Cụ thể tại Điều 56 Bộ luật Hình sự quy định:
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. “Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự để tham mưu cho Lãnh đạo và đề xuất quyết định hình phạt nghiên cứu Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015, thấy điều luật chỉ dự liệu về quyết định hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này hoặc khi đang chấp hành hình phạt thì lại phạm tội mới mà chưa quy định rõ về thẩm quyền tổng hợp hình phạt tù có thời hạn của nhiều bản án và chưa bao quát được các trường hợp xảy ra trong thực tiễn.
Do vậy, khi xét xử sẽ gặp trường hợp có nhiều quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn H. đang phải chấp hành hình phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 của Tòa án huyện CC, tỉnh C, trước đó Nguyễn Văn H. đã thực hiện hành vi phạm tội về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, hiện nay Tòa án huyện TĐ, tỉnh T đang chuẩn bị xét xử, có mức hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm tù.
Ý kiến 1: Cho rằng Tòa án nhân dân huyện TĐ, tỉnh T vẫn tiến hành xét xử đối với Nguyễn Văn H. về tội “Trộm cắp tài sản”, sau đó quyết định hình phạt nhưng không tổng hợp với hình phạt 02 năm tù của tội “Trộm cắp tài sản” của Tòa án huyện CC, tỉnh C. Nếu bản án có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm xét xử rồi quyết định hình phạt sau cùng. Còn nếu bản án có hiệu lực pháp luật thì Chánh án Tòa án huyện TĐ đề nghị Chánh án tòa án cấp trên tức là Tòa án tỉnh T. tổng hợp hình phạt và ra quyết định thi hành án.
Ý kiến 2: Trường hợp này hiện nay Tòa áp dụng Thông tư liên tịch số 02/TTLT ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Mục 5, tiểu mục b quy định: Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì Chánh án tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì Chánh án tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì Chánh án Tòa án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các Tòa án cấp tỉnh (hoặc đều là của Tòa án quân sự cấp quân khu), thì Chánh án Tòa án cấp tỉnh (hoặc Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.
Trong khi chờ đợi ý kiến, bản thân cũng đề xuất sửa đổi Điều 56 BLHS như sau:
Cụ thể bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 56 Bộ luật Hình sự như sau:
“4. Tòa án nhân dân cấp xét xử sau cùng có thẩm quyền tổng hợp hình phạt tù của nhiều bản án tối đa đến 30 năm tù có thời hạn. Chánh án Tòa án cấp nào đã xét xử bản án sau cùng trong việc tổng hợp hình phạt của các bản án, thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định thi hành án phạt tù”.