Tiếp nhận 318.642 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Thực hiện quy định của Điều 65 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Công an vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015.

Theo Bộ này cho biết, ngày 26/11/2015 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Sau 2 năm triển khai thi hành Luật, tổ chức, hoạt động của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp tục đi vào ổn định và hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo, trong 2 năm thi hành, các CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận 318.642 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đã giải quyết 268.239, đang giải quyết 50.403 tố giác, tin báo về tội phạm; khởi tố 244.630 vụ án hình sự với 247.123 bị can. 

Hệ thống CQĐT tiếp tục được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền của các CQĐT. Số vụ án hình sự Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện đã giải quyết chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ án xảy ra trên toàn quốc, tạo điều kiện để CQĐT cấp trên tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời, thực hiện tốt hơn việc tổng kết, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và pháp luật đối với CQĐT cấp dưới. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về điều tra hình sự.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức CQĐT của CAND, trong QĐND phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho đến khi kết thúc điều tra; giúp cho Kiểm sát viên nắm được nội dung, diễn biến, các tình tiết có liên quan đến vụ án để thực hành quyền công tố tại phiên tòa, góp phần tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra.

Sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015, thực tế cũng cho thấy một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự, do đó việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác điều tra hình sự trong thời gian tới là cần thiết.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên, Điều tra viên lấy lời khai đối tượng vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật này thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 được xây dựng phải bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi còn cần phải quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của CQĐT hình sự, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Phù hợp với Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.

Kế thừa các quy định còn phù hợp đang phát huy tác dụng tốt, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế của pháp luật về điều tra hình sự; đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn tổ chức điều tra hình sự của một số nước trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Cụ thể các nội dung sửa đổi, bổ sung

Đối với phần Những quy định chung, nội dung quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng: Bỏ quy định Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu là đơn vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; chỉnh lý tên gọi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh: Bỏ quy định Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu là đơn vị thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh; chỉnh lý tên gọi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ thành Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu.

Đối với Cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Bỏ quy định Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an cấp tỉnh; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị thuộc cơ quan của Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. 

Quy định cụ thể hơn về tên gọi của Phòng Cảnh sát giao thông, cụ thể là: Phòng Cảnh sát giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Phòng Cảnh sát đường thủy hoặc Phòng Cảnh sát giao thông đối với các tỉnh không thành lập Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Phòng Cảnh sát đường thủy).

Về quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự, nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nghiên cứu bổ sung một số nội dung mới về trách nhiệm của Công an xã tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an để phù hợp với việc bố trí Công an xã chính quy trong triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW và Đề án Công xã chính quy do Bộ Công an xây dựng. 

Cụ thể sửa Điều 44 (Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an) như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật, có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền.

Liên quan đến quy định về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên và cán bộ điều tra, sửa đổi quy định về thành phần Hội đồng thi tuyển Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp. 

Cụ thể, Hội đồng thi tuyển Điều tra viên cao cấp trong CAND và Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở các CQĐT Bộ Công an, bỏ quy định đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND là ủy viên Hội đồng.

Hội đồng thi tuyển Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên sơ cấp ở CQĐT Công an cấp tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện: Bỏ quy định đại diện lãnh đạo Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp là ủy viên Hội đồng.

P.V