Bộ Tư pháp đang dự thảo (lần 3) Nghị định của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Về “Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác”, dự thảo Nghị định quy định, “Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác” là chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, bao gồm: VKSND tối cao; TAND tối cao; cơ quan của Quốc hội; cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc  hội, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, dự thảo nêu rõ các nguyên tắc đó là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà  nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam và đồng chí Xaysana Khotphouthone, Viện trưởng VKSND tối cao Lào ký và trao Thoả thuận hợp tác giữa VKSND tối cao hai nước. (Ảnh minh hoạ)

Thực hiện và quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.

Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Thủ trưởng cơ quan nhà nước ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chịu trách nhiệm quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định về nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Cụ thể, nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này bao gồm các lĩnh vực sau: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật bao gồm phổ biến, giáo dục pháp luật; Theo dõi thi hành pháp luật; Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Đào tạo và bồi dưỡng pháp luật; Cải cách tư pháp bao gồm hoàn thiện mô hình tố tụng, tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp; Bồi dưỡng, nâng cao năng lực các chức danh tư pháp và nghề tư pháp.

Hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này bao gồm các hình thức sau: Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án; Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ, nâng cao kiến thức, năng lực trong xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, đào tạo và bồi dưỡng pháp luật.

Các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.

P.V