Cụ thể, 10 hành vi bao gồm:
1. Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Cản trở các hoạt động PCCC và CNCH; chống người thi hành nhiệm vụ PCCC và CNCH.
3. Lợi dụng PCCC và CNCH để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
4. Báo cháy, tai nạn, sự cố giả.
5. Không báo cháy, tai nạn, sự cố khi có điều kiện báo cháy, tai nạn, sự cố; trì hoãn việc báo cháy, tai nạn, sự cố.
6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.
7. Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.
8. Thi công công trình, hạng mục công trình, chế tạo hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
9. Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.
10. Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.
|
|
Mặt sau chung cư mini bị cháy tại quận Thanh Xuân. (Ảnh minh hoạ) |
Đối với quy định về phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư, dự thảo Luật nêu rõ: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy; có biện pháp phòng cháy, phương án thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Nhà để ở kết hợp kinh doanh ngoài các yêu nêu trên phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực sinh hoạt với khu phục kinh doanh; có lối thoát khẩn cấp thứ hai.
Khu dân cư phải có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy phù hợp với đặc điểm tình hình của khu dân cư.
Liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, định hướng điều chỉnh xây dựng Luật nêu rõ: Quy định cơ quan Công an chỉ thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế đối với hệ thống thiết bị PCCC (hệ thống báo cháy, chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu, trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới). Trong đó bổ sung quy định về thẩm duyệt đối với thiết kế về PCCC trong đó hồ sơ thiết kế phải được thẩm tra thiết kế về nội dung an toàn PCCC trước khi cơ quan Cảnh sát PCCC cấp văn bản thẩm duyệt (tham khảo các văn bản thẩm định của Bộ Xây dựng). Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện.
Đối với các nội dung liên quan đến kết cấu thoát nạn, ngăn cháy và các hệ thống khác có liên quan (không phải hệ thống thiết bị PCCC): Quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải thực hiện; Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định đối với các nội dung liên quan đến chuyên ngành từng bộ. Quá trình hoạt động cán bộ kiểm tra PCCC ngoài kiểm tra duy trì hệ thống PCCC sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định của chủ đầu tư, chủ cơ sở chịu trách nhiệm đối với nội dung này.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2001 đến năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 59.878 vụ cháy, nổ (trong đó xảy ra 49.724 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân...; làm chết 1.910 người, bị thương 4.434 người; về tài sản ước tính trị giá 26.152 tỉ đồng.
Về nguyên nhân vụ cháy: do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do vi phạm quy định an toàn PCCC 513 vụ; do sự cố kỹ thuật 784 vụ; do tác động các hiện tượng thiên nhiên 95 vụ; do tự cháy 50 vụ; do tai nạn giao thông 981 vụ. Đang tiếp tục điều tra 1.853 vụ (chiếm 6,3%).
Mới đây nhất là vụ cháy chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội xảy ra vào hồi 23h50’ ngày 12/9. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2, với địa hình ngõ nhỏ, sâu, cách phố Khương Hạ 400m. Cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương; trong đó đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong. |