Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa có buổi làm việc về chương trình giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của tòa án tại Đà Nẵng.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Võ Thị Như Hoa - Giám đốc Sở Tư Pháp TP Đà Nẵng, cho biết từ 2019-2021, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị khiếu kiện trên địa bàn TP là 96 vụ. Số lượng quyết định hành chính bị tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ/tổng số các quyết định hành chính bị khiếu kiện là 12 vụ. Số lượng hành vi hành chính trái pháp luật bị tòa án tuyên bố là trái pháp luật/tổng số hành vi hành chính bị khiếu kiện là 4 vụ.

Những năm qua, các cấp chính quyền TP cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật về căn cứ, trình tự, nội dung và thẩm quyền. Số lượng vụ việc bị khiếu kiện tại tòa án các cấp là 96 vụ/225.000 quyết định hành chính, chiếm 0,04%. Từ 2019-2021, Chủ tịch UBND, UBND bảy quận, huyện trung bình ban hành khoảng 20.000 quyết định hành chính, số vụ bị khiếu kiện tại tòa án là 42 vụ, chiếm 0,03%.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nêu ý kiến trước tình trạng Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. (ảnh: LT)

Về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết vụ án hành chính trên địa bàn Đà Nẵng, từ năm 2019-12021, số vụ án không tổ chức đối thoại được do người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt là 55 vụ (trong đó năm, 2021 là 5 vụ). Số phiên tòa hoãn do người bị kiện là Chủ tịch UBND, UBND vắng mặt là 63 phiên tòa (năm 2021 là 12 vụ).

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng đã nêu ý kiến trước tình trạng Chủ tịch UBND, UBND (hoặc người đại diện) vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Bà Hoa cho hay, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 thì Chủ tịch UBND bị khởi kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Điều này gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo của UBND trong công tác điều hành. Với phạm vi quản lý, điều hành lớn, lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo giấy triệu tập của tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính.

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đề nghị tòa án các cấp sớm đưa vào tổ chức phiên tòa hành chính trực tuyến, tạo thuận lợi cho UBND, Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa. Ngoài ra, nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đối thoại để rút ngắn thời gian đi lại của người dân và UBND, Chủ tịch UBND nhưng vẫn đảm bảo việc người dân được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến đối tượng bị kiện.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy nhiều vụ việc Chủ tịch, Phó Chủ tịch không tham gia đối thoại tại các phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu ý kiến. (ảnh: LT)

“Luật Tố tụng quy định rất rõ, Chủ tịch bận không tham gia được, ủy quyền cho phó thì phó chủ tịch phải tham gia. Nhiều địa phương công việc, án hành chính nhiều, tôi rất chia sẻ với lãnh đạo chính quyền nhưng nếu chúng ta không sắp xếp được để tham gia đối thoại, các phiên tòa thì bỏ mất cơ hội tiếp xúc, lắng nghe, mong muốn của người dân như thế nào. Từ việc lắng nghe đó ta có thể sửa đổi, nếu ban hành quyết định chưa đúng pháp luật thì có thể chỉnh sửa và người dân có thể tự nguyện rút đơn. Ngược lại, khi đối thoại, người dân nhận thấy được họ kiện không đúng thì cũng sẽ rút đơn”- ông nói.

Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết đa số án hành chính không có Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó. Cấp phó có văn bản xin xét xử vắng mặt trong suốt quá trình tòa thụ lý xét xử do bận công tác. Việc vắng mặt Chủ tịch UBND, UBND (hoặc người đại diện) làm vụ án kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người dân và làm mất cơ hội để chính quyền địa phương trao đổi, nắm bắt, ghi nhận nguyện vọng của nhân dân.

“Luật Tố tụng hành chính quy định người đứng đầu cơ quan hoặc cấp phó được ủy quyền phải tham gia tố tụng tại tòa án là đúng và cần thiết. Do đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc cấp phó được ủy quyền phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, phải tăng cường trách nhiệm và cần có chế tài cụ thể đối với người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền khi không đến tham gia tố tụng” - ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, kiến nghị.

Đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi Luật Tố tụng hành chính liên quan đến việc tham gia phiên tòa của người bị kiện là bắt buộc. Cụ thể ở đây là trách nhiệm của chủ tịch UBND phải tham gia các phiên tòa hành chính.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, cho biết đoàn công tác đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền TP Đà Nẵng trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện các hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND trong thời gian qua. Việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân được tăng cường, chủ động giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Đoàn công tác tiếp thu, ghi nhận tất cả các ý kiến của cơ quan hữu quan, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Từ đó bảo đảm đề cao và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời tăng cường các giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, thi hành bản án, quyết định hành chính. 


L.T