Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc phối hợp, thông tin giữa các cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung về giám định tư pháp (GĐTP) và đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng đối với GĐTP, việc xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác GĐTP đã được giao Bộ Tư pháp chủ trì. Chiều 13/12, Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác GĐTP đã nhóm họp cùng đại diện các bộ, ban ngành liên quan.
Theo đó, nội dung dự thảo được thống nhất, sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC và VKSNDTC. Dự thảo Quy chế dự kiến đưa ra 7 nội dung phối hợp, gồm các lĩnh vực: trong xây dựng văn bản về GĐTP; giải quyết khó khăn, vướng mắc về GĐTP trong hoạt động tố tụng; trong việc hướng dẫn thống kê và cung cấp thông tin, số liệu thống kê về GĐTP trong hoạt động tố tụng; trong kiểm tra về GĐTP; trong tổ chức họp giao ban liên ngành về GĐTP; phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về GĐTP; phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin về GĐTP phục vụ họp, hội nghị và trong trường hợp cần thiết khác. Về tổ chức thực hiện, dự thảo Quy chế quy định, mỗi cơ quan chỉ định 1 đơn vị đầu mối trong phối hợp liên ngành về GĐTP; trách nhiệm của từng bộ, ngành; kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phối hợp…
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) cho rằng: Thống kê liên ngành về GĐTP là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP. Quy chế cần quy định cụ thể việc phối hợp như thế nào, trong thời gian bao lâu, trách nhiệm ra sao; đồng thời đề nghị bổ sung một số Bộ tham gia ký kết Quy chế cũng như thêm một số nguyên tắc phối hợp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của Quy chế là nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Luật GĐTP; tăng cường phối hợp, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan và đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, việc thống kê và thông tin liên ngành về GĐTP vô cùng quan trọng, được coi là “dữ liệu đầu vào, cần thiết” để các bộ, ngành biết và đánh giá những mặt tốt, không tốt của công tác này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, với Quy chế này, không nên kỳ vọng sẽ giải quyết hết các vướng mắc hiện hành về GĐTP. Do đó, cơ quan ký kết Quy chế không mở rộng nhưng sẽ bổ sung một quy định về mời các cơ quan khác tham gia trong một số trường hợp.
Tú Uyên