VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang, do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020.

Nội dung kiến nghị: Đối với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung quy định: Thứ nhất, hướng dẫn về chế tài xử lý, thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức cố tình không chấp hành yêu cầu của CQĐT; trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả lời Kết luận định giá tài sản; thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả lời, cung cấp thông tin; chế tài áp dụng đối với các tổ chức viễn thông trong trường hợp chậm cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin khi nhận được Lệnh thu giữ thư tín, điện tín của CQĐT.

Về nhóm kiến nghị này, VKSND tối cao đã có trả lời từng nội dung cụ thể. Theo đó, về đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về chế tài xử lý, thẩm quyền xử lý đối với cơ quan, tổ chức cố tình không chấp hành yêu cầu của CQĐT; trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, VKSND tối cao cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 88 BLTTHS năm 2015 thì để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử.

Điều 168 BLTTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Như vậy, cơ quan, tổ chức nếu không thực hiện yêu cầu của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, các quy định của pháp luật để xử lý hành vi nêu trên còn chưa đầy đủ. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân (Điều 48), không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện kiểm sát, CQĐT. BLTTHS năm 2015 (Chương XXXII); BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 14) cũng chỉ quy định về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, trường hợp cơ quan, tổ chức không phải là người tham gia tố tụng thì cũng không có căn cứ để xử lý.

Do vậy, để có căn cứ xử lý đối với hành vi nêu tại kiến nghị, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị này để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS năm 2015; đối với việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, VKSND tối cao đề xuất cơ quan giải quyết là Bộ Công an và Bộ Tư pháp.

Đối với nội dung kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả lời Kết luận định giá tài sản, theo VKSND tối cao, do tài sản cần định giá để giải quyết vụ án hình sự có nhiều loại khác nhau, với những đặc điểm khác nhau và để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể chủ động căn cứ vào thời hạn tố tụng giải quyết vụ án nên BLTTHS năm 2015 giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm ấn định thời hạn trả lời Kết luận định giá tài sản (Điều 215). 

Đồng thời, Điều 216 BLTTHS năm 2015 cũng đã quy định: “Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết”. 

Tuy nhiên trên thực tiễn, nhiều trường hợp không thể thực hiện đúng thời hạn định giá theo yêu cầu do gặp khó khăn trong việc định giá (không có giá thực tế... làm căn cứ để định giá). VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS năm 2015. 

Đối với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn trả lời, cung cấp thông tin, chế tài áp dụng đối với các tổ chức viễn thông trong trường hợp chậm cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin khi nhận được Lệnh thu giữ thư tín, điện tín của CQĐT.

Theo VKSND tối cao, việc thi hành Lệnh thu giữ thư tín, điện tín được thi hành tại tổ chức bưu chính, viễn thông. Theo quy định tại khoản 3 Điều 197 BLTTHS năm 2015, người thi hành Lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ và cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông phải tạo điều kiện để người thi hành Lệnh hoàn thành nhiệm vụ. 

Như vậy, khi thi hành Lệnh thu giữ thư tín, điện tín tại tổ chức bưu chính, viễn thông không phát sinh yêu cầu cung cấp thông tin đối với tổ chức bưu chính, viễn thông để cần thiết phải bổ sung quy định về thời hạn trả lời, cung cấp thông tin cũng như chế tài áp dụng đối với các tổ chức bưu chính, viễn thông trong trường hợp chậm cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin. 

Tuy nhiên, trong thực tiễn, liên quan đến giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, có nhiều trường hợp đã phải tạm đình chỉ do quá trình giải quyết, CQĐT đã yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật để kiểm tra, xác minh nguồn tin nhưng không được cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh thực hiện, khiến việc giải quyết vụ việc bị chậm trễ, kéo dài, phải tạm đình chỉ (trong đó có cả những trường hợp yêu cầu tổ chức bưu chính, viễn thông cung cấp thông tin liên quan đến thư tín, điện tín). VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS năm 2015.

Cùng với việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang, VKSND tối cao cũng đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang đối với nội dung thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can; kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị VKSND tối cao cho VKSND tỉnh Lạng Sơn giữ nguyên số lượng biên chế; kiến nghị của cử tri tỉnh Hoà Bình về nội dung: Đề nghị VKSND tối cao tăng cường công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn theo các chuyên đề nghiệp vụ; đồng thời tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, các đợt tập huấn bằng hình thức trực tuyến nhất là các quy định mới của các đạo luật về tư pháp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên.

P.V