Phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND, trong đó có công tác kiểm sát chung, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).
Trong ba ngày, từ ngày 19 đến ngày 21/10/1964, VKSND tối cao đã tổ chức hội nghị chuyên đề kiểm sát chung tại Thủ đô Hà Nội. Tại hội nghị, VKSND tối cao đã có báo cáo rút kinh nghiệm chuyên đề kiểm sát chung đấu tranh chống vi phạm pháp luật bảo vệ dân chủ của nhân dân và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị nêu lên tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân ở nông thôn, ở đô thị, ở các xí nghiệp, công, nông, lâm trường quốc doanh; tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, hội nghị cũng kiểm điểm công tác kiểm sát chung trong những năm vừa qua, đưa ra một số phương thức công tác kiểm sát phù hợp với điều kiện đất nước có chiến tranh.
|
|
Đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao cùng cán bộ cơ quan VKSND tối cao. (Ảnh: tư liệu) |
Hội nghị nêu rõ, nhiệm vụ công tác kiểm sát chung rất nặng nề, toàn ngành cần vận dụng chức năng kiểm sát chung, tích cực tham gia một cách chủ động vào công tác đấu tranh chống phản cách mạng, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm sát bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, ra sức chống tham ô và đầu cơ, đồng thời tăng cường kiểm sát việc chấp hành nghĩa vụ của công dân đi đôi với việc bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, nhằm phục vụ tốt các cuộc vận động quần chúng của Đảng và Nhà nước.
Về quan hệ quốc tế, tháng 11/1964, Đoàn đại biểu VKSND tối cao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa do đồng chí Trương Đỉnh Thừa - Viện trưởng làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo đồng chí Trương Đỉnh Thừa, đối với mỗi nước, cơ quan kiểm sát đều là vũ khí quan trọng trong nền chuyên chính vô sản, đảm nhiệm nhiệm vụ trấn áp kẻ địch, trừng trị kẻ phạm tội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội. Đồng chí chúc mừng những thành tích mà ngành kiểm sát Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đoàn đã học tập được một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát của Việt Nam và khẳng định ngành kiểm sát hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Trong năm 1964, phương hướng hoạt động của ngành kiểm sát là ra sức tăng cường công tác lãnh đạo và chỉ đạo, cải tiến tổ chức và cải tiến lề lối làm việc theo tính chất nghiệp vụ pháp lý, tiếp tục bồi dưỡng quan điểm đấu tranh giai cấp và nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ. Biên chế ngành được bổ sung thêm 160 người để tăng cường cho những viện kiểm sát huyện, thị xã, khu phố lớn có nhiều việc và những bộ phận chủ yếu của cấp thành phố và tỉnh. Đã điều chỉnh tổ chức bộ máy của VKSND tối cao bằng cách rút bớt đầu mối trực tiếp với lãnh đạo, sáp nhập một số phòng trực thuộc và bộ phận tổng hợp, kiểm tra vào Văn phòng. Ở các viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố, việc cải tiến chỉ đạo thực hiện đã làm được tốt hơn. Nhiều viện kiểm sát đã chú ý tổ chức rút kinh nghiệm từng mặt công tác hoặc sơ kết chuyên đề để bồi dưỡng cấp huyện. Việc nắm và chỉ đạo một số công tác trọng tâm ở một số nơi có tiến bộ, đã chú ý hơn đến công tác kiểm tra, giúp đỡ cấp huyện tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nghiệp vụ.
VKSND tối cao đã đề ra chế độ quản lý tang vật, kỷ luật và quan hệ với đương sự trong vụ án để nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật và phẩm chất đạo đức của cán bộ. Trường Cán bộ kiểm sát được thành lập, liên tục mở các lớp bổ túc sáu tháng và ba tháng cho 354 cán bộ, mặc dù Trường phải nhờ địa điểm ở nhiều nơi vì chưa có trụ sở.
Trong hệ thống tổ chức của ngành kiểm sát, viện kiểm sát quân sự đặt trong quân đội nhân dân dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Những năm 1961 - 1962, ngành kiểm sát quân sự tập trung xây dựng hệ thống tổ chức, biên chế, bồi dưỡng chuyên môn pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát. Ngành kiểm sát quân sự gồm Viện Kiểm sát quân sự Trung ương (cấp 1) do đồng chí Lê Quang Đạo giữ chức Viện trưởng và 17 viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương (cấp 2). Tháng 8/1962, biên chế chính thức của ngành kiểm sát quân sự gồm 162 sĩ quan. Đến tháng 3/1963, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Đình Thiệp giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.
Trên cơ sở phương hướng hoạt động đã đề ra, trong những năm 1961 - 1964, thời kỳ thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), hoạt động của ngành kiểm sát tập trung vào một số lĩnh vực sau:
Công tác kiểm sát chung: Công tác kiểm sát chung tuy là một công tác mới mẻ nhưng toàn ngành đã làm được một số việc, phục vụ cho các công tác trọng tâm của Đảng và Nhà nước như: phát hiện vi phạm pháp luật trong công tác thu mua lương thực, quản lý thị trường, nhất là trong phong trào phát triển hợp tác xã nông nghiệp, kịp thời ngăn ngừa một số trường hợp làm sai pháp luật của cán bộ các ngành.
Từ năm 1962, toàn ngành chủ trương đẩy mạnh việc đấu tranh ngăn ngừa những vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước nhằm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước. Đã đi vào kiểm sát một số hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, nông trường, xí nghiệp và theo sát phục vụ các công tác lớn như: thu mua lương thực, phòng chống lụt bão, bầu cử hội đồng nhân dân, tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đã có tác dụng góp phần làm cho các cấp uỷ đảng và cơ quan quản lý hữu quan thấy rõ hơn tình hình chấp hành chính sách và pháp luật để có chủ trương, biện pháp sửa chữa, góp phần củng cố hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp, đặc biệt là ở các địa phương như: Lào Cai, Hồng Quảng, Hà Đông, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình... .
Để phục vụ các công tác lớn của Đảng và Nhà nước, qua việc nắm tình hình vi phạm pháp luật tại các đơn vị trực tiếp kiểm sát, nhiều viện kiểm sát đã kịp thời phản ánh với cấp uỷ đảng để ngăn ngừa, sửa chữa chung. Đồng thời, kết hợp với các cuộc họp, cuộc nói chuyện về pháp luật và thực tiễn công tác để đề ra kế hoạch nhằm hạn chế, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.
Toàn ngành cũng đã đi vào kiểm sát một số uỷ ban hành chính cấp xã và kiểm sát một số văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số thông tư, chỉ thị, quyết định sai chính sách, pháp luật, đã vận dụng Điều 10, Luật Tổ chức VKSND để yêu cầu cơ quan hữu quan kiểm tra và đôn đốc sửa chữa các vi phạm pháp luật mà viện kiểm sát đã phát hiện.
Nhìn chung, ưu điểm của công tác kiểm sát chung là đã đề ra được chủ trương, bước đi đúng hướng vào các cơ sở sản xuất, theo sát phục vụ các công tác lớn, lấy phòng ngừa, xây dựng làm chính.
Qua công tác này, ngành kiểm sát đã bước đầu xác định được nội dung và phương pháp kiểm sát thích hợp với đặc điểm tổ chức và cán bộ của ngành, thực nghiệm phương châm dựa vào đảng bộ, công đoàn và quần chúng, bám sát pháp luật và giải quyết được những vướng mắc về nghiệp vụ, làm cơ sở bước đầu để xây dựng lý luận nghiệp vụ kiểm sát chung.
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).