vì không thả D ra D mới biết tội lỗi của mình để sửa chữa thành người tốt. D bảo: “Chú nói đúng, không ai đứng trên pháp luật cả, giờ cháu hứa về nhà sẽ tu chí làm ăn lương thiện”.
Từ đó đến nay, D về quê nuôi cá tôm đạt hiệu quả cao. Mỗi khi gặp tôi, D đều mời tôi đến nhà chơi. Tôi gật đầu cảm ơn và chúc D tiến bộ hơn nữa.
Vụ án Lê Viết T phạm tội: “Gây rối trật tự công cộng”. T sinh ra và lớn lên ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang. T sống với mẹ ở quê. Do theo bạn bè ăn chơi dẫn đến T vi phạm pháp luật, bị khởi tố và tạm giam 2 tháng về Tội: “Gây rối trật tự công cộng”.
|
|
Chị Hoàng Thị Thủy phát biểu tại một Hội nghị phối hợp liên ngành, lúc còn công tác. |
Ngày 27 Tết, Cơ quan điều tra chuyển vụ án của T sang Viện kiểm sát xử lý. Đến sáng ngày 29 Tết, tôi đang trực ở cơ quan thì có một phụ nữ đến xin gặp tôi và chị Thủy. Tôi hỏi: “Chị có việc gì”? Chị nói, T là em ruột chị, ba chị là liệt sỹ, chị lấy chồng ở xa, hiện còn mình mẹ chị hơn 65 tuổi, đang ốm nằm ở nhà, Tết không có ai chăm sóc mẹ và thắp hương cho ba nên chị xin bảo lãnh cho T về mấy ngày Tết để lo cho gia đình. Tôi điện báo chị Thủy đề xuất cho T tại ngoại. Chị Thủy bảo: “Nói chị ấy làm đơn về xã xác nhận, nếu đúng vậy thì thay đổi biện pháp ngăn chặn cho T về lo gia đình”.
Khoảng 8h30' ngày 30 Tết, chị của T cầm giấy xác nhận đến cơ quan gặp tôi. Qua giấy xác nhận và tôi gọi điện trực tiếp hỏi anh Đoàn (Chủ tịch xã) thì hoàn cảnh gia đình T đúng như chị của T trình bày nên tôi bảo chị yên tâm, chúng tôi sẽ cho T về.
Tôi dự thảo Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam cho T và đề xuất chị Thủy ký. Tôi hỏi chị Thủy: “Thả T ra lúc này, chị có ngại ai dị nghị và nghĩ mình có chuyện gì không”?. Chị đáp lại: “Mình làm đúng lương tâm và pháp luật, ai nghĩ gì mặc họ. Cho đối tượng về chăm sóc mẹ và hương khói cho ba cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Mình đừng làm gì trái lương tâm là được”.
Khi nhận lệnh hủy bỏ tạm giam, T rất bất ngờ. Tôi nói lý do cho T về và khuyên T hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của ba mình. T dạ và hứa sẽ làm như lời tôi dặn.
Sau Tết, ông Đoàn lên cơ quan tôi. Ông nói, mẹ T là vợ liệt sĩ, chị T là con liệt sỹ, còn T là con của lính ngụy. Vì lúc đó, chồng của mẹ T lên rừng hoạt động, cha của T cậy mình là lính ngụy nên ép mẹ T phải quan hệ với ông và sinh ra T. Nghe xong, chị Thủy nói với ông: “Dù T không phải con liệt sỹ, nhưng mẹ T là vợ liệt sỹ, nay T sống cùng và chăm sóc bà, do đó, việc cho T về cũng là thể hiện tính nhân đạo của chế độ ta ”.
Ngày xét xử, tôi đề xuất chị Thủy cho T hưởng án treo. Tòa án chấp nhận xử T 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Phiên tòa kết thúc, T và chị T lại cảm ơn tôi và chị Thủy và hứa sẽ sống tốt. Đến nay, T ở địa phương làm ăn lương thiện, gương mẫu trong cuộc sống.
Sau này, chị Thủy được luân chuyển bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND TP Huế, rồi Trưởng Phòng VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở cương vị nào, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Qua những câu chuyện trên, tôi muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp rằng, chị Thủy không chỉ là một Kiểm sát viên có bản lĩnh, còn là tấm gương điển hình để cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát học tập. Qua những việc làm đó, chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
(Bài tham gia cuộc thi viết “Chân dung cán bộ Kiểm sát & Bản lĩnh Kiểm sát viên”)