Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội xem xét thông qua. Đáng chú ý là trong dự thảo luật này bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).

Hiện hai loại ý kiến về dự thảo luật. Loại ý kiến thứ nhất: Tán thành dự thảo Luật, vì cho rằng hiện nay khi thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự từ ngày 1/1/2020 thì yêu cầu và nhu cầu về giám định kỹ thuật âm thanh tăng rất cao, khi các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành ghi âm, ghi hình, có âm thanh đối với việc hỏi cung bị can. Đây là vấn đề đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở đề nghị của VKSND tối cao và cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng và quy định của pháp luật tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không bổ sung quy định này.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội 

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ dự thảo luật bổ sung quy định Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND  tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh, các dữ liệu điện tử. Theo ông Sơn, việc bổ sung quy định này là phù hợp quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Ông Sơn phân tích, sự ra đời và tồn tại của các tổ chức giám định kỹ thuật tư pháp hình sự xuất phát từ nhu cầu hoạt động của các tổ chức điều tra hình sự. Nội dung, phạm vi hoạt động giám định của các tổ chức này cũng xuất phát từ nhu cầu thuộc phạm vi hoạt động điều tra đó, nó làm nhiệm vụ truy nguyên các dấu vết ban đầu, giúp cơ quan điều tra xác định điểm xuất phát, định hướng, các nội dung cần truy tìm chứng cứ và các mục tiêu cần chứng minh trong quá trình điều tra một vụ án hình sự. Đây là vấn đề này mang tính quy luật trong quá trình ra đời và phát triển của hoạt động của các tổ chức điều tra hình sự tại các quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được tổ chức tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan điều tra chuyên trách trong lực lượng Công an Nhân dân và Bộ Quốc phòng. Điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, án tham nhũng trong hoạt động tư pháp là chức năng riêng có, được pháp luật trao cho Viện kiểm sát nhân dân.

Theo đó, Tổ chức điều tra hình sự thuộc VKSND tối cao ra đời là duy nhất, chỉ có trong tổ chức bộ máy của VKSND tối cao. Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao cũng ra đời để đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan điều tra hình sự, như đã nêu ở trên.

Điều 43 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao họp dưới sự điều hành của Viện trưởng VKSND tối cao, thảo luận và quyết định các nội dung sau đây:…Bộ máy làm việc của VKSND tối cao…

leftcenterrightdel
 Ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội xem xét

Như vậy, sự ra đời và tồn tại của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là do Viện trưởng VKSND tối cao căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành và quy định của pháp luật để quyết định. Tổ chức này tồn tại trên thực tế và phục vụ cho hoạt động điều tra đặc thù của cơ quan điều tra hình sự thuộc VKSND tối cao. Nghĩa là tổ chức này đã ra đời, tồn tại từ lâu nay.

Vấn đề đặt ra lần này là bổ sung vào quy định của Luật Giám định tư pháp chức năng giám định tư pháp cho  Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao, nhằm công nhận tính pháp lý cho các kết luận giám định, giúp cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra thuộc VKSND tối cao hoạt được tốt hơn.

“Vì vậy, quan điểm của tôi là việc bổ sung chức năng này cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là phù hợp quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay”, Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Xuân Nha