Về đối tượng áp dụng, dự thảo TTLT nêu rõ, các cơ quan có thẩm quyền trong Quân đội và ngoài Quân đội gồm: Cơ quan điều tra của CAND, Cơ quan điều tra trong QĐND, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; VKSND các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp; TAND các cấp, Tòa án quân sự các cấp; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an.

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nguyên tắc phối hợp gồm: Tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.

Về việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, dự thảo TTLT quy định, cơ quan có thẩm quyền trong Quân đội và ngoài Quân đội có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm (tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện) theo thẩm quyền hoặc chuyển nguồn tin về tội phạm cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo vệ tội phạm, kiến nghị khởi tố; được sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/11/2021.

Đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và các cơ quan của CAND, các cơ quan khác trong QĐND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý của mình phát hiện, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm thực hiện quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm xác định không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì kịp thời thông báo, thực hiện chuyển hồ sơ, kèm tài liệu, đồ vật liên quan giải quyết nguồn tin về tội phạm theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; trong thời hạn 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp nhận phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Hội nghị do VKSND tối cao tổ chức.

Các trường hợp nguồn tin về tội phạm xảy ra được phát hiện trên tàu bay, tàu biển, khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận để giải quyết theo thẩm quyền. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi tiếp nhận, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát.

Đối với Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an và các cơ quan, tổ chức khác sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm là tố giác, tin báo về tội phạm thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017. Trường hợp sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra trong Quân đội, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo cáo cho Công an cấp huyện và thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra Quân đội có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.

Việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu kèm đối tượng, đồ vật, tài sản, phương tiện liên quan nguồn tin về tội phạm giữa các cơ quan có thẩm quyền do các cơ quan phối hợp, thống nhất về thời gian, địa điểm; trường hợp nếu không thống nhất được địa điểm thì việc chuyển giao được tiến hành tại cơ quan thụ lý, giải quyết ban đầu. Cơ quan thụ lý ban đầu có trách nhiệm thu thập tài liệu, thống kê hồ sơ, đồ vật, tài sản, phương tiện (nếu có) chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, đầy đủ. Về chi phí tố tụng, chi phí khác trong giai đoạn thụ lý, giải quyết ban đầu nguồn tin về tội phạm thực hiện theo quy định tại khoản 1, 4 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản pháp luật có liên quan. Cơ quan thụ lý, giải quyết ban đầu nguồn tin về tội phạm phải có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra đã tiếp nhận khi có yêu cầu hoặc đề nghị phối hợp.

Thời điểm để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm được tính từ khi Cơ quan có thẩm quyền đầu tiên phát hiện, tiếp nhận thụ lý.

Các trường hợp chuyển hồ sơ, kèm tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết ban đầu nguồn tin về tội phạm có trách nhiệm chuyển hồ sơ kiểm sát cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp nhận.

Về phối hợp trong giai đoạn thụ lý, quyết định việc truy tố, Điều 14 dự thảo TTLT quy định, trong giai đoạn truy tố, VKSND hoặc Viện kiểm sát quân sự khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện có thông tin tội phạm hoặc người phạm tội mới không liên quan vụ án đang giải quyết, thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra trong Quân đội hoặc ngoài Quân đội, thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có căn cứ xác định, Viện kiểm sát phải ban hành ngay văn bản yêu cầu, cùng hồ sơ, tài liệu có liên quan (bản chính hoặc bản sao y) chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong Quân đội hoặc ngoài Quân đội để xác minh, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để biết.

Trường hợp trong giai đoạn truy tố, VKSND xác định vụ án thuộc thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát quân sự thì VKSND trao đổi thông tin bằng văn bản thống nhất trước khi ban hành quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát quân sự có thẩm quyền để giải quyết. Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nhận vụ án, Viện kiểm sát quân sự nghiên cứu, xem xét, căn cứ chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án để quyết định việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc ban hành Cáo trạng, quyết định truy tố. Trường hợp vụ án được chuyển từ Viện kiểm sát quân sự đến VKSND thì thực hiện phối hợp như trên.

Các trường hợp chuyển vụ án giữa Viện kiểm sát quân sự và VKSND để truy tố theo thẩm quyền, trong thời hạn 5 ngày, kể từ khi kết thúc giải quyết vụ án trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát nhận vụ án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã chuyển vụ án về kết quả giải quyết vụ án trong giai đoạn truy tố để biết.

Xem toàn văn nội dung dự thảo Thông tư liên tịch tại đâythong-tu.pdf

P.V