Công an TP Đà Nẵng vừa khởi tố 4 bị can liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá hơn 1.000 tỉ đồng. Các bị can bị khởi tố gồm Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1987, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là đối tượng cầm đầu đường dây.

Cùng với Thúy, 3 đối tượng khác cũng bị khởi tố là Nguyễn Thị Tường Vi (SN 1986, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1985, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1975, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can Nguyễn Hoàng Tuấn (áo đen đứng đầu tiên bên tay trái).

Qua điều tra, Công an xác định từ cuối năm 2022 đến nay, Thúy cùng đồng bọn đã thành lập trên 35 công ty tại TP Đà Nẵng và các địa phương lân cận để xuất bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị hóa đơn trước thuế hơn 1.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 50 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong số các bị can vừa bị khởi tố, bị can Nguyễn Hoàng Tuấn là Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (Phân viện). Phân viện là đơn vị trúng thầu gói thầu thi công Dự án trùng tu Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế mà trước đó Báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều bài phản ánh.

Cụ thể, cuối năm 2022, Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh về cơ sở sản xuất gốm tại số 302 đường Phò Trạch, tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không đảm bảo an toàn sản xuất và như một “quả bom nổ chậm” giữa lòng thị trấn. Xưởng sản xuất này là của Công ty TNHH Đồng Tâm Hiệp Lực (Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực) chuyên sản xuất gốm sứ, gạch men, các loại ngói lợp.

Xưởng sản xuất này đã có hợp đồng với Phân viện để cung cấp các loại ngói dùng để trùng tu Điện Kiến Trung. Dự án trùng tu Điện Kiến Trung có tổng nguồn vốn khoảng hơn 120 tỉ đồng do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư. Phân viện là đơn vị trúng thầu hợp đồng xây lắp trọn gói dự án.

leftcenterrightdel
 Cơ sở sản xuất ngói của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực cung cấp cho việc trùng tu Điện Kiến Trung bị chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động sau khi Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh về sai phạm.

Sau khi trúng thầu hợp đồng xây lắp dự án trùng tu Điện Kiến Trung, Phân viện đã ký hợp đồng với Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lấy khoảng 120.000 viên ngói, bao gồm ngói liệt và ngói chiếu, để lợp mái cho Điện Kiến Trung.

Sau khi Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh về cơ sở sản xuất ngói của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực không đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo về môi trường, Công an huyện Phong Điền đã kiểm tra và có quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở này vì không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Sau đó, tháng 4/2023, UBND huyện Phong Điền có công văn yêu cầu Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực dừng hoạt động đối với cơ sở gốm sứ này. Chính quyền địa phương đã cho chấm dứt hoạt động đối với cơ sở sản xuất ngói này.

Khi Báo Bảo vệ pháp luật đặt câu hỏi về việc dự án trùng tu Điện Kiến Trung là dự án quan trọng mang tầm cỡ quốc gia như vậy lại sử dụng vật liệu xây dựng từ một cơ sở không đảm bảo về sản xuất thì phía chủ đầu tư dự án cho biết, Phân viện là đơn vị trúng thầu xây lắp nên được chủ động trong việc lựa chọn nguồn vật liệu.

Cũng thời điểm đó, làm việc với Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện cho rằng, tiêu chuẩn để phía Phân viện chọn sản phẩm là ngói liệt, ngói chiếu của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực là đơn vị cung cấp chỉ cần xuất trình được đăng ký kinh doanh và có 2 loại ngói đạt tiêu chuẩn như yêu cầu của chủ đầu tư là được.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (bên trái) làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật thời điểm Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh sự việc về việc trùng tu Điện Kiến Trung.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định, phía Phân viện chỉ quan tâm chất lượng ngói có đạt theo yêu cầu hay không để quyết định lựa chọn vật liệu. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện tại, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 cơ sở sản xuất loại ngói có thể sử dụng để trùng tu các công trình tại Đại Nội Huế. Tuy nhiên, đơn vị được lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu mà không cần phải đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu vì pháp luật không quy định.

Thời điểm này, ông Nguyễn Hoàng Tuấn cũng cho biết, ông sẽ cho bộ phận chuyên môn kiểm tra lại và cung cấp cho PV các hồ sơ về bộ quy chuẩn tiêu chí kỹ thuật và những hồ sơ liên quan để phía Phân viện quyết định lựa chọn sản phẩm ngói của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực dùng cho việc trùng tu Điện Kiến Trung. Tuy nhiên, sau đó Phân viện đã không cung cấp hồ sơ như đã nói.

Liên quan đến những vấn đề mà PV cung cấp liên quan đến cơ sở sản xuất gốm của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực không đảm bảo điều kiện sản xuất vẫn cung cấp ngói để lợp cho Điện Kiến Trung, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, về chất lượng ngói để sử dụng để trùng tu Điện Kiến Trung thì có sự đánh giá của hội đồng. Tuy nhiên, việc đơn vị sản xuất ngói để cung cấp cho việc trùng tu Điện Kiến Trung chưa bảo đảm điều kiện an toàn sản xuất như vậy là không được. 

“Chắc chắn Trung tâm sẽ không bao giờ cổ súy cho việc sử dụng những sản phẩm của cơ sở sản xuất không đảm bảo như vậy. Qua phản ánh của PV Báo Bảo vệ pháp luật thì Trung tâm sẽ nắm lại và coi đây là một việc cần rút kinh nghiệm cho những việc sau này”, ông Hoàng Việt Trung cho hay.

leftcenterrightdel
 Báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều bài phản ánh về việc Phân viện lựa chọn ngói lợp của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lợp cho Điện Kiến Trung.

Cũng liên quan đến phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật, về việc cơ sở sản xuất ngói không bảo đảm điều kiện sản xuất bị UBND huyện Phong Điền dừng hoạt động, đã cung cấp khoảng 120.000 viên ngói cho việc tôn tạo, trùng tu Điện Kiến Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Hoàng Hải Minh đã có văn bản giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp UBND huyện Phong Điền và các đơn vị liên quan rà soát trả lời các câu hỏi của Báo Bảo vệ pháp luật theo quy định. Tuy nhiên, đến nay phía Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vẫn chưa có văn bản cung cấp thông tin cho Báo Bảo vệ pháp luật về sự việc.

Điện Kiến Trung là di tích quan trọng nằm trên trục thần đạo của khu Tử Cấm Thành dưới triều nhà Nguyễn. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, dưới triều vua Khải Định. Đến thời vua Bảo Đại, vào năm 1932, nhà vua cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện, lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây.

Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế. Đây cũng là nơi làm việc và sinh hoạt của 2 vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là vua Khải Định và Bảo Đại. Việc trùng tu khôi phục Điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế. Việc trùng tu Điện Kiến Trung được khởi công vào ngày 16/2/2019, sau gần 5 năm việc trùng tu đã hoàn thành vào đầu năm 2024.

Xuân Nha