VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 41/KH-VKSTC về kiểm tra công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, hành chính năm 2021.
Theo VKSND tối cao, thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá đúng tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, hành chính; công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ được nêu trong các Chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác năm 2020, năm 2021 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND tối cao đối với VKSND các địa phương.
VKSND tối cao yêu cầu, công tác kiểm tra phải đảm bảo nghiêm túc, đúng nội dung, tiến độ đề ra; kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan. Qua kiểm tra làm rõ những kết quả đã đạt được của VKSND địa phương về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, hành chính theo các chỉ tiêu của Quốc hội, hệ thống chỉ tiêu cơ bản của Ngành và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao.
Đồng thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể; việc kiến nghị xử lý (nếu có); nắm những vấn đề vướng mắc, khó khăn để nghiên cứu báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo kịp thời tháo gỡ.
Quá trình kiểm tra không gây khó khăn hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của VKSND địa phương được kiểm tra; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao trong việc hướng dẫn nghiệp vụ đối với VKSND địa phương.
Theo Kế hoạch, nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị, Kế hoạch của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; các Quy chế về nghiệp vụ, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao năm 2020, năm 2021; quy chế phối hợp liên ngành và các yêu cầu của Vụ 8, Vụ 11 VKSND tối cao trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính.
|
|
VKSND huyện Đak Pơ, Gia Lai trực tiếp kiểm sát Nhà tạm giữ, Công an huyện. (Ảnh minh hoạ) |
Kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác của VKSND cấp tỉnh và cấp huyện; chương trình, hướng dẫn công tác của các phòng nghiệp vụ thuộc VKSND cấp tỉnh đối với VKSND cấp huyện; các giải pháp, việc lựa chọn các biện pháp trọng tâm mang tính đột phá và việc thực hiện những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác của Quốc hội và các quy định, hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Ngành đã đề ra.
Nội dung trọng tâm kiểm tra trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự gồm: Công tác kiểm sát chế độ quản lý giam giữ, việc thực hiện các chế độ và đảm bảo các quyền đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân.
Kiểm sát Tòa án trong việc: Giao, gửi bản án, ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định về thi hành án hình sự, việc gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kiểm sát việc tha tù, thi hành quyết định tha tù, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và kiểm sát việc thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.
Chất lượng, hiệu quả công tác định kỳ trực tiếp kiểm sát, kiểm sát đột xuất; phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát liên ngành tại địa phương; việc phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị, kiến nghị; chất lượng kháng nghị, kiến nghị và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
Nội dung trọng tâm kiểm tra trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính gồm: Kiểm tra các hoạt động của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát phân loại án dân sự, hành chính, việc có điều kiện thi hành và việc án chưa có điều kiện thi hành án; các hoạt động kiểm sát việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; việc phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự và các ngành hữu quan trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài; việc phát hiện vi phạm ban hành kháng nghị, kiến nghị; chất lượng kháng nghị, kiến nghị.
Kiểm tra việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát việc thi hành án dân sự, hành chính; việc kiến nghị đối với Chủ tịch UBND và UBND trong công tác thi hành án hành chính; kiến nghị, kháng nghị nâng cao tiến độ thi hành các bản án về tham nhũng, kinh tế. Kiểm sát trình tự, thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá nhằm kịp thời, đẩy mạnh phát hiện vi phạm gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, cho các tổ chức, cá nhân được thi hành án.
Cũng theo Kế hoạch, VKSND tối cao sẽ tiến hành kiểm tra tại 4 VKSND địa phương. Số liệu, kết quả công tác phục vụ kiểm tra theo các nội dung trên của VKSND hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) từ ngày 1/12/2019 đến hết ngày 31/5/2021; đoàn kiểm tra có thể xem xét, kiểm tra sổ sách, tài liệu, hồ sơ các vụ việc đã giải quyết trước hoặc phát sinh sau thời điểm báo cáo số liệu kiểm tra nêu trên.
Công tác kiểm tra dự kiến tiến hành vào tháng 7/2021 và hoàn thành trước ngày 15/10/2021.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ, căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác của Ngành, trên cơ sở kết quả công tác quản lý, theo dõi, nắm tình hình chấp hành pháp luật và công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự, hành chính của các đơn vị VKSND cấp dưới; Vụ 8, Vụ 11 đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra tại các đơn vị VKSND địa phương và có thông báo cho các đơn vị được kiểm tra. Viện trưởng VKSND cấp tỉnh được kiểm tra, căn cứ Kế hoạch này và các yêu cầu của Đoàn kiểm tra để xây dựng báo cáo phục vụ công tác kiểm tra (nội dung theo đề cương báo cáo kèm theo) và gửi trước cho Đoàn kiểm tra khi nhận được thông báo kiểm tra. Đơn vị được kiểm tra thông báo thời gian, thành phần, nội dung làm việc của Đoàn kiểm tra với các cơ quan hữu quan. |