Những khó khăn, vướng mắc quá trình lấy lời khai bị hại

Trước diễn biến phức tạp nạn buôn người, thời gian qua VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận, xác minh, điều tra và làm rõ nhiều vụ án mua bán người qua biên giới với thủ đoạn tinh vi. Trong đó, phải kể đến vụ án Nguyễn Văn Hiền cùng đồng phạm, phạm tội “Mua bán người”.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk công bố cáo trạng tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Văn Hiền và các đồng phạm, phạm tội “Mua bán người”.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 16/12/2021, Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn của 4 người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về việc con của họ gồm: P.V.M  (SN 1993), P.V.D (SN 1994), N.Q.H (SN 1994) và N.K.B (SN 1992) bị một đối tượng tên Hiếu lừa bán sang Campuchia.

Sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình những người bị hại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập các tài liệu chứng cứ. Đồng thời, thông báo cho VKSND tỉnh Đắk Lắk cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc giải quyết tin báo. 

Quá trình tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ tin báo, Kiểm sát viên nhận thấy có một số nội dung của tin báo cần được làm rõ.

Thứ nhất, những người bị hại đều không có mặt tại nơi cư trú và hiện đang bị quản thúc tại Campuchia (theo trình bày của gia đình). Do đó việc ghi lời khai trực tiếp những người bị hại nêu trên để làm rõ toàn bộ nội dung, diễn biến sự việc có đúng như nội dung đơn trình báo của gia đình hay không là không thể thực hiện được.

Thứ hai, những người bị hại đang bị quản thúc tại Campuchia nên việc yêu cầu người bị hại cung cấp trực tiếp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc gia đình có đơn trình báo là không thực hiện được.

Thứ ba, những người bị hại nêu trên thông qua gia đình làm đơn tố cáo bị mua bán gửi Công an tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, gia đình lại không cung cấp được các chứng cứ quan trọng để chứng minh cho việc tố cáo con em mình bị các đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Theo đó, gia đình chỉ cung cấp họ tên, nơi cư trú đối tượng rất chung chung nên việc xác định chính xác đối tượng gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ tư, quá trình xác minh, rà soát các đối tượng tình nghi nổi lên là Nguyễn Đặng Trung Hiếu (SN 2003, trú tại xã Ea Tiêu, huyện CưKuin, tỉnh Đắk Lắk) nhưng bước đầu không có tài liệu nào để khẳng định đây chính là đối tượng đã lừa bán người bị hại. Đồng thời, quá trình làm việc, Hiếu khẳng định không biết những người bị hại nêu trên và không thực hiện hành vi mua bán người.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Trước những thách thức đặt ra, Kiểm sát viên đã nỗ lực phối hợp với Cơ quan CSĐT lần theo các thông tin để tiến hành xác minh, điều tra. Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ tin báo, Kiểm sát viên nhận thấy các tài liệu ban đầu Cơ quan CSĐT đã thu thập được chưa đủ căn cứ để khẳng định đối tượng tình nghi Nguyễn Đặng Trung Hiếu thực hiện việc lừa bán 4 bị hại nói trên qua Campuchia. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Hiếu là mắt xích trong đường dây mua bán người.

Sáng kiến bất ngờ của Kiểm sát viên

Để có căn cứ giải quyết tin báo theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn cho những người bị hại, Kiểm sát viên đã báo cáo đề xuất với lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo Phòng 2, nội dung liên quan đến việc lấy lời khai trực tuyến những người bị hại, từ đó, có căn cứ, phương hướng xử lý tiếp theo. Tuy nhiên, việc thực hiện không hề đơn giản do những người bị hại bị quản thúc rất nghiêm ngặt nên không biết vào thời gian nào thì những người bị hại sẽ liên lạc về cho gia đình thông qua ứng dụng mạng xã hội.

Ngay khi nhận được báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên, lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo Phòng 2, thống nhất phương án và sau đó trao đổi với cơ quan CSĐT tiến hành ghi lời khai những người bị hại bằng phương pháp trực tuyến thông qua ứng dụng mạng xã hội có sự tham gia của gia đình người bị hại (người trình báo). Đồng thời, quá trình ghi lời khai những người bị hại phải được ghi âm, ghi hình và được lưu trong hồ sơ vụ án khi người bị hại chủ động liên lạc về gia đình.

Quá trình ghi lời khai trực tuyến, những người bị hại đã trình bày bị đối tượng Hiếu lừa bán sang Campuchia. Ngoài ra, những người bị hại còn cung cấp tên tài khoản mạng xã hội của đối tượng Hiếu và các nội dung cuộc nói chuyện, trao đổi trước, trong và sau khi qua bên Campuchia giữa những người bị hại với đối tượng Hiếu.

Để đảm bảo vững chắc hơn, Kiểm sát viên đã trao đổi với Điều tra viên cho những người bị hại xem hình ảnh của đối tượng Hiếu và người mà những người bị hại trình bày có phải cùng một người. Sau khi xem hình ảnh đối tượng Hiếu, những người bị hại đều xác định chính là một người.

Lúc này, những người bị hại đã cung cấp thêm hình ảnh đối tượng Hiếu đã chụp trước khi bị lừa bán sang Campuchia cho Cơ quan CSĐT.

Ngoài ra, những người bị hại còn trình bày thêm được một số đối tượng khác đón tại TP Buôn Ma Thuột sau đó đưa đến một địa điểm tại TP Hồ Chí Minh rồi mới đưa đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và vượt biên trái phép qua Campuchia. Khi qua tới nơi và làm việc được một thời gian trong các sòng bạc tại Campuchia, các bị hại mới phát hiện ra là mình bị lừa nên đã tranh thủ, lợi dụng sự lỏng lẻo của giới quản lý các sòng bạc để liên lạc về gia đình nhờ trình báo sự việc và nhờ cơ quan chức năng giải cứu.

Kinh nghiệm quý giá từ một vụ án

Từ kết quả làm việc được với những người bị hại thông qua lấy lời khai trực tuyến có ghi âm, ghi hình thì kết quả làm việc với đối tượng Hiếu cũng rất khả quan. Theo đó, lúc này đối tượng bắt đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng khai báo còn nhỏ giọt và chưa chịu khai báo thêm những đối tượng khác cùng tham gia thực hiện hành vi mua bán người với mình.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo Hiền, Hạnh, Hiếu và Ngàn tại phiên tòa.

Tuy nhiên, với những tài liệu mà những người bị hại cung cấp, Kiểm sát viên nhận định rằng, vụ án này không chỉ có một mình đối tượng Hiếu mà còn có nhiều đối tượng khác cùng tham gia vào việc mua bán người. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên cùng với Điều tra viên đã yêu cầu đối tượng truy cập vào tài khoản mạng xã hội đã sử dụng để liên hệ, trao đổi thông tin với những người bị hại.

Sau khi đối tượng truy cập vào tài khoản mạng xã hội này thì cơ quan chức năng phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Hiền (SN 1996, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có các nội dung trao đổi liên quan đến việc mua bán những người bị hại nên đã tiến hành triệu tập làm việc. Đồng thời, kết quả xác minh cũng cho thấy, Hiếu có nhận tiền từ đối tượng Hiền. 

Từ các chứng cứ thu thập được, các đối tượng Hiếu và Hiền đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đồng thời, khai báo còn có các đối tượng Trần Văn Ngàn (SN 2000, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) và Đỗ Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, trú tại tỉnh Đồng Nai) và một số đối tượng khác cùng tham gia thực hiện việc mua bán người.

Kết quả điều tra cho thấy, vào khoảng năm 2020, Hiền rời Việt Nam sang Campuchia và vào làm việc cho một số Công ty Game đánh bạc trực tuyến. Trong thời gian làm việc tại đây, Hiền nhận thấy những công ty này có nhu cầu cần tuyển người Việt Nam sang để làm việc. Qua tìm hiểu, thì Hiền biết thông tin nếu đưa được 1 người Việt Nam sang làm việc thì công ty sẽ trả tiền công từ 2.500 đến 3.000 USD (khoảng 46-75 triệu đồng tiền Việt Nam).

Do đó, Hiền đã thỏa thuận với hai đối tượng người Việt Nam, tên thường gọi là Thành, Sửu (chưa xác định được nhân thân, lai lịch), nếu Hiền tìm được người thì nhờ Thành, Sửu giúp đưa người vượt biên sang Campuchia và đưa vào các công ty để bán người.

Đến tháng 10/2021, Hiền từ Campuchia trở về Việt Nam và liên hệ, trao đổi với Hiếu và Ngàn về việc tìm người đưa sang Campuchia bán lấy tiền thì cả hai đồng ý. Theo đó, Hiền nói Hiếu và Ngàn, ai trực tiếp tìm được người sẽ nhận được 400 USD, người còn lại nhận được 100 USD.

Đến tháng 11/2021, Hiếu thông báo cho Hiền biết đã tìm được 4 người trú tại TP Buôn Ma Thuột. Sau khi có được thông tin của các bị hại, Hiền đã gửi thông tin cho Hạnh và Thành, Sửu để tổ chức đưa người sang Campuchia.

Sau đó, Thành trực tiếp liên hệ và đón 4 người tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đưa đến biên giới tỉnh Tây Ninh để vượt biên trái phép sang Campuchia. Khi đến lãnh thổ Campuchia, Sửu sẽ nhận và đưa các bị hại đến công ty làm việc do Hạnh đã liên hệ trước đó với một người tên Ana (chưa xác định được nhân thân lai lịch) để bán người.

Khi đưa được người vào công ty, Ana chuyển cho Hạnh số tiền 263,2 triệu đồng. Với số tiền này, Hạnh chuyển cho Sửu và Thành tổng số tiền 136,3 triệu đồng, chuyển cho Hiền số tiền 103,4 triệu đồng, Hạnh hưởng lợi số tiền 23,5 triệu đồng, Hiền hưởng lợi 52,4 triệu đồng, Hiếu 46 triệu đồng và Ngàn 5 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra, bị hại N.K.B và N.Q.H đã được giải cứu về địa phương. Trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố, ngày 15/9/2022 TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Hiền 14 năm tù; Đỗ Thị Mỹ Hạnh 13 năm tù; Nguyễn Đặng Trung Hiếu 12 năm tù và Trần Văn Ngàn 9 năm tù cùng về tội “Mua bán người”, theo quy định tại Điều 150 BLHS.

Qua vụ án nêu trên, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk cho hay, ngoài việc lấy lời khai trực tiếp thì việc lấy lời khai trực tuyến với những người bị hại không có mặt tại địa phương, bị mua bán đang ở nước ngoài là việc làm cần thiết để củng cố cũng như thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ khác từ đó xử lý vụ án một cách khách quan, toàn diện, đảm bảo đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội./.

Quang Hưng – Nguyễn Chính