(BVPL) - Hội đồng thẩm định dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã tiến hành phiên họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng. Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công 2009. Theo đó, nợ công sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật quy định về các chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược nợ, các nội dung về quản lý nợ công gồm: chương trình, kế hoạch quản lý nợ công, công tác quản lý rủi ro, giám sát an toàn nợ công, việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ của Chính phủ…Dự thảo không có thay đổi về các cấu phần của nợ công so với Luật hiện hành, theo đó, nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
Nội dung quy định về phạm vi nợ công được tách thành một điều riêng, đồng thời làm rõ nội dung của từng cấu phần nợ công để giải quyết những tồn tại hiện nay liên quan đến sự rõ ràng của từng cấu phần nợ công, đặc biệt là với nợ của Chính phủ. Dự thảo quy định rõ nợ Chính phủ thông qua các khoản nợ do Chính phủ phát hành các công cụ nợ gồm tín phiếu, trái phiếu, công trái...; các khoản nợ do Chính phủ ký kết các hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng vay nước ngoài; các khoản vay khác gồm vay từ quỹ dự trữ tài chính nhà nước, tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và các khoản vay khác theo quy định của pháp luật. Nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm các khoản nợ của DN, tổ chức tài chính- tín dụng được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình, dự án thuộc danh mục được Chính phủ bảo lãnh; Các khoản nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước vay hoặc phát hành công cụ nợ để thực hiện các chương trình tín dụng của Nhà nước. Nợ của chính quyền địa phương hình thành thông qua các khoản nợ do chính quyền địa phương cấp tỉnh phát hành công cụ nợ trong nước; Các khoản nợ từ việc vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Các khoản vay từ ngân hàng chính sách, theo chương trình của Nhà nước, tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước và các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật.
Đối với ý kiến cho rằng cần xem xét các khoản tạm ứng của NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản, nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản tạm ứng này hoặc các khoản tạm ứng khác của NSNN xuất phát từ việc quản lý điều hành. Theo đó, có một số khoản chi cấp bách cần thiết nhưng chưa có trong dự toán được duyệt, NSNN tạm ứng để thực hiện và phải bố trí dự toán năm tiếp sau để thu hồi tạm ứng. Đối với vay nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả, DN là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật; trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ DN sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính không đưa nợ DNNN vào nợ công.
Giám sát, phân tích, đánh giá bền vững nợ công
Chiến lược quản lý nợ và các chỉ tiêu an toàn nợ: do Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Kế hoạch vay trả nợ công trung hạn cho giai đoạn 5 năm: do Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội (tương ứng với công cụ mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay nợ công trong giai đoạn 5 năm theo quy định của Luật hiện hành, do Quốc hội phê duyệt). Chương trình quản lý nợ trung hạn cho giai đoạn 3 năm: do Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tương tự như quy định hiện nay tại Luật Quản lý nợ công về thẩm quyền phê duyệt). Kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm: do Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tương tự như quy định hiện nay tại Luật Quản lý nợ công về thẩm quyền phê duyệt). Quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công: nội dung này kế thừa một số quy định hiện nay tại Quyết định số 56/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, đồng thời rút kinh nghiệm từ những vướng mắc thời gian qua trong triển khai công tác này và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế.
Giám sát, phân tích, đánh giá bền vững nợ công là nội dung công cụ mới, được bổ sung nhằm tăng cường công tác giám sát, trách nhiệm của các cơ quan trong cung cấp thông tin phục vụ công tác giám sát và các nội dung cơ bản của công tác giám sát và phân tích bền vững nợ và tần suất thực hiện công cụ quản lý giám sát.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá, nội dung dự thảo cơ bản phù hợp với nội dung, yêu cầu đã xác định; phù hợp với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng cần lưu ý tiến hành rà soát và đối chiếu với quy định tại các luật khác liên quan đến nợ công (như Luật Đầu tư công, Luật Phí, lệ phí, Luật Điều ước quốc tế…) để điều chỉnh nội dung dự thảo cho phù hợp. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ hơn về mục tiêu quản lý nợ công trong phần quy định về các nguyên tắc quản lý nợ công và trong các nội dung khác của luật.
Tú Uyên