leftcenterrightdel
 Bức ảnh lưu niệm chụp cùng Viện trưởng Hoàng Quốc Việt và những học viên khóa 1 luôn được bà Lê Thị Mỵ trân trọng giữ gìn.

Dù đang mệt, nhưng biết tin chúng tôi về thăm, bà rất vui nên đã ra tận cổng đón. Căn nhà nhỏ, thoáng mát, sạch sẽ và tràn ngập cây xanh nơi làng quê yên tĩnh tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ như rộn ràng hơn bởi câu chuyện của bà, của gia đình truyền thống 3 thế hệ cùng công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân với chúng tôi…

Trước khi vào ngành Kiểm sát, bà Lê Thị Mỵ công tác ở xã, là Chủ tịch Hội phụ nữ. Đến năm 1965, có phong trào động viên đi học, lúc đầu, bà học thương nghiệp được 4 tháng nhưng thấy không phù hợp. Cuối năm 1965, đầu năm 1966,  bà chuyển sang công tác ngành Kiểm sát. Sau khi vào Ngành, bà được cử đi học lớp sơ cấp đầu tiên của ngành Kiểm sát, lớp học được tổ chức ngay tại trụ sở trước kia của VKSND tối cao ở số 44 Lý Thường Kiệt. Và tại lớp học này, bà đã vinh dự được gặp người Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân - đồng chí Hoàng Quốc Việt.

leftcenterrightdel
Niềm vui hạnh phúc bên gia đình của người Kiểm sát viên lão thành.

Tuổi già khiến bà nhớ không còn nhiều những kỉ niệm cũ nhưng hình ảnh người Viện trưởng ăn mặc giản dị, ân cần hỏi thăm từng học viên khóa 1 vẫn in đậm trong trí nhớ của bà, chẳng thể nào quên. Buổi gặp và trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng bà và các học viên đã được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt chia sẻ về nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát trong thời kỳ đất nước còn chia cắt đôi miền. Ông đặc biệt lưu ý: Cán bộ Kiểm sát cần phải đi sát cơ sở, dựa vào quần chúng để làm án và xử lý các vi phạm pháp luật, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cải tạo tác phong, tự bồi dưỡng cho mình những đức tính không thể thiếu được của người cán bộ Kiểm sát. Đồng thời, luôn quán triệt quan điểm vì dân đối với cán bộ Kiểm sát: “Ngành Kiểm sát của chúng ta là Viện kiểm sát của nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ nhân dân; Chúng ta muốn xét một người tốt hay là không tốt, trước hết phải xem thái độ của anh ta đối với nhân dân, đối với người lao động như thế nào”... Những lời nói của người Viện trưởng đã trở thành động lực để bà cố gắng học tập, rèn luyện và phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt quá trình công tác tại ngành Kiểm sát.

Khi mới vào Ngành, bà công tác tại VKSND TP. Việt Trì, đến năm 1979, bà chuyển về VKSND TP. Vĩnh Yên cùng gia đình. Thời điểm đó, VKSND TP  Vĩnh Yên chỉ có 3 người, một đồng chí Viện trưởng và 2 Kiểm sát viên. Hoàn cảnh gia đình khi đó rất vất vả, chồng là bộ đội phải xa nhà, các con thì còn nhỏ nhưng bà vẫn luôn hết mình vì công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngày ấy, phương tiện đi lại chỉ là xe đạp, đường sá đất đá ghồ ghề nhưng khi được lãnh đạo giao giải quyết các vụ việc phải đi xác minh tận thôn, xã, bà đều không nề hà. Bà nhớ có vụ án về tranh chấp tài sản, sau khi bà giải quyết xong, người dân đã đến cảm ơn bà nhưng bà từ chối, bởi bà luôn nhớ đến lời dặn của vị Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát, đó là: “Cán bộ Kiểm sát trước hết phải mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật, là người cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê, bất kể việc gì, từ việc nhỏ đến việc lớn cũng đều phải giải quyết đến nơi đến chốn, không để nhân dân kêu ca, than phiền”…

leftcenterrightdel
Tự hào ba thế hệ cùng công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Tiếp nối câu chuyện về mẹ, về gia đình, chị Lê Thị Ngọc Dung, hiện là Trưởng phòng 4, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) VKSND tối cao chia sẻ: Hình ảnh mẹ - người Kiểm sát viên uy nghiêm ngồi xét xử tại các phiên tòa hay khi cần mẫn nghiên cứu bên những trang hồ sơ đã in sâu vào tâm trí của chị mỗi khi được theo mẹ lên cơ quan, chờ mẹ làm việc. Ấn tượng và ngưỡng mộ mẹ nhiều lắm! Thế rồi từ đó, chị Dung luôn mong ước sẽ tiếp nối nghề của mẹ. Khi lớn lên, theo định hướng của mẹ, chị thi đỗ vào khóa 6 Cao đẳng Kiểm sát để thỏa ước mơ trở thành Kiểm sát viên như mẹ. Sau khi học xong, chị về công tác tại VKSND huyện Mê Linh. Đến năm 2004, chị về công tác tại VKSND thị xã Phúc Yên và được bổ nhiệm là Phó Viện trưởng. Tiếp đó, chị chuyển về VKSND tỉnh Vĩnh Phúc và đến năm 2014, chị chuyển công tác về Vụ 2, VKSND tối cao cho tới nay.

Chị Dung cho biết, quá trình công tác, chị luôn được mẹ hỗ trợ, chỉ bảo, hướng dẫn. Không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là những bài học về cách ứng xử, về những đức tính cần thiết của người cán bộ kiểm sát, vừa nghiêm túc, công tâm trong công việc, nhưng lại vô cùng thương dân, nhất là những người dân nghèo chẳng may dính vào lao lý hay kiện tụng, tranh chấp. Mẹ vẫn thường căn dặn: “Mỗi vụ việc không chỉ tìm hiểu qua hồ sơ mà cần phải hiểu được hoàn cảnh của họ, tìm hiểu vì sao họ phạm tội để ngoài việc xử đúng người, đúng tội còn có thể cảm hóa, giúp họ nhận biết được cái sai, cái đúng để hoàn lương…”.

Chuyên làm về lĩnh vực hình sự và thời nay, các vụ án phức tạp hơn rất nhiều, song những bài học từ mẹ, sự chia sẻ của mẹ- người đồng nghiệp luôn tận tình chỉ bảo đã giúp chị trưởng thành trong công tác, vững vàng về nghiệp vụ.  

Tình yêu nghề Kiểm sát được truyền từ mẹ sang chị, rồi duyên số chị cũng lấy chồng làm cùng nghề nên may mắn luôn được chồng hiểu và chia sẻ. Đó thực sự là điều hạnh phúc đối với bất cứ người phụ nữ nào. Và niềm vui, niềm hạnh phúc như nhân lên khi con gái là Đào Linh Trang cũng đã theo nghề của bà và cha mẹ.

Đào Linh Trang cho biết, sau khi học thạc sỹ ở nước ngoài về, ban đầu không có ý định vào ngành Kiểm sát, Trang làm việc cho một ngân hàng “top” đầu của Việt Nam. Song, Trang luôn hình tượng cha mẹ và thấu hiểu được tình yêu nghề của bố mẹ nên đến năm 2020, Trang đã thi đỗ vào ngành Kiểm sát và hiện công tác tại VKSND quận Ba Đình. Thời gian công tác tại Ngành chưa lâu, song cũng giúp Trang hiểu hơn về công việc của người Kiểm sát và biết rằng, lựa chọn của mình đã đúng. Tự hào về truyền thống gia đình nên bản thân Trang luôn cố gắng phấn đấu rèn luyện, trau dồi kiến thức để trở thành một Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”...

Trước khi chia tay chúng tôi, người Kiểm sát viên lão thành Lê Thị Mỵ chia sẻ, bà rất vui vì con gái, con rể rồi cháu gái đều làm trong ngành Kiểm sát. Công việc tuy vất vả, khó khăn nhưng nếu làm đúng, làm tốt sẽ giúp ích cho người dân, và nhất là góp phần nhỏ bé vào bảo vệ sự công bằng pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Thanh Dịu