Thời gian qua, việc đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo; nhiều đại án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, Đảng, Nhà nước, pháp luật cũng có những chính sách khoan hồng đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ để khuyến khích người phạm tội khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt của cơ quan, tổ chức. Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được ban hành là sự cụ thể hóa đường lối xử lý, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong xử lý đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai tại phiên Toà xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 được ban hành cho đến nay, việc áp dụng, quan điểm áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn tồn tại những luồng quan điểm khác nhau trong việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt đối với người phạm tội. Cụ thể như sau:

Điều 59 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự”;

Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này”;

Khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hoen của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”;

Như vậy, với quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự thì điều kiện để người phạm tội có thể được xem xét khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt phải đáp ứng cả hai điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự “phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và phải là người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.

Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ quy định “xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c,d khoản này”

Theo tác giả, việc quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 là chưa phù hợp với quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP quy định xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt khi người phạm tội có có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Về bản chất, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP quy định xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt khi người phạm tội thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 54 hoặc khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, Điều 59 Bộ luật Hình sự quy định người phạm tội phải đáp ứng cả hai điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự mới đủ điều kiện để xem xét miễn hình phạt.

Trên thực tế, xảy ra vụ án: A là người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại Viettel tỉnh B. Trong thời gian công tác tại Viettel tỉnh B, A đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng của Viettel tỉnh B, mà A có trách nhiệm quản lý số tiền trên. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng như Tòa án đã xác định hành vi của A phạm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Quá trình giải giải quyết vụ án, A thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; ngay sau khi bị phát hiện đã chủ động nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án. A được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, có quan điểm khác nhau trong việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt quy định tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 và Điều 59 Bộ luật Hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: A phạm tội “Tham ô tài sản” là tội phạm tham nhũng, A đã có 2 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, A đã chủ động nộp lại toàn bộ tài sản và khắc phục hậu quả vụ án; quá trình giải quyết vụ án, A thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình. A có đủ đièu kiện để xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù A có 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, chủ động nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt và khắc phục hậu quả vụ án, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nhưng không đủ điều kiện xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt do không thỏa mãn Điều 59 Bộ luật Hình sự do A không thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm nghiên cứu của cá nhân: Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự”. Do đó, việc xem xét, quyết định hình phạt đối với A phải tuân thủ quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự. A thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP nhưng không thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự do thiếu điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự. Do đó, quan điểm thứ hai cho rằng A không đủ điều kiện áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt là có căn cứ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Duy Linh trong phiên Toà xét xử vụ án đưa hối lộ 5 tỉ đồng. Ảnh TTXVN.

Ngoài ra, thực tế khi xử lý tội phạm tham nhũng xảy ra trường hợp vụ án không có đồng phạm, người phạm tội chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt và khắc phục hậu quả vụ án, có 02 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ngay từ đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không thuộc trường hợp được áp dụng Điều 59 Bộ luật Hình sự. Đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng chỉ được áp dụng trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật. Ví dụ A phạm tội theo khoản 3 Điều 353 BLHS, áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS thì chỉ quyết định hình phạt đối với A tại khoản 2 Điều 353 BLHS. Tuy nhiên, trường hợp của A có thể được miễn hình phạt theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP nhưng quy định giữa nghị quyết và Điều 59 BLHS còn mẫu thuẫn nhau nên không được áp dụng miễn hình phạt. Nhưng nếu áp dụng mức hình phạt tại khoản 2 Điều 353 BLHS thì lại không thể hiện được chính sách khoan hồng của pháp luật.

Do đó, đề nghị sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng bổ sung quy định xử lý đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ có thể được xem xét áp dụng hình phạt ở khung cơ bản của điều luật khi xử lý người phạm tội trong vụ án không có đồng phạm đã nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, thành khẩn khai báo, có 2 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội chưa thuộc trường hợp được miễn hình phạt nhưng không cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nặng, chỉ cần áp dụng hình phạt tại khung cơ bản của điều luật cũng đủ để giáo dục người phạm tội và đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chung đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Cơ Thạch- VKSQS Quân khu 2